Oslo (Na Uy) vừa được Ủy ban châu Âu bình chọn là Thủ đô xanh của khu vực, nơi đã truyền cảm hứng về sáng kiến phát triển bền vững cho nhiều thành phố khác.
Một góc khu phố quyến rũ của thành phố Oslo. Ảnh: lifeinnorway |
Giải thưởng xem như sự thừa nhận những gì thành phố Oslo đạt được cũng như tiếp tục triển khai các sáng kiến dựa trên các tiêu chí bình xét, bao gồm giảm phát khí thải CO2, chất lượng không khí, nguồn nước, sử dụng năng lượng, phát triển xanh, đa dạng sinh học, giao thông. Chính quyền Oslo ban hành lệnh cấm ô tô vào trung tâm thành phố bắt đầu từ năm 2019. Ngoài ra, Oslo là thành phố có lượng xe điện mới thân thiện môi trường nhiều nhất thế giới. Gần như tất cả dòng xe hơi chạy bằng điện của các hãng xe tên tuổi trên thế giới đều quy tụ về thành phố này. Đất nước Na Uy đặt mục tiêu sẽ chỉ bán xe không thải khí CO2 bắt đầu từ năm 2025.
Thành phố “đáng sống” Oslo là một trong những thành phố có cây xanh nhiều nhất thế giới với hàng loạt công viên cây xanh trải khắp. Oslo rất khắt khe trong vấn đề tạo không gian sống xanh mát, trong lành nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống của người dân. Đất rộng người thưa: diện tích khoảng 500km2 với hơn 600.000 người, Oslo chỉ xây dựng trên diện tích 115km2, còn lại dành cho công viên, nhà vườn, rừng, suối, ao hồ… Năm 2019, Na Uy khởi công xây dựng Oslo Airport City (nằm ngay bên cạnh sân bay Oslo), một thành phố đầu tiên trên thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Tại Oslo, chỉ riêng một nhà máy điện được xây dựng dưới tầng hầm của một nhà máy công nghiệp cũ, hiện là khu ẩm thực lớn nhất của thành phố đã cung cấp hơn 80% lượng điện sinh hoạt cho toàn bộ khu phố này bằng hệ thống thu hồi nhiệt từ khu ẩm thực, các giếng địa nhiệt và tấm pin năng lượng mặt trời. Anita Lindahl Trosdahl - Giám đốc dự án “Năm của Thủ đô xanh” của Oslo nói: “Thành phố đặt mục tiêu cắt giảm 36% lượng khí thải vào cuối năm 2019 và 95% vào năm 2030. Để đạt được điều này, hội đồng thành phố lập ra ngân sách khí hậu riêng”. Thị trưởng Oslo - Raymond Johansen cho biết: “Ngân sách khí hậu cung cấp cho hội đồng một cái nhìn tổng quan về các biện pháp được thực hiện trên toàn thủ đô. Qua đó họ luôn biết liệu Oslo có đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu khí hậu hay không”.
Một điều hết sức quan trọng là hầu hết người dân Oslo ủng hộ rất tích cực các mục tiêu phát triển xanh và bền vững của thành phố. Họ có thể thay đổi lối sống của chính mình góp phần bảo vệ môi trường thành phố, đồng thời sẽ hưởng lợi từ chính những gì Oslo mang lại. Thị trưởng Raymond nói, Oslo rất tự hào khi chính thức trở thành Thủ đô xanh châu Âu 2019. Vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Vào năm 2019, Oslo mời mọi người hãy đến với thành phố xanh, xinh đẹp và quyến rũ này để cùng nhau chia sẻ, trao đổi về những sáng kiến phát triển xanh, bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. “Chúng tôi mong muốn sử dụng năm Thủ đô xanh châu Âu của mình để truyền bá kiến thức, truyền cảm hứng, huy động công dân và doanh nghiệp Oslo đưa ra những lựa chọn, giải pháp thân thiện với môi trường. Bất kỳ thành phố nào cũng có thể mơ ước được xanh, nhưng cần có quyết tâm, sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đó là điều làm cho Oslo trở nên đặc biệt” - Raymond Johansen cho hay.
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2010, đã có 11 thành phố được vinh danh Thủ đô xanh của châu Âu.
QUỐC HƯNG