Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài 1: Đi hay ở?

HỮU PHÚC 11/07/2014 09:26

Lộ trình sắp xếp dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh đã không như mong muốn. Bị kẹp giữa không gian QH rộng lớn, nhiều nơi cuộc sống người dân bị xáo trộn bởi không biết ngày mai sẽ di dời hay ở lại.

Sau nhiều năm đợi chờ dự án di dân, một số làng chài dọc ven biển vẫn trong tình cảnh đứng ngồi không yên. Hàng loạt tiểu dự án dịch chuyển dân đến nơi ở mới triển khai hết sức ì ạch, đầu tư chắp vá, ít nhiều gây tâm lý lo lắng cho người dân.

“Treo” theo dự án

Tôi trở lại các làng chài ven biển Duy Xuyên, nắng nóng như thiêu đốt trên từng nổng cát. Trái ngược với cảnh đông dân cư ở chợ Nồi Rang, hay làng chài Duy Nghĩa (Duy Xuyên), các khu tái định cư (TĐC) cách đó hơn 1km với diện tích rộng lớn song thưa thớt nhà ở, thậm chí nhiều chỗ nhìn giống sa mạc. Đường lớn, đường nhỏ mở ra chi chít, hệ thống điện cũng bắt đầu đấu nối nhưng khu dân cư vắng người. Trong khi đó, nhiều trường hợp bắt buộc phải di dời, đã nhận hơn một nửa tiền đền bù, chờ đợi ngày ra đi, đùng một cái dự án thông báo tạm dừng khiến người dân dở khóc dở cười. Tiền nhận thì chưa đủ để xây nhà mới nên hao hụt theo từng ngày, trong khi nhà cũ xuống cấp, có muốn cũng không thể sửa chữa được do vướng QH. Chỉ tính riêng tại xã Duy Nghĩa, đã có hàng chục dự án thành phần, trong đó nhiều dự án sắp xếp dân cư như khu dân cư (KDC) Lệ Sơn, Nồi Rang, Hồng Triều, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường ĐH6; đặc biệt đường giao thông trục chính KDC làng chài chiếm 721ha. Điều dễ nhận thấy, phần lớn các dự án giãn dân đều “chạy sau” các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, chủ đầu tư và chính quyền chỉ thực sự ưu tiên giải quyết cho các trường hợp bị giải tỏa trắng hoặc thực sự bức thiết về nhà ở; còn việc đưa dân đi TĐC ở đâu, thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào tiến độ thi công của từng dự án.

Tiến độ xây nhà ở trong các làng tái định cư, sắp xếp dân cư ven biển triển khai rất chậm. TRONG ẢNH: Những ngôi nhà tái định cư vừa mới xây tại làng chài Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên.
Tiến độ xây nhà ở trong các làng tái định cư, sắp xếp dân cư ven biển triển khai rất chậm. TRONG ẢNH: Những ngôi nhà tái định cư vừa mới xây tại làng chài Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên.

Mặt bằng di dân bố trí dàn trải, nhà đầu tư chưa chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng nên người dân không mấy thiết tha xây nhà sinh sống. Tại các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên địa bàn xã Duy Nghĩa như Thuận An, Hội Sơn thuộc diện phải cấp bách sắp xếp dân cư nhưng nhiều năm vẫn bất động, vào mùa mưa lũ chính quyền lại phải dồn sức sơ tán dân. Nghịch lý là, nhiều dự án thiếu quỹ đất TĐC cho dân; nhưng ngược lại một số khu TĐC dân không chịu vào ở. Đơn cử, dự án tuyến đường trục chính của xã Duy Nghĩa có 146 hộ bị giải tỏa, song đến nay mới bố trí được 31 hộ TĐC; hơn 50 hộ bị giải tỏa trắng trong dự án đường dẫn cầu Cửa Đại đang chờ đất TĐC từng ngày. Trong khi đó, khu TĐC Lệ Sơn với mặt bằng rộng 26ha hiện chỉ có 20 hộ xây nhà. Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa – ông Nguyễn Tấn Nam than thở: “Nhà nước công bố QH tràn lan, diện tích lớn, nhưng thực tế thi công thì rất nhỏ. Không ít dự án bố trí TĐC “cù nhây”, gây bức xúc triền miên cho người dân. Địa phương đang kẹp trong cái “vòng kim cô” của QH treo, người dân không thể nào tách thửa, giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng, xây nhà được nên gây khó khăn cho chính quyền trong quản lý hiện trạng đất đai”.

Làng chài ở gần khu vực ven biển Duy Hải (Duy Xuyên). Ảnh: H.P
Làng chài ở gần khu vực ven biển Duy Hải (Duy Xuyên). Ảnh: H.P

Theo ông Nam, sở dĩ việc bố trí, sắp xếp dân cư không đạt như mục tiêu đề ra là do tư tưởng nôn nóng gấp rút thi công dự án, trong khi công tác QH vùng sản xuất gắn với với KDC chưa được xem xét phù hợp. Thực tế, giữa làng cũ và làng mới vẫn còn khoảng cách khá xa. “Chủ đầu tư đến nay vẫn còn lơ tơ mơ không trả lời được câu hỏi dân đi hay ở lại và có cam kết rõ ràng với chính quyền” - ông Nam nói.
Bó hẹp không gian

Thực trạng chậm hoặc chưa xây dựng được các khu TĐC để di dân ra khỏi vùng dự án trở thành tình trạng khá phổ biến ở các địa phương ven biển. Thời gian qua, rất ít địa phương chủ động sắp xếp, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Trong định hướng QH, chính quyền TP.Hội An đã mở rộng không gian về phía bắc, giảm tải dân cư sinh sống đông đúc trong vùng “rốn lũ” phố cổ. Còn ở khu TĐC xã Tam Quang (Núi Thành), chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã cắt giảm diện tích từ 81ha xuống còn 61ha và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Theo chính quyền các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, giải pháp hiệu quả nhất để giúp dân sớm an cư lạc nghiệp chính là xóa ngay QH treo, dự án treo, mạnh dạn cắt giảm diện tích QH đã công bố nhưng bỏ hoang không đầu tư. Trước khi triển khai dự án nào, phải tính toán “đi trước một bước” khâu sắp xếp dân cư.

Năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án QH tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam với tổng vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đồng. Theo đó, 18 nghìn hộ dân của 15 xã thuộc 4 huyện, thành phố trong tỉnh chịu ảnh hưởng, bao gồm các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên); các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam (Thăng Bình); Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú (TP Tam Kỳ); Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Anh Bắc (Núi Thành). Trong số đó, có hơn 4.000 hộ trong diện di dời. Tuy nhiên, do tạm dừng đầu tư mấy năm nay đã làm cho “số phận” của nhiều làng chài ven biển thêm khó khăn trong ổn định đời sống dân sinh.

Nhìn trên bản đồ, Quảng Nam đã có QH vùng đông, QH khu vực ven biển với định hướng phát triển không gian và kiến trúc cụ thể. Ở những vùng ven biển có mật độ dân cư dày đặc như các xã Điện Dương, Điện Ngọc (Điện Bàn), Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình), Tam Hải, Tam Quang (Núi Thành) nhưng tốc độ giãn dân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. “Điểm nghẽn” chính là nguồn lực tài chính còn eo hẹp, nhiều nơi chưa tìm ra địa điểm TĐC phù hợp với chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm sinh nhai lâu dài cho người dân. Theo Phòng Quy hoạch và xây dựng (thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai), để chấn chỉnh bất hợp lý trong QH, đơn vị đã điều chỉnh từ 27.000ha xuống còn 3.800ha. Các khu TĐC thực hiện chưa hết thì sẽ thu nhỏ lại quy mô, diện tích còn lại sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Giai đoạn 2014 - 2016, sẽ phân kỳ đầu tư theo từng khu vực, trường hợp chưa triển khai xây dựng vẫn cho phép người dân xây dựng tạm.

Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, thời điểm này, tuyến ven biển Điện Bàn – Núi Thành có đến 44 dự án. Trong đó, có 11 dự án còn vướng mặt bằng, TĐC cho dân. Quan điểm nhất quán của tỉnh chỉ xem xét bố trí các dự án du lịch và loại hình dịch vụ, cương quyết nói không với dự án công nghiệp hoặc dự án gây ô nhiễm môi trường. Việc bố trí TĐC, di dân ra vùng đất mới cũng được cân nhắc xét đến yếu tố chuyển đổi ngành và khả năng thích nghi với môi trường sống của người dân.

HỮU PHÚC

Bài 2: Lúng túng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài 1: Đi hay ở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO