Các vùng trồng ớt tại Đại Lộc, Điện Bàn... đang bước vào vụ thu hoạch rộ với năng suất cao, nhưng ớt tươi liên tục rớt giá, đầu ra khó khăn.
Các tiểu thương thu gom ớt xuất khẩu tại Quảng Nam gặp khó khăn vì thị trường Trung Quốc bế tắc. Ảnh: PHƯƠNG BA |
Thất thu ớt chính vụ
Cây ớt là cây trồng chính của vụ đông xuân tại các vùng bãi biền Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên với diện tích lớn. Trước nhu cầu của thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Trung Quốc), nông dân nhiều vùng đầu tư trồng các giống ớt lai để bán ớt tươi (ớt xanh, ớt chín). Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng loại nông sản này liên tục rớt giá, từ 20 nghìn đồngkg đầu vụ xuống còn 10 nghìn đồngkg, và hiện còn 5 - 5,5 nghìn đồng/kg. Bà Lê Thị Liễu (thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) cho biết: “Với giá ớt tươi 5 nghìn đồng/kg, tính ra nông dân không lãi đồng nào sau khi trừ chi phí đầu tư. Ít ra ớt tươi phải có giá 8 - 10 nghìn đồng/kg thì nông dân mới có ít đồng bỏ túi”. Theo bà Liễu, mấy bữa trước, ớt Ấn Độ 403, 433 hay 138 đều có giá như nhau, từ 7 nghìn đồngkg, còn 5 nghìn đồngkg, ớt tươi xanh thì giá còn rẻ hơn, tầm 3 - 4 nghìn đồng/kg. Còn ông Hồ Quang Bàng (thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa), so với mọi năm, ớt năm nay được mùa, chất lượng trái tốt, ớt đẹp màu nhưng chưa năm nào giá cả lại tuột dốc không phanh như năm nay. Người trồng ớt cứ tiếc nuối khi quay về thời điểm cách đây 2 năm, mỗi ký ớt xanh được thu mua có giá 15 - 20 nghìn đồng/kg, mỗi sào ớt cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng. “Người dân nơi đây chỉ còn chờ vào thị trường nước ngoài tiêu thụ mới có thể mong cho giá ớt tăng lên, còn với giá này thì chỉ đủ trả chi phí đầu tư, thậm chí lỗ vốn” - ông Bàng tâm sự.
Vùng chuyên canh cây màu thôn Phước Bình (xã Đại Minh, Đại Lộc) được quy hoạch bài bản, nông dân phần lớn trồng ớt trên 20ha trong tổng số 30ha. Vụ ớt đông xuân 2017 - 2018 được kỳ vọng có thể cứu vãn lại tình hình các loại cây rau củ quả chính vụ cho thu nhập thấp. Ông Nguyễn Cường (thôn Phước Bình) cho hay, ông chỉ mới hái bán được lứa ớt đầu giá 6 nghìn đồng/kg, rồi chẳng thấy thương lái đến mua. HTX Nông nghiệp Đại Minh cũng nỗ lực thu mua cho nông dân với giá 7 nghìn đồng/kg ớt tươi chín đỏ, cao hơn so với thị trường nhưng cũng chỉ giải quyết tầm 4 tấn ớt tươi cho nông dân, nên đầu ra gặp khó. Theo ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Đại Minh, đơn vị nỗ lực tìm mọi biện pháp để hỗ trợ đầu ra cho vùng chuyên canh. HTX đã liên hệ với Công ty Việt Thắng, đơn vị này hứa sẽ tới thu mua trong tuần tới nhưng còn phải chờ.
Tại vùng chuyên canh ớt của các xã Điện Quang, Điện Phong (Điện Bàn), ớt chín rộ nhưng nhà nông không thu hái vì chi phí ngày công lao động tăng cao, trong khi tiền bán ớt không đủ trang trải. “Cả 2 tuần nay nắng hạn, nhìn ruộng ớt xanh xuất khẩu héo rũ mà cũng chẳng buồn tưới vì có chăm sóc, hái bán cũng chẳng ai mua, đành để chín rộ, chờ giá lên” - ông Trần Nhanh, nông dân xã Điện Quang nói. Phần lớn nông dân ở vùng Điện Quang, Điện Phong chọn trồng loại ớt chuyên về bán tươi nên khi không bán được, nông dân cũng không mặn mà vì 7kg ớt tươi mới phơi được một ký khô, chưa kể giống này phơi khô sẽ không đẹp màu, giá không cao.
Bế tắc đường xuất khẩu
Hiện hầu hết thương lái thu mua ớt xanh, ớt tươi xuất khẩu trên địa bàn các huyện gần như ngưng hoạt động bởi con đường xuất khẩu bị ngưng trệ. Bà Võ Thị Năm (tiểu thương buôn ớt ở xã Đại Minh, Đại Lộc) cho biết, sở dĩ ớt tươi không được thu mua vì thị trường Trung Quốc không chuộng. “Giá cả, đầu ra đều lệ thuộc phía Trung Quốc thôi, nhu cầu cao thì giá lên và ngược lại. Cả vùng trồng ớt rộng lớn này nếu tiêu thụ nội địa thì chẳng bao nhiêu. Thấy nông dân vất vả, chúng tôi cũng chẳng nỡ mua ép bà con làm gì nhưng họ không ăn thì mua để làm gì” - bà Năm nói. Còn theo một tiểu thương tại thôn Hòa Mỹ (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc), thường mỗi xe ớt tươi nặng cả chục tấn được sơ chế ban đầu rồi chở ra cửa khẩu, bán lại cho thương lái Trung Quốc. Nhưng vụ ớt này, các tiểu thương phía Trung Quốc biến mất dạng, việc lưu thông các xe ớt xuất khẩu sang phía Trung Quốc tại cửa khẩu vô cùng khó khăn, cả đoàn xe ớt phải ăn gió nằm sương chờ chực.
Trong khi đó, tiểu thương Võ Thị Quyền (thôn Nam Hà, xã Điện Quang, Điện Bàn) cho biết: “Trước đây việc xuất khẩu ớt theo đường tiểu ngạch dễ dàng thì nay bên đó kiểm soát gắt gao, hạn chế cho xe qua. Việc bán ớt chủ yếu qua môi giới, chi phí đội lên rất nhiều. Nếu bên đó ăn hàng thì thời điểm này, ớt tươi phải chất tới nóc nhà tôi rồi. Thời điểm bên đó ăn hàng nhiều, mỗi ngày, cơ sở tôi làm được cả công ớt mấy chục tấn. Sau khi thu mua, gia công là đưa lên đường bán cho thương lái trung gian, đưa tiền tươi. Nay giá cả bấp bênh, chẳng ai dám liều, nếu qua đó may bán được thì không sao, chứ không xuất đi được thì phải ăn đường, nằm sá, lỗ lã ê chề”. Qua thông tin từ các tiểu thương buôn ớt khác, bà Quyền tiết lộ thêm, một tiểu thương tên Khánh ở Điện Quang cũng liều thu mua mấy xe ớt chở đi cửa khẩu nhưng việc tiêu thụ gặp khó. Hay như một tiểu thương phía Bắc thu gom ở Quảng Nam cả 8 xe ớt, mỗi xe đưa đi, tiểu thương này lỗ tầm 50 triệu đồng, tính cả đoàn xe, lỗ tới 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang cho hay, những năm trước, mối liên kết giữa HTX và nông dân vùng sản xuất chuyên canh của xã Điện Quang khá chặt chẽ. Một số doanh nghiệp có về đây liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, có hợp đồng với nhà nông, song những liên kết này thường bị phá vỡ, có một phần do nông dân. Mùa vụ đông xuân 2017 - 2018 này, HTX chỉ định hướng cây trồng để người dân lựa chọn sản xuất phù hợp.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG BA