1.Trước hết nói về con ong thật. Trong vòng mấy năm qua, đã có những đàn ong mật bị xua đuổi ra khỏi Quảng Nam. Như ở Bắc Trà My, Tiên Phước, rồi bây giờ là Núi Thành, hàng ngàn đàn ong bị buộc phải di dời, vỡ tổ trú ngụ.
Nguyên nhân phải di dời đàn ong thì có nhiều, song có hai lý lẽ thường được viện dẫn: ong làm hại cây trồng và doanh nghiệp nuôi ong không được chính quyền sở tại cho phép hoạt động. Với nguyên do thứ nhất, người dân cho rằng ong bu bông lúa, làm lép hạt (trường hợp Tiên Thọ - Tiên Phước và Tam Sơn – Núi Thành). Lời ra tiếng vào, lời to tiếng nhỏ về cái sự làm hại của con ong đã khiến một số đám đông quá khích kéo đến các trại ong đập phá hoặc xịt thuốc làm ong chết. Trong khi đó, chính quyền sở tại lấy lý do ổn định trị an và vì doanh nghiệp không xin phép, nên buộc các chủ trại ong phải di dời cơ sở nuôi ong ra khỏi địa bàn.
Ngành chức năng phải vào cuộc, một số cuộc đối thoại giữa các bên liên quan cũng được tổ chức. Các nhà quản lý chuyên môn cũng đã giải thích về ích lợi của con ong mật, đồng thời phổ biến chủ trương khuyến khích nuôi ong mật của ngành nông nghiệp và của tỉnh. Vậy mà lời ong tiếng ve dường như chưa ngã ngũ. Những đàn ong vỡ tổ vẫn phải bay đi phương trời khác. Giấc mơ tìm một đối tượng vật nuôi mới, đầy ưu thế và tiềm năng để cho sản phẩm hàng hóa giá trị cao, vẫn dở dang.
2. Như đàn ong phập phồng bay hết chỗ này đến chỗ khác, đó là cách ví von về hình ảnh của học trò trước các cổng trường đại học năm nay.
Không ít phụ huynh và con em ở nông thôn xứ Quảng cùng nhiều vùng trong nước phải vất vả ra bắc vào nam để canh chờ rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng, chuyển ngành, chuyển trường. Tưởng kỳ thi này đỡ vất vả hơn, ai dè xét tuyển đại học rối tinh lên, dễ “nhồi máu cơ tim” với những học sinh có điểm ở ngưỡng giữa an toàn/không an toàn. Như chơi chứng khoán lúc trồi lúc sụt với lượng hồ sơ nhập vào/rút ra, khiến những ngày qua rất nhiều người mất ăn mất ngủ. Trong khi đó hạ tầng công nghệ thông tin thì phập phù chỗ có chỗ không (tội nhất là con em miền núi, vùng sâu, vùng xa phải chạy xuống thành phố để chờ nắm bắt thông tin). Phần mềm xét tuyển thì vừa chạy vừa… hoàn chỉnh dần dần, và quá tải (như tin một tờ báo đưa là chỉ thiết kế 600.000 lượt truy cập nhưng lại sử dụng cho hơn triệu người xem).
Học trò suốt 12 năm chăm chỉ như con ong để nuôi ước mơ vào đại học. Cha mẹ cần mẫn một nắng hai sương xây tổ cho con mình. Tất cả trải qua một thời kỳ mà giáo dục cải tiến liên miên cứ như làm thí nghiệm/thử nghiệm, khiến bao người chao liệng tứ bề.
3. Tại sao đã có chủ trương khuyến khích về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhưng bao năm rồi vẫn chật vật tìm lối ra? Tại sao tỉnh đề nghị các địa phương, nhất là các huyện miền núi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân tham gia phát triển nghề nuôi ong mật nhưng chưa kịp để chuyển biến gì mà còn bị địa phương và người dân sở tại cản trở? Phải chăng chuyện phổ biến áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật và cả việc chia sẻ lợi ích còn vướng mắc ở đây?
Tại sao giáo dục được xác định là “quốc sách hàng đầu” bao năm rồi mà nhiều chuyện bây giờ mới “đổi mới căn bản”, và thực hiện thì như vừa chạy vừa sắp hàng?
Chính sách, chủ trương nhắm đến đối tượng vật nuôi (con ong) hay ngay cả đối tượng là con người (học trò), dường như đều có vấn đề ở nhiều khâu, nhất là chuyện quản trị điều hành, phương pháp thực hiện. Chủ trương, chính sách bất hợp lý thì không nói làm gì. Nhưng dù có chủ trương tốt mà không chuẩn bị đầy đủ những nhân tố cần thiết đảm bảo điều kiện tối ưu để thực thi thì khi muốn thực hiện một sự “đổi mới” sẽ có nhiều điều vỡ ra tung tóe, khó tránh lời ong tiếng ve.
Cái tổ chắc chắn, yên bình sẽ tạo chỗ dựa để đàn ong bay đi hút nhụy trăm hoa rồi về rót mật.
Giáo dục vững vàng và tiến bộ mới xây tổ ươm mầm cho thế hệ tương lai. Đừng làm như ong vỡ tổ!
NGUYỄN ĐIỆN NAM