PGS-TS. Đinh Thị Bích Lân - Giảng viên cao cấp của Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) gắn bó cả đời mình với việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thú y – một ngành tương đối hiếm người Việt Nam lựa chọn, và đã có nhiều công trình khoa học đóng góp lớn vào phát triển ngành chăn nuôi của đất nước. Bà là một trong 2 nhà khoa học nữ vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia 2017 (lễ trao giải vào 6.3.2018 tại Hà Nội).
PGS-TS. Đinh Thị Bích Lân và chồng. |
Bây giờ thì khái niệm về thức ăn sạch, bữa ăn sạch, thực phẩm sạch… đang là chuyện thời sự bởi nó liên quan sống còn đến sức khỏe và bệnh tật với những ví dụ nhãn tiền. Sạch bây giờ là xu thế. Nhưng bất ngờ là từ những năm 1980 của thế kỷ trước, một người phụ nữ từ Huế khăn gói sang Nga du học đã đồng ý chọn một ngành học mà ngay cả ở Việt Nam cũng hiếm người lựa chọn là thú y, với tâm nguyện: Tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ khỏe cho cộng đồng...
Người đó bây giờ là PGS-TS. Đinh Thị Bích Lân - một phụ nữ luôn làm mềm lòng người đối diện bởi vẻ đẹp, sự quý phái và trẻ trung so với tuổi 58 của mình.
Con đường mới
Thưa bà, theo tôi biết thì trước khi sang Nga, bà đang là sinh viên y khoa?
Đúng mình vốn là sinh viên y khoa - một trong những sinh viên ưu tú được chọn đi du học ở Liên Xô (cũ) những năm 1980. Nhưng không hiểu lý do gì, sang đến Liên Xô, mình lại được phân đi học chuyên ngành… thú y tại Viện Thú y Matxcơva. Khi nhận được tin này, mình đã khóc hết nước mắt vì buồn và sốc.
Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa. Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học gốc Nga, Kovalevskaia (1850 – 1891). Từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu đến với các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. Và đã có 48 cá nhân và 17 tập thể được trao giải này. |
Nhưng rồi sự khóc cũng nhanh chóng qua đi khi ngay buổi lên lớp đầu tiên, tôi được các giáo sư người Nga “khai sáng” tư tưởng khi khẳng định: “Đi theo ngành thú y, các trò đừng nghĩ rằng chỉ để chữa bệnh cho các loại động vật gia súc, mà các trò đang đi theo một con đường rất cao quý khác, đó là tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, qua đó bảo vệ khỏe cho cộng đồng”. Nỗi buồn của tôi đã nhanh chóng bị xóa nhòa, thay vào đó là niềm hân hoan khi được mở ra một con đường mới.
Trong thú y có 3 khâu là chẩn đoán, phòng bệnh và điều trị. Tôi chọn khâu thứ 2 – phòng bệnh, để nghiên cứu, có ngay những sản phẩm áp dụng thực tiễn để mong thị trường luôn có những sản phẩm sạch.
Nhưng vào thời điểm đó, làm thế nào để có thể tạo ra được một “con đường mới”, thưa bà?
Đó chính là áp dụng khoa học công nghệ. Lúc đó ở Việt Nam mình, nông nghiệp và chăn nuôi còn rất thô sơ nhưng ở Nga thì khác. Tôi còn nhớ cảm giác của những lần đi thực tập ở nông thôn, tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh nông dân Nga đi chăn hàng nghìn con cừu trên thảo nguyên mênh mông bằng ô tô và được hưởng thụ một cuộc sống rất đủ đầy, nếu không muốn nói là giàu có. Điều này quá trái ngược với cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” cùng cảnh quanh năm đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ cơm ăn ngày ba bữa như ở Việt Nam mình. Và tôi hiểu, đó là sức mạnh của khoa học và công nghệ. Chỉ có áp dụng thành quả khoa học công nghệ mới giúp được kinh tế phát triển, người nông dân đỡ vất vả.
Suy nghĩ này theo suốt tôi trong nhiều năm sau đó khi làm nghiên cứu sinh của Đại học Gifu, một trong những trường đại học nổi tiếng đào tạo về thú y, thuộc Đại Obihiro của Nhật Bản. Ở đó, mỗi khi tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới, tôi lại suy nghĩ, chắt lọc những gì có thể ứng dụng ngay trong điều kiện Việt Nam và mong sao sau khi tốt nghiệp trở về sớm có điều kiện để áp dụng, phát huy những gì đã lĩnh hội được.
Vậy sau khi trở về Việt Nam, bà bắt đầu với những ý tưởng của mình như thế nào?
Sau khi trở về nước, công tác tại khoa Chăn nuôi Thú y của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) – lúc này là nơi đào tạo cán bộ nông nghiệp cho cả miền Trung, việc làm đầu tiên của tôi là cùng đồng nghiệp lập dự án để xin kinh phí xây dựng phòng thí nghiệm, đồng thời tìm kiếm mọi nguồn tài trợ để xây dựng cơ sở nghiên cứu thực hành. Bằng nguồn tài trợ của tổ chức Hopeland Nhật Bản, của những người bạn Nhật yêu Việt Nam, chúng tôi bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng triển khai Công nghệ Sinh học, tiền thân của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế ngày nay.
Song song với việc xây dựng các cơ sở phục vụ nghiên cứu, tôi cùng chồng mình là anh Phùng Thăng Long, cũng là giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm Huế và các đồng nghiệp nghiên cứu cụm đề tài “Lai tạo và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất các tổ hợp lợn lai ¾ máu ngoại mới có năng suất và tỷ lệ nạc cao”. Và sau hơn 10 năm ròng rã, công trình cuối cùng cũng thành công, góp phần lớn vào việc phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác. Cụm đề tài này được trao giải B, Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011.
Những sản phẩm công nghệ cao
Và giải thưởng Kovalevskaia 2017?
Giải thưởng Kovalevskaia 2017 không ghi nhận công trình nào cụ thể mà ghi nhận quá trình hơn 15 năm nghiên cứu của tôi với 22 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ với vai trò chủ nhiệm hoặc tham gia nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu của tôi được đánh giá cao bởi sự tiên phong, mới, tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - tính xã hội mang lại cho cộng đồng. Bên cạnh đó là hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài và là tác giả của 2 giáo trình phục vụ đào tạo ngành thú y tại các trường đại học nông lâm trên cả nước.
Công trình mà bà tâm đắc nhất là gì?
Có thể kể đến các công trình: Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma ở người và gia súc; Lai tạo, sử dụng các tổ hợp Lợn lai 1/2 và 1/4 giống Meishan (VCN-MS15) nâng cao sản xuất đàn thịt lợn; “Nghiên cứu tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn”…
Thực tế thì ở nước mình, nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực thú y là công việc vô cùng khó khăn bởi thiếu nền tảng và sự quan tâm đến thực phẩm sạch, bữa ăn sạch chỉ mới là chuyện thời sự trong mấy năm trở lại đây. Mọi chuyện với bà như thế nào?
Thời gian đầu, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn với những lý do như anh vừa nói, đặc biệt là cơ sở vật chất và kinh phí cho nghiên cứu. Rất nhiều khi, vợ chồng tôi phải bỏ tiền túi ra để nghiên cứu. Và khi đã nghiên cứu thành công, có tính thực tiễn cao thì việc áp dụng đại trà cũng gặp khó khăn không kém.
Đến thời điểm này, một số nghiên cứu của tôi vẫn đang ở trong quá trình thử nghiệm, chưa đưa được ra thị trường bởi đang đợi Cục Thú y của Bộ NN&PTNT khảo nghiệm độc lập trước khi cấp phép lưu hành để sản xuất đại trà. Tuy nhiên, việc khảo nghiệm của Cục Thú y cũng đang gặp khó khăn bởi đây là sản phẩm công nghệ cao, hiện chưa có trong danh mục của Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam nên… phải đợi cập nhật. Nhưng đợi đến bao giờ thì tôi cũng không biết được.
Vậy động cơ để bà vượt qua khó khăn để theo đuổi nghiên cứu đến tận bây giờ là gì? Vì kiếm tiền?
(Cười). Để kiếm tiền không thôi thì đơn giản quá. Nói không ai tin chứ tôi làm khoa học vì đam mê và có mục đích, mục tiêu rõ ràng. Và động cơ lớn nhất của mình là khát khao làm điều gì đấy có ích cho xã hội, cho nền chăn nuôi của đất nước. Ngày xưa, tôi từng rất tự hào vì mình là một trong không nhiều người được lựa chọn để qua Liên Xô du học. Học xong có kiến thức về nước, nếu những người như mình không làm chút gì đấy có ích cho xã hội thì ai làm? Bao năm nay tôi làm việc chỉ là để trả lời cho câu hỏi đó.
TƯỜNG MINH (thực hiện)