Năng suất thấp, đầu ra lại bấp bênh nên nhiều người đã chặt bỏ vườn điều, trồng nhiều loại cây thay thế.
|
Ông Cao Thuật ở thôn Duy An - Hà Tây (xã Bình Dương, Thăng Bình) đang tính chuyện chặt cây điều để trồng nhãn lồng, ổi, xoài. Ảnh: VĂN SỰ |
Năng suất thấp
Tuy năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng khi nhắc đến chủ trương trồng cây điều ghép một thời, lão nông Cao Thuật ở thôn Duy An - Hà Tây (xã Bình Dương, Thăng Bình) vẫn nhớ như in. Ông Thuật cho biết, năm 1999 với mảnh vườn rộng 10 sào, gia đình ông tập trung khai hoang, cải tạo đất để trồng điều. Trong những năm đầu thu hoạch, mỗi mùa điều ông thu về 150 - 200kg hạt khô, vậy nhưng càng về sau thì năng suất điều càng thấp, bình quân hằng vụ ông chỉ hái được chừng 80kg hạt khô. Ông Thuật chia sẻ: “Sở dĩ có tình trạng đó là vì trước đây cây điều còn tơ nên luôn cho sản lượng cao. Còn nay vườn điều đã bị thoái hóa nghiêm trọng nên sản lượng thấp, thậm chí nhiều cây chẳng thu được hạt nào. Năm 2010 trở về trước, mỗi vụ điều tui thu được 4 - 6 triệu đồng, nhưng 6 năm gần đây thì thu nhập tụt giảm đáng kể, mỗi mùa chỉ kiếm được khoảng 2 triệu đồng”. Theo lời ông Thuật, do hiện nay vườn điều của ông đã quá già cỗi nên sắp tới ông phải tính chuyện chặt bỏ hết để lấy đất trồng cây nhãn lồng, ổi hoặc xoài siêu trái.
“Thực tế tại Thăng Bình cho thấy, những năm qua đại đa số người dân không quan tâm đầu tư chăm sóc cây điều. Họ cứ cắm nó xuống đất rồi bỏ mặc cho trời thì hỏi sao không xảy ra tình trạng cây chết hàng loạt hoặc cho năng suất thấp”. (Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình) |
Điều trồng trong vườn nhà đã vậy, điều trồng theo phương thức chuyên canh ở ngoài đồi cát thì càng bi đát hơn. Vừa xách cái đòn gánh và đôi thùng ra ao múc nước tưới cho những cây điều ghép đang khô héo vì nắng hạn kéo dài, bà Huỳnh Thị Hồng ở thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) vừa cho biết, trước đây bình quân mỗi vụ bà thu được ít nhất 3 tạ hạt điều khô từ 1ha vườn điều, nhưng bắt đầu từ năm 2009 đến nay thì hằng vụ chỉ hái được không quá 1 tạ hạt khô. Bà Hồng chia sẻ: “Trong tổng số 1ha điều ghép này thì những năm qua vợ chồng tôi đã chặt làm củi hơn một nửa diện tích. Nguyên nhân là cây điều bị sùng đục thân dẫn đến chết hàng loạt. Đối với những cây điều không bị sùng gây hại thì do thiếu trầm trọng nguồn nước tưới nên nó sống còi cọc, cho sản lượng rất thấp và chắc thời gian tới tôi cũng sẽ phá bỏ luôn. Hồi trước, 1ha đất này tôi trồng toàn dương liễu, nghe nói cây điều ghép cho giá trị kinh tế cao nên tôi chặt trụi dương liễu để lấy đất canh tác loại cây công nghiệp lâu năm ni. Bây giờ, cây điều thất bại nặng nề buộc tôi phải chặt bỏ và quay lại trồng dương liễu”.
Từ năm 2009 đến nay rất nhiều xã vùng cát ở những địa phương khác như Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn cũng không còn xem điều ghép là loại cây trồng chủ lực. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình nói: “Bây giờ người dân không còn mơ màng gì về cây điều ghép. Những năm qua họ chặt phá khá nhiều diện tích điều để nhường đất cho một số loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đã nhiều năm nay, trong danh mục báo cáo của đơn vị cũng loại bỏ hẳn cây điều ra khỏi danh sách thống kê về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Còn ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên những năm qua diện tích điều ghép trồng xen canh và chuyên canh trên phạm vi toàn tỉnh bị thu hẹp rất lớn. Trong tổng số 1.800ha điều trên địa bàn Quảng Nam thì hiện nay chỉ còn chừng 200ha, chủ yếu nằm rải rác ở bờ vùng, bờ thửa và vườn nhà dân…
Đầu ra sản phẩm quá bấp bênh
Ông Lê Muộn cho rằng, lúc mới bắt tay vào việc triển khai chủ trương phát triển mạnh cây điều ghép, ngoài một nhà máy chế biến nhân hạt điều với quy mô lớn của Nhà nước đóng tại TP.Tam Kỳ thì tại xã Bình Phục (Thăng Bình) cũng có một cơ sở thu mua, sơ chế hạt điều của tư nhân hình thành. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, cả hai nhà máy này đều bị phá sản một cách nhanh chóng. Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên nhớ lại: “Hồi đó, tôi và nhiều cán bộ ở địa phương có đi tham quan nhà máy chế biến nhân hạt điều tại Tam Kỳ. Thấy cơ ngơi của nó hoành tráng, công suất hoạt động dự kiến khá cao nên ai nấy cũng khí thế và tin tưởng lắm. Nào ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn thì nhà máy ấy phá sản. Mà cũng đúng thôi, dự án trồng điều ghép chuyên canh của tỉnh bị thất bại ê chề, trong khi đó nguồn nguyên liệu trong nước lại quá khan hiếm thì biết lấy gì phục vụ sản xuất để tồn tại được”.
Do cả hai nhà máy thu mua, chế biến nhân hạt điều đều đóng cửa nên những năm qua các hộ dân có diện tích điều ghép trên địa bàn tỉnh phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm, mà chủ yếu là thu hoạch xong thì tiến hành phơi khô và chờ thương lái đến bán. Bà Phạm Thị Hoa ở thôn Duy An - Hà Tây (xã Bình Dương, Thăng Bình) cho biết, thời gian qua đầu ra của sản phẩm hạt điều hết sức bấp bênh. Có mùa tư thương lùng sục khắp nơi tìm mua với mức giá 30 - 32 nghìn đồng/kg nhưng cũng có không ít vụ họ trả chưa tới 24 nghìn đồng/kg, thích thì bán còn không thích thì giữ lại. Bà Hoa nói: “Biết là tư thương ép giá nhưng cũng phải gật đầu bán đổ báo tháo chứ để hạt điều lại biết làm chi. Ở tỉnh mình, bây giờ có còn nhà máy nữa đâu mà trông chờ họ đến địa phương thu mua, chở đi chế biến”.
Theo ông Trần Tùng - Phó phòng NN&PTNT Thăng Bình thì hiện nay diện tích điều ghép còn lại của huyện không bao nhiêu, lại nằm rải rác trong vườn nhà, bờ vùng, bờ thửa nên sản lượng lèo tèo. Ông Tùng nói: “Mỗi khi tới mùa điều, người dân ở các xã vùng cát đi lang thang lượm trái lấy hạt phơi khô rồi để dồn lại bán cho thương lái kiếm vài đồng mua con cá, miếng thịt nhưng thường bị ép giá. Với tình hình như vậy thì việc người dân chặt phá điều ghép để lấy đất xây dựng các mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại rau đậu và những cây trồng cạn phù hợp khác nhằm đảm bảo đời sống kinh tế là chuyện tất yếu…”.
NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH