Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2020 (PAPI 2020) của Quảng Nam thăng hạng 1 bậc (từ 22 lên 21), nhưng giảm điểm (từ 44,33 xuống 43,28) so với năm 2019.
Quảng Nam tụt 7 bậc, xếp thứ 13 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Sáng 15.4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Quảng Nam đạt 65,72 điểm và xếp thứ 13 trên cả nước (thuộc nhóm khá). So với năm 2019, Quảng Nam tụt giảm về điểm số lẫn thứ hạng (xếp thứ 6 với 69,42 điểm, thuộc nhóm tốt).
Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 4 chỉ số tăng điểm, gồm gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động; 6 chỉ số còn lại đều giảm, gồm tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.
Năm 2020 Quảng Ninh đạt 75,09 điểm và tiếp tục dẫn đầu cả nước với 4 lần liên tiếp, xếp nhì là Đồng Tháp (72,81 điểm), kế đến là Long An, Bình Dương, Đà Nẵng (đều cùng nhóm rất tốt).
Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương ở Việt Nam. (P.V)
Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa công bố trực tuyến về PAPI 2020. Theo đó có 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất; 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao; 15 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình thấp và 16 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất. Không một tỉnh, thành nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ 8 chỉ số nội dung PAPI 2020.
So với năm 2019, Quảng Nam xếp vị thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc), đạt 43,28 điểm, giảm 1,05 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao. Có 3/8 chỉ số tăng điểm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,01/4,88); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,56/7,5); thủ tục hành chính công (7,27/7,16). Có 5 chỉ số giảm điểm: công khai minh bạch (5,14/5,48); trách nhiệm giải trình với người dân (5,05/5,07); cung ứng dịch vụ công (7,16/7,43); quản trị điện tử (2,4/2,95) và quản trị môi trường (3,69/3,87). Có 2/8 chỉ số nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất (trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công), 3/8 chỉ số nằm trong nhóm đạt trung bình cao (tham gia của người dân cấp cơ sở, cung ứng dịch vụ công, và quản trị môi trường), 2/8 chỉ số đạt điểm trung bình thấp (công khai minh bạch, thủ tục hành chính công) và chỉ số quản trị điện tử nằm trong nhóm điểm thấp nhất.
Kết quả cho thấy, dù thăng hạng, nằm trong nhóm các tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao, nhưng kế hoạch năm 2020 tăng điểm (đạt 46,5 điểm, tăng 2,17 điểm so với năm 2019) đã không thể thực hiện được. Hiệu quả điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công được đo lường qua đánh giá, trải nghiệm của người dân cần được cải thiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, một trong những tồn tại, hạn chế phải kể đến là không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các nội dung đánh giá, đo lường các chỉ số thành phần. Việc xây dựng hệ thống công vụ phục vụ nhân dân trên tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, hành động, kiến tạo phát triển của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan hành chính các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến không thể đáp ứng được sự hài lòng của người dân.
Cạnh đó, Quảng Nam cũng chưa có chiến lược tuyên truyền, phổ biến cổng/trang thông tin điện tử để người dân biết, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và sự phản hồi của chính quyền địa phương trên các cổng thông tin điện tử chưa kịp thời. Không chỉ vậy, một số nội dung người dân đánh giá thấp xuất phát từ thiếu thông tin, người dân chưa biết kết quả triển khai của UBND xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện các hình thức công khai chưa phù hợp, chưa đáp ứng các yêu cầu thiết thực của người dân, chậm cập nhật, thiếu hiệu quả trong thực hiện các tham vấn cộng đồng.
“Hạn chế, không đầy đủ hoặc hình thức về công khai, minh bạch trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt ở một số cán bộ, công chức viên chức, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính một số lĩnh vực chậm. Chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin hiện có để nâng cao hiệu quả trong công việc và trong quản lý điều hành” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chia sẻ.