Ông “Trung lụt”

TRẦN ĐĂNG 21/06/2020 19:58

Hôm rồi về Tịnh Minh - một xã nằm ven sông Trà phía thượng nguồn để lấy tư liệu viết bài nhân kỷ niệm 55 năm xảy ra trận đánh Ba Gia lịch sử (31.5.1965 - 2020), nghe nhắc đến nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhiều cụ già của làng quê này ồ lên: “Ông Trung lụt đó à? Ông ấy đã cứu cả làng chúng tôi đấy”. Hỏi sao gọi là ông “Trung lụt”? Trả lời: “Trước khi xảy ra trận Ba Gia, ông Trung về “nằm vùng” làng này và chứng kiến toàn bộ trận lụt lịch sử năm Thìn (1964). Không có ông Trung ngày ấy thì nhiều người dân đã bị lũ cuốn trôi rồi”.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung gặp lại những người đã cưu mang ông tại huyện vùng cao Trà Bồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nhà văn Nguyễn Chí Trung gặp lại những người đã cưu mang ông tại huyện vùng cao Trà Bồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Nhà văn Nguyễn Chí Trung quê Quảng Nam nhưng dấu ấn để lại sâu đậm nhất trong đời văn nghiệp của ông lại là tác phẩm viết về đất và người Quảng Ngãi.

Tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất của ông “Tiếng khóc của nàng Út” (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008), được ông lấy bối cảnh ở Quảng Ngãi giai đoạn từ năm 1954-1959 làm “nền”. Tôi may mắn được một đôi lần “đi thực tế” với nhà văn để tìm “nàng Út” của ông.

Nguyễn Chí Trung có lẽ là một trong số không nhiều những văn nghệ sĩ “hồi kết” sớm nhất. Đâu như năm 1961 ông đã rời miền Bắc để có mặt tại vùng rừng miền tây Quảng Nam - Quảng Ngãi, nơi mà dư âm của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng vang trời dậy đất vừa xảy ra cách đó không lâu, vẫn còn vang vọng khắp núi rừng.

Có lẽ dư âm đó đã hằn sâu trong ký ức nhà văn nên gần như trọn đời mình, ông luôn ấp ủ một điều là phải viết một cuốn tiểu thuyết “để đời” về sự kiện đó. Mãi đến khi ông “thoát xác” khỏi chức phận của một anh cán bộ sự vụ, Nguyễn Chí Trung mới có điều kiện thực hiện những hoài bão của mình từ thời trai trẻ.

Theo nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” được nhà văn Nguyễn Chí Trung khởi thảo từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông còn làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông có viết vài chương phác thảo và cho Nguyễn Bảo xem. Nhưng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã gọi tên ông ra trận một lần nữa. 

Hay tin Nguyễn Chí Trung sắp lên đường sang Campuchia, Nguyễn Bảo góp ý: “Anh lăn lộn hai cuộc chiến tranh rồi, giờ là lúc anh xin nghỉ để “tiêu hóa” những gì mà anh tích góp mấy mươi năm. Chắc cấp trên cũng sẽ đồng ý thôi mà”. Nguyễn Chí Trung từ tốn: “Trên đã gọi tên mình chắc là “bí” người lắm rồi. Mình phải chấp hành thôi”. Và ông đã sang Campuchia với tư cách là cố vấn quân sự cấp cao, vừa phiên dịch tiếng Campuchia vừa “phiên dịch” luôn cả những vấn đề về chiến lược!

Cuộc chiến tranh 10 năm bên đất nước Chùa Tháp đã lấp đi thiên chức nhà văn của Nguyễn Chí Trung. Mười năm tiếp theo, ông lại sa vào sự vụ rồi làm Trợ lý Tổng Bí thư nên “nàng Út” của ông vẫn ở dạng phác thảo. Đầu năm 2000, vừa  thôi làm Trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nguyễn Chí Trung lập tức quay lại Quảng Ngãi, chiến trường mà gần như suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, dấu chân của ông in lên không sót một địa danh nào.

Nguyễn Chí Trung từng nổi tiếng với truyện ngắn “Bức thư làng Mực” năm 1964 nhưng văn chương không phải là điều thôi thúc ông phải ăn thua đủ với nó như một số nhà văn khác. Với ông, vai trò “người lính” mới là điều ông ưu tiên trước hết. “Phải đánh giặc đã rồi viết văn sau”, có lần ông đã nói như vậy khi tôi thắc mắc rằng với ký ức về trận đánh Ba Gia lịch sử cùng trận lụt năm Thìn trước đó mà ông với tư cách là người trong cuộc thì tại sao ông không viết một cuốn tiểu thuyết “để đời”?

Nhưng cũng chính vì đóng vai trò của một người lính nên Nguyễn Chí Trung luôn có mặt tại những điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh. Và ông lấy nhân dân làm bầu không khí để ông hít thở và hâm nóng trái tim đầy nhiệt huyết của mình.

Có dịp đi cùng ông về lại chiến trường xưa, từ Tịnh Minh huyện Sơn Tịnh đến xóm Mù U xã Đức Minh huyện Mộ Đức rồi Sa Huỳnh xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ… chứng kiến người dân đã “tay bắt mặt mừng” dù cách trở đã mấy mươi năm giờ mới gặp lại nhau, đủ để thấy tấm lòng của dân đối với nhà văn, đủ thấy cách hành xử của nhà văn với những người đã từng cưu mang mình như thế nào. “Nàng Út” chẳng là một “điển hình” nào cả. “Nàng” chính là nhân dân mà Nguyễn Chí Trung rất mực yêu mến để suốt đời ông gắn bó và sống chết với “nàng”.

Hôm ông trao cho cha con tôi tập tiểu thuyết ấy với lời đề tặng rất mực mến thương, dặn: “Hai bố con về đọc nhé!”. Một tuần sau, ông lại “kiểm tra” lời dặn. Đứa con gái 10 tuổi của tôi khi ấy, cháu nói với ông rất hồn nhiên: “Cháu đọc xong rồi ông. Mà cháu chẳng thấy nàng Út khóc gì cả!”. Ông cười phá lên: “Thì ông khóc vậy!”. Nhà văn quay sang tôi: “Nhân dân khóc là nàng Út khóc đấy. Bốn năm ròng rã từ 1954-1959 cả miền Nam như một nhà tù, luôn bị bố ráp, không “khóc” sao được!”.

Dựng dậy cả một giai đoạn đau thương của đất nước, Nguyễn Chí Trung đã gửi gắm vào đó biết bao yêu thương và cả sự cảm phục về tinh thần bất khuất của nhân dân Trà Bồng nói riêng và Quảng Ngãi cũng như cả miền Nam nói chung.

Để có được hàng trăm trang sách với bàng bạc nỗi đau cùng sự  hy sinh và tinh thần quật khởi, Nguyễn Chí Trung đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình cho miền quê núi Ấn sông Trà. Ông là nhà văn của nhân dân với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông “Trung lụt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO