Hàng loạt dự án ven biển bỏ hoang hoặc chậm triển khai, các tòa nhà cao tầng lấn sát ra biển phá vỡ không gian quy hoạch (QH) chung, trong khi đó chính quyền lại lúng túng trong giải quyết hậu quả.
Khó xử lý
|
Thời gian qua, dù đã cương quyết thu hồi nhiều dự án không thực hiện đúng cam kết, nhưng hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển kinh doanh, du lịch ở vùng ven biển từ Hội An đến Núi Thành vẫn không mấy được cải thiện. Từ QH vùng đông được duyệt, UBND tỉnh đã điều chỉnh phê duyệt QH không gian khu du lịch ven biển Điện Bàn – Hội An, chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh, cơ cấu sử dụng đất phù hợp với xúc tiến đầu tư, đáp ứng nhu cầu tái định cư (TĐC), hoàn thiện QH hạ tầng kỹ thuật… Theo Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tổng diện tích sau khi điều chỉnh lại QH là 1.576ha. Tuyến ven biển Điện Bàn – Hội An có 33 dự án thì đã có 23 dự án đang gặp khó khăn chung của khủng hoảng kinh tế và vướng giải phóng mặt bằng. Mặt khác, tình trạng biển xâm thực vào đất liền đã khiến các nhà đầu tư do dự, cân nhắc xây dựng. Các dự án ở Hội An như IOC, Vinpearl, Way… cũng đang đợi chờ chính quyền bỏ vốn xây kè. Dự án khu nghỉ dưỡng Dacotex Hải Âu (thuộc xã Bình Dương, Thăng Bình) với quy mô hàng chục héc ta đất bỏ hoang gần 10 năm nay vẫn chưa thấy động đậy.
Nhiều dự án ven biển suốt thời gian dài chỉ mới xây dựng cổng rào.Ảnh: H.PHÚC |
Trước đây, khi làm QH cho vùng ven biển trong tỉnh, gần như phần lớn diện tích đất ưu tiên cho xây dựng các khu resort cao cấp, khu đô thị và phát triển các loại dịch vụ phục vụ du lịch. Theo QH cũ, tuyến ven biển từ Hội An – Núi Thành có 7.000ha diện tích phát triển du lịch và hơn 10 nghìn héc ta đất cho đầu tư đô thị. Đáng nói, nhiều dự án công bố QH với diện tích “khủng” ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân nhưng vẫn còn nằm… trên giấy. Chẳng hạn, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được phê duyệt ban đầu rộng 1.500ha do Tập đoàn VinaCapital làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Nam Hội An do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco 5 làm chủ đầu tư rộng khoảng 650ha đến nay triển khai rất chậm chạp.
Phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát đã triệt hạ rừng phòng hộ. |
Để giải quyết những vướng mắc phát sinh, UBND tỉnh thành lập tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ven biển; xử lý nghiêm các nhà đầu tư vi phạm cam kết. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, cái khó của việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư đối với các trường hợp vi phạm là nhà đầu tư cũ bất hợp tác trong xử lý tài sản trên đất, dẫn đến rắc rối trong giải quyết tranh chấp. Và nữa, dù UBND tỉnh đã có quy định rõ ràng về khoảng cách xây dựng công trình kiên cố cách mực nước biển, nhưng nhiều dự án vẫn phớt lờ, cố tình lấn biển. Thực tế, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp, đất dành cho vệt cây xanh đã bị chiếm dụng kinh doanh trái phép ở tuyến ven biển Điện Bàn – Hội An. “Lỗi hệ thống” từ chính quyền địa phương đến nhà đầu tư kéo dài, hậu quả là sai phạm nối tiếp sai phạm. Trong khi đó, người dân nằm trong vùng dự án treo thì luôn bức xúc vì các quyền lợi dân sinh chính đáng bị tước bỏ. Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) - ông Nguyễn Tấn Nam cho rằng, chính quyền không thể nào quản lý nổi hiện trạng sử dụng đất, QH treo kéo dài nhiều năm trời gây thiệt thòi không nhỏ cho người dân. “Những trường hợp xây mới, sửa chữa nhà, công trình phụ vì nhu cầu quá cấp thiết, chính quyền cũng rất khó xử lý” – ông Nam cho biết.
Quy hoạch chồng lấn?
“Chính quyền không thể nào quản lý nổi hiện trạng sử dụng đất, QH treo kéo dài nhiều năm trời gây thiệt thòi không nhỏ cho người dân. Những trường hợp xây mới, sửa chữa nhà, công trình phụ vì nhu cầu quá cấp thiết, chính quyền cũng rất khó xử lý”. (Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) |
Đến nay, Quảng Nam đã công bố QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, QH vùng đông, QH khu vực ven biển. Chưa kể, mỗi ngành đều có QH riêng. Theo đó, nhà đầu tư các dự án du lịch ven biển sẽ xây dựng QH chi tiết (1/500) dự án của mình phù hợp với định hướng phát triển không gian và kiến trúc được duyệt. Định hướng QH là vậy, song vì nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo mặt bằng sạch của Nhà nước có hạn nên nhiều nơi nhà đầu tư gần như bỏ vốn 100%. Hệ thống trục giao thông dọc như đường Thanh Niên và đường ngang nối quốc lộ 1 với các bãi biển, đáp ứng mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ hiện vẫn còn dở dang. Nhà đầu tư bao giờ cũng muốn đem cái lợi về cho mình nên chọn vị trí đắc địa, hoàn thiện hạ tầng và có lợi thế cạnh tranh. Thực tế trước đây một số địa phương dễ dãi đáp ứng “yêu sách” của nhà đầu tư mà không cân nhắc, rà soát QH.
Từ năm 2013 đến nay, kế hoạch vốn cho các dự án thành phần thuộc dự án Tổng thể sắp xếp dân cư ven biển, phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai không được bố trí nên một số công trình phải tạm dừng chờ vốn. Về công tác QH, đã phê duyệt 18 đồ án QH với hơn 14 tỷ đồng. Thời điểm này, vùng ven biển có 3 dự án thành phần đã hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm nghĩa trang nhân dân các Duy Nghĩa, Bình Dương và 2 tuyến đường thuộc 3 tuyến đường trục chính khu dân cư làng chài Duy Nghĩa. |
QH vùng ven biển gần như đặt nặng vào phát triển các dự án du lịch, đô thị mà chưa quan tâm đúng mức đến sắp xếp dân cư ven biển, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển dịch vụ y tế, giáo dục. Bí thư Thành ủy Hội An – ông Nguyễn Sự từng băn khoăn rằng, QH vùng đông chưa thực sự bám sâu vào QH biển; cư dân biển, nhất là ở Cù Lao Chàm ngày càng muốn vào đất liền vì ở đảo, dịch vụ tối thiểu chưa đảm bảo. Một thời chúng ta chạy đua thu hút đầu tư mà phá hết rừng phòng hộ ven biển để đổi lấy các tòa nhà, khách sạn, resort cao cấp. Còn Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - ông Bùi Quốc Đinh thẳng thắn, sở dĩ QH treo tồn tại dai dẳng là còn tình trạng mạnh ai nấy làm. QH hạ tầng du lịch về phía nam bị lãng quên nên nhà đầu tư không mấy mặn mà đến đây làm ăn.
Nhiều nhà hoạch định chính sách, quản lý cho rằng, lỗ hổng lớn là thiếu một “kiến trúc sư trưởng” trong QH vùng ven biển. Dọc bờ biển từ Hội An - Núi Thành, đã từng QH trồng rừng phòng hộ chắn sóng gió. Thế nhưng, sự có mặt của các dự án mang tên du lịch đã loại bỏ nhiều diện tích đất với chức năng trồng rừng. Mặt khác, những nhà làm QH cũng chưa khoanh vùng sản xuất, phát triển và nuôi trồng thủy sản ven biển, vốn là một trong những thế mạnh của kinh tế biển, dẫn đến hệ lụy người dân lén lút tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan. Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi (Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), phải khẩn trương QH vùng ven biển hài hòa, đồng bộ, xác lập cơ sở pháp lý về không gian biển để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển. Trên cơ sở QH không gian biển, cần quy định pháp lý đối với từng không gian nhỏ cho các ngành sử dụng để tránh đụng chạm, chồng lấn trong khai thác, quản lý tài nguyên, môi trường biển.
HỮU PHÚC
Bài cuối: Cái giá của “tự quy hoạch”