Pakistan gỡ lệnh cấm Wikipedia chỉ sau vài ngày

AN TRƯƠNG 13/02/2023 20:22

(QNO) - Cơ quan quản lý truyền thông của Pakistan đã dỡ bỏ lệnh cấm Wikipedia sau quyết định chặn toàn diện trang web này trong 3 ngày trước đó, Independent đưa tin.

Thủ tướng Pakistan cho rằng quyết định cấm đối với trang Wikipedia là chưa phù hợp. Ảnh: Middle East Monitor.
Thủ tướng Pakistan cho rằng quyết định cấm đối với trang Wikipedia là chưa phù hợp. Ảnh: Middle East Monitor.

Nguyên nhân của lệnh cấm là vì các cơ quan quản lý nước này cho rằng “nền tảng bách khoa toàn thư mở trực tuyến” đã không tuân thủ quy định kiểm duyệt khi cho phép những nội dung mang tính báng bổ tôn giáo được hiển thị.

Được biết, Cơ quan Viễn thông Pakistan (PTA) đã yêu cầu Wikipedia xóa bỏ nội dung được cho là “không phù hợp” trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, cơ quan này không công khai các danh mục nội dung cần xóa. Vì vậy, ngay lập tức Wikipedia đã chính thức bị cấm truy cập tại Pakistan. 

Trước động thái có phần gay gắt, quốc gia Nam Á này đã vấp phải phản ứng dữ dội và sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu. Các nhóm nhân quyền cũng đồng loạt lên tiếng khi cho rằng chính quyền Pakistan đang hạn chế một cách vô lý quyền tự do ngôn luận, vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân Pakistan. 

Vào ngày 3/2, trên trang tin chính thức của mình, Wikimedia Foundation, công ty mẹ của Wikipedia, đã phản hồi về lệnh cấm của PTA: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Pakistan sẽ cam kết coi tri thức là quyền con người và nhanh chóng khôi phục quyền truy cập vào các dự án @Wikipedia và Wikimedia để người dân Pakistan có thể tiếp tục nhận cũng như chia sẻ kiến thức với thế giới”.

Không chỉ là vấn đề tự do ngôn luận, các chuyên gia còn cho rằng việc hạn chế truy cập trên các trang web như Wikipedia còn ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước.

Ahsan Hameed Durrani - Giám đốc chương trình cấp cao tại Icarus, công ty nghiên cứu chính sách công và truyền thông chiến lược, nhận định rằng việc chặn các nền tảng như Wikipedia sẽ cản trở sự cạnh tranh của Pakistan trên thị trường kỹ thuật số toàn cầu. Bởi lẽ, Wikipedia còn được xem là bước đệm thông tin đầu tiên cho các truy vấn hay nghiên cứu của công dân. 

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội trên, Thủ tướng Pakistan - Shehbaz Sharif đã thành lập một ủy ban gồm năm thành viên để xem xét vấn đề và ra lệnh khôi phục các dịch vụ của Wikipedia ngay lập tức.

Chia sẻ trong thông cáo của văn phòng chính phủ Pakistan, Thủ tướng nhìn nhận việc kiểm duyệt trên Wikipedia “không phải là một biện pháp phù hợp để ngăn chặn quyền truy cập vào một số nội dung phản cảm hay báng bổ”.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Những hậu quả tiêu cực của lệnh cấm toàn diện này đã minh chứng cho tính kém hiệu quả của các biện pháp truyền thống như xóa hoặc chặn truy cập các trang web có chứa nội dung phản cảm”.

Theo Bloomberg, một số người vẫn thừa nhận rằng chính phủ Pakistan đang đi đúng hướng trong tình thế của một quốc gia có đông đảo người Hồi giáo bảo thủ. Nhưng Umar Nadeem - Trưởng bộ phận tư vấn của tổ chức tư vấn Islamabad TabadLab, nhìn nhận rằng các nội dung nhạy cảm nên được xử lý cẩn thận hơn, thay vì bằng các công cụ thiếu khôn khéo như lệnh cấm toàn diện. 

Quốc gia Nam Á này cũng đã từng cấm các nền tảng mạng xã hội xã hội như Facebook, TikTok và YouTube dựa trên các cáo buộc tương tự về việc chứa nội dung mà nước này cho là trái đạo đức hoặc không phù hợp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Pakistan gỡ lệnh cấm Wikipedia chỉ sau vài ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO