Điều chỉnh phụ tải điện và phát triển điện mặt trời áp mái là nhiệm vụ trọng tâm của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đang triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải...
Điều chỉnh phụ tải điện nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm. Ảnh: T.LỘ |
Điều chỉnh phụ tải điện
Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 8.3.2018 về việc phê duyệt chương trình quốc gia về nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT ngày 28.1.2019 về phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) nằm trong chương trình quản lý nhu cầu điện (Demand Side Management - DSM). Chương trình DSM hướng đến mục tiêu giảm công suất phụ tải cực đại (công suất đỉnh) và điện năng tiêu thụ của hệ thống điện thông qua các hoạt động gián tiếp hay trực tiếp của khách hàng, được khuyến khích bởi các đơn vị phân phối điện. Mục tiêu của chương trình do Bộ Công Thương đưa ra là đến năm 2020 sẽ phấn đấu thực hiện giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, tương ứng ít nhất 90MW và 300MW vào năm 2025 và 600MW vào năm 2030.
Thực hiện chủ trương trên, ngay từ năm 2018, PC Quảng Nam đã tiến hành thành lập ban chỉ đạo, lập kế hoạch và triển khai khảo sát, vận động 28 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và 37 khách hàng có TBA chuyên dùng thuộc nhóm sản xuất, công nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) phi thương mại. Đồng thời, PC Quảng Nam cũng đã phối hợp với Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung tiến hành khảo sát ở Công ty Gạch men Anh Em (Khu kinh tế mở Chu Lai) nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ chương trình DSM cho đơn vị. Mới đây, PC Quảng Nam đã triển khai phối hợp với 6 doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật thực hiện thí điểm điều chỉnh phụ tải, tổng công suất điều chỉnh giảm được trong 3 ngày là 2.203kW.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam, chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) không ngoài mục tiêu hướng đến giảm công suất phụ tải cực đại (công suất đỉnh) và điện năng tiêu thụ của hệ thống điện thông qua các hoạt động gián tiếp hay trực tiếp của khách hàng sử dụng điện. Chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng sử dụng năng lượng điện hiệu quả, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm chuyển sang sử dụng giờ thấp điểm để giảm chi phí sử dụng điện, đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện. Tuy nhiên, đây là chủ trương mới, do đó phần lớn khách hàng chưa biết, chưa quen với việc phân bổ phụ tải sử dụng điện chưa hợp lý.
Phát triển điện mặt trời
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) Nguyễn Thành, hiện nay việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, EVNCPC quan tâm, xúc tiến đầu tư nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Đây là bước đi phù hợp nhằm thực hiện hóa chủ trương của Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Mới đây, tại Quảng Nam, EVNCPC đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng công trình điện mặt trời cho 3 trường THCS, THPT ở 3 huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn. Mỗi trường được lắp đặt 36 tấm pin NLMT 275Wpn và 1 thiết bị hòa lưới. Hệ thống có công suất lắp đặt 10kWp, với sản lượng bình quân 46kWh mỗi ngày tại một điểm trường. Theo ông Nguyễn Thế Luyện – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Đại Lộc), nhờ hệ thống năng lượng mặt trời này mà mỗi tháng nhà trường tiết kiệm được 1,5 đến 2 triệu đồng tiền điện. Có hệ thống điện nối lưới, trường cũng đã lắp thêm nhiều thiết bị điện để đảm bảo ánh sáng, quạt mát cho học sinh cũng như phục vụ giáo án điện tử của thầy cô giáo.
Theo tính toán của ngành điện, chi phí lắp đặt điện năng lượng áp mái khoảng 26 triệu đồng/kWp, mỗi hộ gia đình chỉ cần lắp đặt bình quân khoảng 3 - 4kWp, tương đương 80 - 100 triệu đồng. Sản lượng điện tạo ra gần 7.000kWh/năm, tiền điện tiết giảm được khoảng 21 triệu đồng/năm. Đối với các hộ, mỗi tháng dùng 300 - 400kWh, việc đầu tư điện áp mái là một giải pháp thông minh, tiết kiệm lâu dài. Tuy nhiên, so với các địa phương khác, Quảng Nam có số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh còn rất thấp. Tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 17 khách hàng lắp đặt với tổng công suất lắp đặt khoảng 225kWp. Trở ngại rất lớn là do nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, các hộ, doanh nghiệp trên địa bàn chưa có khả năng đầu tư và hơn nữa cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái vẫn chưa được cụ thể, thông thoáng cho nên các khách hàng, nhà đầu tư vẫn còn e dè… Theo kế hoạch, trong năm 2019, PC Quảng Nam sẽ vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 2,5MWp và phấn đấu đạt tổng công suất lắp đặt tại nhà làm việc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp đạt 250 kWp. “Điện mặt trời áp mái tạo ra một nguồn điện độc lập, xanh sạch và bảo vệ môi trường, có tiềm năng lớn, là lời giải cho bài toán cung ứng điện trong những năm tới nhưng để phát triển nguồn năng lượng này, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia” - ông Tuấn nói.
TRUNG LỘ