Gần đây, nhiều vụ phá vỡ hợp đồng cam kết sản xuất lúa giống, sản xuất hoa màu xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế và đời sống nhà nông. Đáng nói, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đơn vị đại diện cho dân trực tiếp ký kết hợp đồng phải “đứng mũi chịu sào” sau mỗi vụ “bể” hợp đồng.
Ông Lê Văn Đông - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp xã Đại Phong (Đại Lộc) cho biết, HTX gần như đứng ra giải quyết thiệt hại cho dân sau vụ “bể” hợp đồng liên doanh sản xuất lúa giống F1 Việt Lai 20 tại vụ đông xuân 2009-2010. Vụ đó, HTX xã Đại Phong đã liên doanh với Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tổ chức sản xuất lúa Việt Lai 20 tại địa bàn xã với tổng diện tích 94,1ha. Tuy nhiên, do thiên tai nên vụ sản xuất lúa F1 Việt Lai 20 thất bại. Sau khi thanh lý hợp đồng liên doanh, công ty còn nợ HTX 196 triệu đồng. Tuy nhiên, đã 3 năm qua công ty vẫn chưa trả số nợ trên dù địa phương đã nhiều lần liên hệ, gửi công văn yêu cầu thanh toán. Về phía HTX, suốt 3 năm qua phải từng bước tháo gỡ khó khăn cho dân bằng cách không thu phí nội đồng, tiền điện của dân… nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết số nợ 196 triệu đồng. Không chỉ gánh hậu quả từ vụ Việt Lai 20, giai đoạn 2007-2008, từ vụ “chạy nợ”, phá vỡ hợp đồng cam kết của một công ty giống ớt lai Hàn Quốc, đến nay HTX Đại Phong vẫn đang tìm cách dần dần trả số nợ trên cho dân.
Cũng theo ông Đông, những năm qua chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp luôn vận động nông dân tham gia sản xuất giống bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu không xảy ra phá vỡ hợp đồng cam kết. Hiện Nhà nước chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho nhà nông trước những sự cố không mong muốn, nông dân vẫn là đối tượng chịu thiệt. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường vai trò quản lý, thẩm định năng lực doanh nghiệp. Phải tạo sự cam kết trách nhiệm giữa các công ty giống đối với địa phương, ngoài ra các công ty liên doanh sản xuất giống buộc phải có tài khoản tại ngân hàng, tránh hiện tượng “hợp đồng ma”.
Những năm gần đây, sau mỗi mùa vụ giống, đâu đó trên địa bàn Quảng Nam lại xuất hiện tình trạng bê trễ, phá vỡ hợp đồng cam kết khiến tâm lý người dân vô cùng hoang mang, bức xúc. Đã đến lúc các cấp ngành quản lý, ngành nông nghiệp có cơ chế rà soát, thẩm định kỹ năng lực của doanh nghiệp, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi bên cạnh những doanh nghiệp uy tín, làm ăn chân chính vẫn tồn tại một số ít đơn vị làm ăn chụp giựt, làm mất uy tín với dân.
TRIÊU NHAN