Đi đọc trên quốc lộ 14D, đoạn từ xã Ta Bhing lên xã biên giới La Dêê (Nam Giang) trong những ngày đầu năm, dễ dàng bắt gặp cảnh khai thác, vận chuyển khối lượng lớn củi rừng, hoặc gỗ quý đường kính lớn cưa thành lát nhỏ. Phương tiện vận chuyển chính bằng thuyền máy hoặc ô tô tải. Bằng thủ đoạn triệt hạ cây rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, đối tượng đã chẻ nhỏ bán lấy củi, gặp gỗ quý thì cắt thành khúc phục vụ cho sản xuất, gia công đồ thủ công mỹ nghệ. Với hình thức khai thác rừng đơn giản này, các đối tượng hầu như không sợ kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm.
|
Gỗ quý cắt thành khúc nhỏ tập kết dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. |
Người dân địa phương tiết lộ, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, một khối củi rừng bán hơn 1 triệu đồng, trong khi những khúc gỗ quý dài hơn 0,5m thì được tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất đồ mộc ở trong tỉnh. Tình trạng lấy củi, gỗ rừng bắt đầu rầm rộ từ hơn 4 tháng nay khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước. Nhiều đối tượng khai thác củi từ cành, ngọn cây rừng tận thu trong khu vực lòng hồ, nhưng cũng có không ít trường hợp lén lút triệt hạ thêm rừng. Ông Nguyễn Trí – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, lực lượng kiểm lâm không thể xử lý những trường hợp chở củi được do các quy định pháp luật hiện hành không cho phép, ngoại trừ bắt quả tang họ phá rừng. Tuy vậy, theo chúng tôi, tình trạng gỗ cưa thành khúc nhỏ nằm lăn lóc trên đường, dưới sông, tập kết với khối lượng lớn là một “chiêu bài” lách luật về quản lý, bảo vệ lâm sản nên cán bộ kiểm lâm cần vào cuộc truy nguyên nguồn gốc xuất xứ gỗ, tránh tình trạng lợi dụng tận thu cành, ngọn trong ranh giới cho phép để… phá rừng.
|
Dùng thuyền chở củi. |
|
Dọc bờ lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, vô số những bến tập kết củi như thế này. |
|
Nhiều ngôi nhà ở xã Chà Vàl (Nam Giang) dọc quốc lộ 14D cất giấu gỗ trái phép. |
|
Gỗ quý cưa thành đoạn dài hơn 0,5m nằm lăn lóc trên quốc lộ 14D. |
Phóng sự ảnh: TRẦN HỮU