Phá rừng ở vùng giáp ranh

PHƯƠNG GIANG 13/10/2014 08:12

Vụ cất giấu hơn 14m3 gỗ nhóm 2 trái phép vừa được phát hiện tại khu vực rừng giáp ranh giữa địa bàn huyện Đông Giang với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) một lần nữa đặt ra lời cảnh báo về nạn phá rừng tại khu vực này. Vùng giáp ranh này được xem là “lãnh địa” để nhiều đối tượng vận chuyển, tập kết và khai thác trái phép lâm sản.
“Lãnh địa” của lâm tặc

Cách địa phận Đà Nẵng chỉ chưa đầy chục cây số, ngã ba Trung Mang (xã Ba, Đông Giang) từ lâu đã thành điểm đỗ quân của lâm tặc và vàng tặc từ tứ xứ. Từ Trung Mang, rẽ ngoặt vào sâu hướng rừng giáp ranh (thuộc địa phận xã Tư, Đông Giang) là đích đến của những đối tượng phá rừng. Tại đây, một thời rộ lên nạn khai thác lâm khoáng sản trái phép. Trước sự truy quét gắt gao của cơ quan chức năng và sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên, nạn “phá sơn lâm” dần lắng xuống nhưng vẫn âm ỉ trong lòng “hẻm cụt”.    Gọi là “hẻm cụt” bởi con đường nhựa dẫn vào xã Tư chỉ chừng hơn chục cây số, nhưng dọc hai bên “xương sống” từng là tuyến đường vận chuyển gỗ lậu và khai thác vàng trái phép, chằng chịt những đường nhánh xẻ sâu vào rừng từ nhiều năm trước.

Hiện trường cất giấu gỗ trái phép. Ảnh: P.G
Hiện trường cất giấu gỗ trái phép. Ảnh: P.G

Tay xe ôm người bản địa đã phải mất hơn nửa giờ đồng hồ đưa chúng tôi vượt qua đoạn đường đất gồ ghề vào Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) đóng tại xã Tư. Để đến được hiện trường vụ cất giấu hơn 14m3 gỗ nhóm 2 vừa được cơ quan chức năng phát hiện vào ngày 6.10, lại phải băng bộ sâu vào trong rừng. Con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải hai cầu có thể vào đến tận nơi, cách trạm Cà Nhông chỉ chưa đầy 2km. Lâm tặc liều lĩnh tập kết hai bãi gỗ ngay sát đường, mỗi bãi từ 30 – 36 phách gỗ xẻ, chủ yếu là kiền kiền và gõ. Tổng cộng có 66 phách gỗ xẻ với khối lượng lên đến 14,366m3, nằm ở khoảnh 5, tiểu khu 37, thuộc khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, hoàn toàn không có dấu búa kiểm lâm. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa cho biết: “Nhận được tin báo của quần chúng, lực lượng kiểm lâm trạm Cà Nhông đã lên đường tuần tra, phát hiện số gỗ nói trên được tập kết tại hiện trường. Đội tuần tra hiện vẫn chưa xác định được chủ sở hữu của số gỗ nói trên. Hiện chúng tôi chỉ mới ghi nhận hành vi “cất giấu gỗ trái phép”, còn việc có khai thác trái phép hay không cần phải tiếp tục điều tra, xác định nguồn gốc gỗ”.

Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm và chính quyền huyện Đông Giang cũng lập tức có mặt, lập biên bản vụ việc. Địa điểm tập kết gỗ thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Tại hiện trường, có dấu hiệu số gỗ trên sẽ được tập kết và vận chuyển qua địa phận xã Tư, cũng là khu vực khá phức tạp về nạn khai thác gỗ và khoáng sản trái phép từ nhiều năm nay. Đây được xem như một “lãnh địa” của lâm tặc và vàng tặc, trở thành điểm nóng của huyện Đông Giang trong nhiều năm qua, đồng thời gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ. Ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Lợi dụng địa bàn giáp ranh, công tác phối hợp chưa chặt chẽ nên lâm tặc và vàng tặc thường xuyên tổ chức khai thác trái phép lâm khoáng sản trên địa bàn này. Rất nhiều biện pháp đã được triển khai để ngăn chặn, song vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng này”.

Thiếu đồng bộ

Cả đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang và Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa đều thừa nhận tình trạng khai thác gỗ trái phép ở địa bàn giáp ranh xã Tư và xã Hòa Bắc diễn ra phức tạp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công tác phối hợp chưa đồng bộ và sự thiếu ăn ý trong triển khai truy quét, đẩy đuổi và xử lý các đối tượng vi phạm khiến tình hình trên âm ỉ tái diễn. Trở lại vụ việc 14m3 gỗ trái phép được phát hiện, việc lập biên bản và đưa ra phương án xử lý số gỗ tang vật ban đầu gặp những bất đồng. Lực lượng kiểm lâm hai địa phương đã có cuộc “hội ý” bất đắc dĩ giữa rừng, tuy nhiên đại diện chính quyền huyện Đông Giang kiên quyết yêu cầu phải thống nhất biên bản kiểm đếm số gỗ, xác định nguồn gốc gỗ và phương án xử lý tạm thời mới đồng ý cho Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa đưa số gỗ ra khỏi hiện trường. Ông Đinh Văn Hươm khẳng định: “Cơ quan điều tra của huyện Đông Giang phải xác định được nguồn gốc gỗ tang vật và hoàn thành hồ sơ kiểm đếm, số gỗ tang vật mới được phép chuyển ra khỏi hiện trường”. Ông Hươm cho biết, khi lập biên bản ban đầu tại hiện trường, phía kiểm lâm Đà Nẵng có một biên bản thể hiện chỉ phát hiện 17 phách gỗ với khối lượng nhỏ hơn nhiều, trong khi hiện trường vụ việc có hai nơi tập kết với số lượng từ 30 - 36 phách, thiếu đồng nhất với biên bản kiểm đếm của kiểm lâm Đông Giang. Sau hơn 2 ngày bảo vệ hiện trường, kiểm đếm và xác định chính xác khối lượng gỗ tang vật, thống nhất bằng biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng hai địa phương, chiều 9.10, số gỗ trên mới được vận chuyển về tạm giữ.

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam về công tác quản lý và bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh, ông Đinh Văn Hươm cho biết: “Tình trạng lén lút khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn một phần do sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng của hai địa phương. Khi chúng tôi truy quét, lâm tặc lại tìm cách tháo chạy sang địa phận quản lý của Đà Nẵng và ngược lại, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Việc phát hiện hơn 14m3 gỗ này, quan điểm của huyện là đưa cơ quan điều tra vào cuộc, xác định nguồn gốc, đối tượng khai thác gỗ, phối hợp với Công an huyện Hòa Vang làm rõ vụ việc để có cơ sở xử lý sau này”.

Theo phân cấp, vụ việc được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa và cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và đại diện Hạt Kiểm lâm Đông Giang khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc trên để xử lý. “Trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, chốt chặn các điểm xung yếu trên địa bàn huyện, quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này” - ông Hươm nói.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phá rừng ở vùng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO