Ông Tường vẫn... viết

TRUNG VIỆT 28/11/2015 09:24

Bạn dặn là ông ráng mà nghe chứ ổng nói khó khăn lắm. Còn Hoàng Dạ Thư con gái ông thì alo “anh tới chơi với ông đi, cứ điện đứa giúp việc nó đưa lên”. Tôi nhảy xe ôm từ quận 3 đi Bình Thạnh, mường tượng ông “khò khè” trên giường, bởi báo chí vừa đưa tin ông “chắc không qua khỏi” vì về Huế tĩnh dưỡng nhưng không ngờ trở bệnh rồi nhập viện. Nhớ sáng bữa đó, ly cà phê chưa kịp pha đường, thì điện thoại tòa soạn đã rối rít “Ra Huế hỉ! Ra Huế hỉ!”, mình ái ngại, mông lung, thì nhận được lời phán: Cộng nhuận bút thêm gói thuốc và dĩa mồi,  rứa nghe! Cười mà buồn như chiếc lá vừa rơi.  Mà chuyện này, nói như một đồng nghiệp, là... vui lắm, vì mấy lần rồi, các tòa soạn nhao nhao sắp sẵn bài, chỉ chờ hung tin(!).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Người giúp việc đỡ ông ngồi dậy. Tôi xưng tên, ông gật và nói cô giúp việc “bạn cũ ở Quảng Nam vào”. Rứa là không như tôi nghĩ. Tôi nhớ lâu rồi, ai nói sinh thời giáo sư Trần Quốc Vượng bốc tử vi cho ông và phán: Sống  tới 90, mà ông Tường thì sinh 1937! Và... ông bắt đầu nói. Vẫn là ông Tường của mẫn tiệp và kinh lịch. Ông nói về hoa, về sứ mệnh chông chênh nhưng thẳng đứng của cái đẹp, về bi kịch của những “phiến tài tình thiên cổ lụy”, về những “bàn tay em vỗ bên bờ hư không”, về triết học. Giọng người già qua hai lần đột quỵ, càng khó nghe, mà ông thì nói không dứt, nhưng mình nghe, chép lại, không thể sai, nên tôi và chị giúp việc toát mồ hôi. Chị “phiên dịch” cho tôi, hỏi đi hỏi lại, nhất là mấy đoạn ông đọc thơ Cao Bá Nhạ, nghe, viết ra giấy, đưa ông kiểm tra lại. Có chi tiết văn học cổ, tôi nghi, về kiểm tra lại, thì tôi sai chứ không phải ông. Không thể không khen lần nữa, là trí nhớ ông kinh hoàng, nói là đúng, không ấm ớ, không lần lữa, không... hình như. Trong ký của ông, như là “tiếp đầu ngữ” của những xác quyết mơ hồ về cảm nhận, ông hay nói “hình như”, nhưng sau hình như đó, là dấu chấm hết cho một khẳng định, là ai đó nói lại, đều là trích dẫn, chứ không thể nói thêm. Tôi thuộc thành phần lơ tơ mơ, hay tự tin vào bộ nhớ của mình, nhưng ít nhất hai lần dính chưởng vì nhớ sai thơ, bị tay biên tập viên già xuất thân nhà giáo chửi cho nát mặt, ông này nói “bọn văn chương là chúa trích nhầm, ví dụ Lê Minh Quốc trích thơ là lần nào cũng sai”. Ôi, trần gian khói bụi, thân mình, con mình không nhớ ngày tháng năm sinh, thì răng mà nhớ cho hết, nhất là thơ thiên hạ. Đó là nói qua ly rượu, chứ đã vào sách sử, cấm có đùa. Tôi nhớ có lần lên thăm ông Tường,  năm 1995, lúc ông đang gò lưng viết “Ngọn núi ảo ảnh”, bàn viết chất chồng từ điển, hỏi ra thì ông nói nhớ chính xác nhưng đừng ỷ y, trí nhớ hay phản bội mình, đó là  nghiêm túc, tự trọng với nghề, với mình, với bạn đọc.

Tôi biết, ông đang viết báo tết, theo đơn đặt hàng của các tòa soạn. Ông nói, người khác chép, rồi kiểm tra lại. Nhìn ông kỹ lưỡng dò từng chữ trên sổ tay, tôi thầm... oán ai đó đã nghĩ ra chữ. Nhớ đọc đâu đó, rằng khi chữ nổi lên mai rùa, Quỷ Cốc Tử nhảy từ đá ra và kêu: Thiên hạ từ nay đại loạn! Cái chữ chuyển ý, phơi tâm, nếu không có chữ, nào ai biết mình muốn gì, và cũng từ đây, con người vừa giải phóng vừa tự giam hãm mình, bởi liên quan đến sự biết. Ông Tường vẫn viết, bởi nghề văn là thứ nghề không bảo hiểm, lao động suốt đời, mài máu mà viết, khi anh thấy mình bị xung đột nội tâm, thế thôi! Tất nhiên, xét trong cõi đời hỗn loạn này, viết cũng chẳng để làm gì, chẳng cứu được tấm thân tứ đại, nhưng không thể không viết, bởi nhà văn mà chỉ biết ăn ngủ và nói linh tinh, thì khác chi sống thực vật, thậm chí như con thằn lằn bu cột đình, sống tầm gửi, như cây leo, rồi ăn mày dĩ vãng, tiếc nhớ ngày xưa...

“Ở Đà Nẵng à?”. Ông hỏi, mắt vẫn đầy thần lực. Tôi gật. Ông im lặng. Chị  Lâm Thị Mỹ Dạ ngồi gần, cứ cười. Chị cũng bị bệnh, bộ nhớ đã mai một rất nhiều, nhưng khi tôi nhắc, rồi nhắc cả bạn ngày xưa chung hành lang chung cư nhà chị ở đường Nguyễn Tường Tộ giờ đã thành người thiên cổ, thì chị gật. Ông Tường trả lời phỏng vấn, nói ơn vợ rất nhiều. Nghĩ mà cười đau khổ. Có làm thánh tướng chi nữa, cuối đời, chân yếu mắt mờ bệnh tật, thì cũng nhờ tay đàn bà. Trong mớ lộn xộn chuyện trò, ông Tường có nói là ông chưa suy nghĩ nghiêm túc về Mẹ, với tư cách là nhà văn. Tôi nhìn chị Dạ, vẫn nụ cười lành hiền, kham khổ, lặng im nghe tôi và ông trò chuyện, thấy chị như phải uống một ly rượu mạnh, dẫu đã say mềm.

Người giúp việc không cho ông nói nữa. Ông ở chung cư, lộng gió nhưng ngó xuống thì thôi rồi,  Sài Gòn mà, ầm ầm người xe sắt thép, có đâu như  Huế, đến cãi lộn cũng dịu dàng phát chán! Nên chẳng khó hiểu khi về Huế, ông khỏe lại, nhưng hình như trời còn hành ông, bắt bệnh, rồi ông phải vào  hưởng cái ấm nóng phương Nam. “Ừ, về hỉ, mình ưng ra ngó Đà Nẵng đổi mới”. Giọng ông tha thiết. Người viết văn là gì, nếu không dạ hành như hiệp khách, uống rượu như nông dân và tận tụy cúi xuống đời sống này như người đào đãi vàng...

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông Tường vẫn... viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO