(QNO) - Nhiều cánh đồng ớt ở huyện Duy Xuyên đang thời kỳ thu hoạch, nhưng giá ớt liên tục giảm khiến nông dân lo lắng.
Nông dân Duy Xuyên vào mùa thu hoạch ớt. Ảnh: T.T |
Giá thấp
Ông Huỳnh Hạnh (67 tuổi, thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu) cho biết, vụ ớt đông xuân năm 2016 - 2017 ông trồng 3 sào, giá ớt chín vào thời điểm thu hoạch 30 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi sào ớt lãi hơn 10 triệu đồng.
Nhận thấy việc trồng ớt ăn nên làm ra, nên vụ đông xuân năm nay ông Hạnh trồng 5 sào giống ớt 135 tại bãi bồi Gò Cừ (thôn Thọ Xuyên). Thời tiết thuận, ớt phát triển cho năng suất cao. Nhưng khác hẳn năm trước, giá ớt chín đầu vụ năm nay chỉ còn 8.000 đồng/kg, rồi liên tục giảm. Đến nay chỉ còn 4.000 đồng/kg nhưng phải làm sạch cuốn.
Ớt được mùa nhưng mất giá. Ảnh: T.T |
Ớt liên tục rớt giá, nhiều nông dân trồng lâu năm như ông Hạnh không mấy mặn mà thu hoạch. “Năm trước giá ớt rất cao, đến kỳ thu hoạch chúng tôi phấn khởi lắm! Năm nay giá quá thấp; để đủ tiền thuê nhân công, hơn 1 tuần tôi mới hái một lần” - ông Hạnh nói.
Tương tự trường hợp ông Hạnh, cây ớt là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Lê Thị Bảy (45 tuổi, thôn Thọ Xuyên). Bà Bảy tâm sự, năm nay trồng 3 sào ớt, mỗi sào đầu tư gần 3 triệu đồng. Đầu vụ rất phấn khởi vì ớt trúng mùa, nhưng giá ớt liên tục giảm khiến nhiều người chưa hết mừng đã lo. Do không đủ tiền thuê nhân công nên bà Bảy cũng tranh thủ tự thu hoạch bán dần.
Cần liên kết trước khi sản xuất
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có 97ha trồng ớt tập trung ở các xã Duy Trinh, Duy Châu..., chủ yếu là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nông thôn mới.
Giá ớt tươi thấp nên người dân phơi làm sản phẩm từ ớt rồi bán lẻ. Ảnh: T.T |
Theo ông Năm, nông sản của nông dân chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng năm nay, tại Trung Quốc ớt được mùa nên hạn chế nhập khẩu, khiến giá ớt giảm sâu.
Tuy nhiên, tại huyện Duy Xuyên đã liên kết với Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Việt Thắng (đóng tại thôn Thọ Xuyên). Theo đó ký hợp đồng đầu tư sản xuất và bao tiêu 40ha nông sản ớt tại 2 xã Duy Châu, Duy Trinh, nên nhiều diện tích vẫn có đầu ra, không phải bỏ khô tại đồng.
“Năm tới, chúng tôi khuyến cáo người dân vẫn tiếp tục trồng ớt nhưng phải có hợp đồng nông nghiệp bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng nông sản bị ép giá. Các công ty bao tiêu số lượng sản phẩm bao nhiêu thì trồng bấy nhiêu. Còn những diện tích khác thì chuyển qua trồng những loại cây trồng có doanh nghiệp đầu tư, hoặc những loại có thể để sản phẩm lại bán sau vụ như đậu phộng” - ông Năm nói.
THANH THẮNG