Phá sản dự án may gia công ở Sơn Viên

PHAN VINH 11/01/2019 07:52

(QNO) - Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình may công nghiệp gia công hàng may mặc xuất khẩu tại xã Sơn Viên (Nông Sơn) đã dừng hoạt động vì máy móc hư hỏng, sản phẩm đầu ra không đạt yêu cầu.

42 máy may đã được chuyển vào kho chờ thanh lý. Ảnh: PHAN VINH
Hơn 40 máy may được chuyển vào kho chờ thanh lý. Ảnh: PHAN VINH

Những năm gần đây, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Sơn Viên và Quế Lộc (Nông Sơn) thường bày tỏ tiếc nuối vì mô hình may gia công trên địa bàn dừng hoạt động. Nhiều ý kiến mong muốn các cấp, ban ngành tiếp tục đầu tư hoặc tìm hướng đi mới cho dự án này để tạo được việc làm cho người dân.

Chị N.T.T. (thôn Trung An, xã Sơn Viên) - người từng làm việc tại mô hình may gia công này chia sẻ: “Trước khi xin vào làm việc cho dự án, tôi đã đi học nghề với mong muốn tìm kiếm một công việc ổn định. Mức lương tôi nhận thời điểm năm 2009 là 3 triệu đồng mỗi tháng, đây là mức thu nhập cao ở vùng quê vào thời điểm bấy giờ. Nhưng được vài năm thì đơn hàng ít lại và tôi phải quay về với ruộng vườn như trước. Tôi thực sự tiếc và mong muốn cấp trên làm sao khôi phục lại dự án”.

Theo thông tin từ UBND xã Sơn Viên, ngày 25.5.2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3688/QĐ-UBND về việc hỗ trợ mô hình may công nghiệp gia công hàng may mặc xuất khẩu tại xã Quế Lộc (thời điểm này xã thuộc huyện Quế Sơn), với nguồn vốn ban đầu 205 triệu đồng từ nguồn bảo trợ xã hội của Sở LĐ-TB&XH. Đến năm 2008, khi huyện Nông Sơn được thành lập, xã Sơn Viên được tách ra từ xã Quế Lộc (cũ) nên mô hình được giao về cho xã Sơn Viên quản lý; đồng thời được UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn 140 triệu đồng để tu sửa, mở rộng cơ sở may.

Ông Nguyễn Thanh Dũng - Chủ tịch UBND xã Sơn Viên cho biết, những năm đầu cơ sở hoạt động cơ bản ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 50 công nhân tại các xã Quế Lộc và Sơn Viên. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; số lượng, chất lượng sản phẩm đầu ra không đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Vì vậy, một thời gian sau đó, cơ sở may không nhận được đơn hàng nào. Tồn quỹ khấu hao đến tháng 5.2016 chỉ mới đạt 76 triệu đồng, vì vậy cơ sở không có khả năng bảo tồn nguồn vốn và duy trì hoạt động.

Nhiều máy may qua thời gian đã hư hỏng nặng. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều máy may qua thời gian đã hư hỏng nặng. Ảnh: PHAN VINH

Ông Dũng cũng thừa nhận, việc quản lý một cơ sở may giao cho địa phương là rất khó vì không có chuyên môn sâu đối với lĩnh vực này. Việc đầu tư, mở rộng cũng gặp nhiều bất cập do cơ chế tài chính không phù hợp. “Nếu là doanh nghiệp, họ sẵn sàng đầu tư mạnh, tìm kiếm hợp đồng lâu dài, thậm chí lỗ vốn họ vẫn phải duy trì, nhưng với địa phương thì không thể. Hiện tại cơ sở có 42 máy may nhưng đã hư hỏng hết. Chúng tôi đã làm tờ trình gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện tham mưu lên cấp trên xin thanh lý để thu hồi vốn của dự án” - ông Dũng nói.

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn, từ năm 2016, cơ sở may đã dừng hoạt động. Đơn vị cũng cố gắng tìm kiếm nhà đầu tư vào khai thác và quản lý nhưng vì máy móc đã xuống cấp, lạc hậu nên đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Mặt khác, trên địa bàn huyện hiện có nhiều doanh nghiệp mở xưởng may trùng với loại hình kinh doanh của cơ sở, nhưng máy móc hiện đại hơn nên khó cạnh tranh đơn hàng.

“Năm 2017, UBND huyện Nông Sơn đã có tờ trình đề nghị Sở LĐ-TB&XH thống nhất chủ trương cho giải thể, thanh lý máy móc, thiết bị cơ sở may gia công tại xã Sơn Viên để thu hồi và bảo tồn nguồn vốn. Chúng tôi mong muốn cấp trên thống nhất với đề nghị này vì việc duy trì hoạt động cơ sở đã không còn phù hợp với thực tế thị trường hiện nay” - ông Tuấn nói.

PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phá sản dự án may gia công ở Sơn Viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO