Toàn bộ 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã triển khai tích hợp vào Cổng DVCQG, cung cấp các dịch vụ điện rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, dễ giám sát.
Giao dịch điện tử
Ông Lưu Đức Lợi - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, người dân, DN và các tổ chức khi có yêu cầu, chỉ cần truy cập địa chỉ www.dichvucong.gov.vn của Cổng DVCQG là có thể sử dụng 12 dịch vụ điện như: cấp điện mới từ lưới điện trung áp, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, thanh toán tiền điện, thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha, thay đổi vị trí thiết bị đo đếm, thay đổi mục đích sử dụng điện, thay đổi định mức sử dụng điện, thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, thay đổi thông tin đăng ký, thay đổi hình thức thanh toán tiền điện, gia hạn hợp đồng mua bán điện và chấm dứt hợp đồng mua bán điện.
Sử dụng các dịch vụ điện theo phương thức này, người dân và DN chỉ cần máy vi tính hoặc thiết bị smartphone có kết nối internet là có thể thực hiện toàn bộ các giao dịch. Hồ sơ giao dịch được lập dưới dạng điện tử, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, giám sát các thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa ngành điện và khách hàng.
Một số giấy tờ như giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ thay thế bằng các thông tin người dùng, được Cổng DVCQG xác thực và định danh. Qua đó giúp người dân và khách hàng giảm thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các hoạt động cung cấp dịch vụ của ngành điện.
Để khách hàng nắm được thông tin và đăng ký giao dịch, PC Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp, tích cực giới thiệu, quảng bá các dịch vụ điện đang được kết nối trên Cổng DVCQG.
PC Quảng Nam đã mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên trong công ty để thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý yêu cầu về dịch vụ điện của khách hàng. Khi khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại các quầy giao dịch của điện lực trực thuộc hoặc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, các giao dịch viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ qua Cổng DVCQG khi khách hàng có nhu cầu. Đồng thời yêu cầu 100% cán bộ - nhân viên PC Quảng Nam đăng ký tài khoản, gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng các dịch vụ trên Cổng DVCQG.
Minh bạch, tiện ích
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, PC Quảng Nam đã tích cực khuyến khích, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến qua Cổng DVCQG và giao dịch bằng phương thức điện tử để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Qua đó khách hàng càng thấy rõ lợi ích khi sử dụng dịch vụ trực tuyến. Chỉ tính riêng trong tháng 7 và tháng 8.2020, số phiếu yêu cầu của khách hàng qua kênh Cổng DVCQG mà PC Quảng Nam tiếp nhận đã tăng lên đáng kể với 500 phiếu yêu cầu trên chương trình CRM.
Chị Hoàng Thị Thu Trang (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho biết, sau khi đăng ký thực hiện xong thủ tục hướng dẫn từ trang thông tin Cổng DVCQG, hồ sơ của chị đã được nhân viên ngành điện tiếp nhận thông tin và đến tận nhà để làm các thủ tục cần thiết cấp điện mới cho gia đình.
“Đây là hình thức giao dịch rất tiện lợi cho người dân, chỉ cần máy tính có kết nối mạng internet là có thể thực hiện, không chỉ giảm thời gian đi lại, chi phí phát sinh mà còn hạn chế đến nơi đông người, nhất là trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp” - chị Trang nói.
Ông Lưu Đức Lợi cho biết, việc đưa 12/12 dịch vụ điện trực tuyến lên Cổng DVCQG là một cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận các dịch vụ điện. Điều này đã góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, làm hài lòng khách hàng sử dụng điện; giúp ngành điện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
“Trong thời gian đến, PC Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá việc cung cấp dịch vụ điện qua Cổng DVCQG đến khách hàng sử dụng điện. Qua đó góp phần xây dựng Cổng DVCQG thực sự trở thành kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, DN và các cơ quan nhà nước, là địa chỉ tin cậy để người dân, DN tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử” - ông Lợi cho biết.