Ông tôi

(Trần Nguyễn Ánh Minh, lớp 10/8, Trường THPT Trần Cao Vân) 23/07/2017 07:13

Tuổi thơ tôi được sống trong hòa bình. Chính vì thế mà tôi không thể hiểu hết chiến tranh là gì và có lẽ cũng chẳng thể nào thấu hiểu những nỗi đau mà chiến tranh gây ra. Nhưng ngay từ lúc nhỏ, tôi đã rất thích thú với những câu chuyện của ông ngoại - một người lính năm xưa. Tôi coi ông là một anh hùng đánh tan bọn giặc gian ác và là hiệp sĩ xua đuổi những giấc mơ u ám trong suốt khoảng thời ấu thơ của tôi.

Tôi hãnh diện với đám bạn vì ông ngoại của mình như thế. Ngày còn nhỏ, khi chúng tôi tụ tập để chơi nhảy dây hay có đứa nào bắt nạt là ông lại giống như thần hộ mệnh cho tôi. Sở dĩ tụi bạn sợ tôi vì nó sợ cánh tay phải bị cụt của ông - cánh tay mà lúc nhỏ tôi thường rất thích sờ vào nó để ngủ, để nghe ông kể chuyện. Đó là những câu chuyện về một thời đau thương, oanh liệt và đầy tự hào của một gia đình có 7 người con tham gia chiến tranh và có 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cánh tay là phần máu thịt của ông để lại nơi chiến trường khốc liệt, nhưng lại là niềm kiêu hãnh trong tôi suốt cả tuổi ấu thơ, đọng lại trong ký ức tôi một niềm yêu thương da diết.

Tôi lớn lên một chút, ba mẹ tôi dọn ra ở riêng để tiện cho công việc. Nhìn đôi mắt ông lúc ấy, tôi thấy thương ông vô cùng, ông rất buồn vì phải xa tôi - vì ông chỉ có mình tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên và duy nhất lúc đó. Tôi nghĩ với ông, tôi là tất cả. Về sau cậu mợ sinh được hai thằng cu và thế là nó thay thế tôi làm bạn của ông, nhưng tôi tin rằng ông không thể nào quên được đứa cháu gái này đâu ông nhỉ!

Học hành vui chơi và những con số dày đặc trên lớp đã buộc tôi phải dành thời gian nhiều hơn cho việc học. Tôi bắt đầu lấy chuyện học hành làm điều quan trọng và đúng đắn cho tương lai, bởi tôi luôn nghĩ rằng: “Học chính là để làm người”.

 Lên cấp hai tôi càng thêm thấu hiểu những vẻ đẹp kỳ diệu bên ngoài dáng vẻ mộc mạc của ông ngoại mà càng thêm kính trọng ông hơn. Tôi lấy làm thích thú khi đọc làu làu nhưng tác phẩm thơ hay văn xuôi mà ông đã từng đọc cho tôi nghe. Nào là “Đồng chí” của Chính Hữu, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, “Tây Tiến” của Quang Dũng hay “Nhớ” của Hồng Nguyên…. Dẫu là vậy nhưng tôi cũng chỉ có thể thấu hiểu một phần nào đó ý nghĩa trong các tác phẩm, mà những nhà thơ như muốn gửi gắm qua từng con chữ. Tôi, thật sự với đôi mắt của một tâm hồn vô tư vẫn chỉ biết được phần nào, dù là nhỏ nhoi về những hiện thực khắc nghiệt mà chiến tranh đã mang lại; về cái “mặc kệ” của những người lính trong bài thơ “Đồng chí”...

Mãi về sau này, khi đã yêu và thích những tác phẩm của dòng văn học cách mạng, tôi mới hiểu thêm được những nỗi gian khổ và sự kiên cường của ông ngoại. Tôi bắt đầu thích “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu hay cuộc đời của anh lính Kiên trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Ôi thật đáng để cho tôi tự hào biết bao nhiêu!

Tôi còn nhớ rõ lắm, trong một lần đại gia đình đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn để thắp hương cho hai người anh ruột của ông hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968 và mùa xuân 1975, đoạn đường tuy không xa nhưng chứng say xe làm tôi gục đầu vào cánh tay phải bị cụt năm xưa của ông lúc nào mà không để ý. Với cánh tay không lành lặn nhưng ông vẫn cố gồng lên để đứa cháu bé nhỏ của ông có điểm tựa mà ngủ ngon giấc. Cảm giác ấy như dội tôi trở về tuổi ấu thơ, nơi đứa bé gái con năm nào còn đang dụi mình vào vai ông để được nghe ông kể chuyện…

(Trần Nguyễn Ánh Minh, lớp 10/8, Trường THPT Trần Cao Vân)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO