Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài cuối: Cái giá của "tự quy hoạch"

HỮU PHÚC 15/07/2014 08:49

Vì thiếu tầm nhìn quy hoạch (QH) mà nhiều nơi bất chấp phá vỡ hiện trạng sử dụng đất ban đầu, nhà đầu tư lẫn người dân lén lút lấn biển mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ lụy là không gian biển đã bị “chặt khúc”, làm biến dạng cảnh quan thiên nhiên.
Xé lẻ hiện trạng

  • Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài 2: Lúng túng
  • Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài 1: Đi hay ở?

Trên bản đồ phát triển du lịch bám dọc theo biển, dễ nhận dạng vùng thu hút các dự án đầu tư nhiều nhất trong tỉnh là tuyến Điện Bàn – Hội An, còn từ Thăng Bình – Núi Thành, các công trình resort nghỉ dưỡng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở các bãi cát trắng sát biển từ các xã Tam Hòa, Tam Tiến (Núi Thành) đến các xã Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình) bây giờ chằng chịt các ao nuôi tôm lót bạt. Người dân ngày càng tỏ ra e ngại khi chọn địa điểm tắm biển ở vùng Tam Thanh (Tam Kỳ) kéo dài đến địa phận xã Tam Tiến, bởi hai năm nay vô tình trở thành nơi hứng nước thải xả ra từ các ao nuôi tôm. Chỉ sau thời gian ngắn, cả nghìn héc ta ven biển dọc Thăng Bình đến Núi Thành đã trở thành “vựa tôm” rộng lớn, cho dù nơi đây vẫn chưa có QH vùng nuôi chính thức. Người dân tự QH vùng nuôi, chính quyền lúng túng “nhảy” theo con tôm nên bất đắc dĩ phải “nhượng bộ” QH tạm. Thế nhưng, chính sự nôn nóng theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”, đi trước QH của người nuôi tôm mà vùng biển phải mất đi nhiều thứ quý giá mà tự nhiên và con người đã gầy dựng nên. Từ dải ven biển có “bức tường” rừng phòng hộ che chắn, đến nay đã san ủi bằng phẳng. Hậu quả trước mắt là mỗi năm nạn xâm thực biển đã lấn sâu hơn vào đất liền, mức độ tàn phá làng mạc, công trình xây dựng càng dữ dằn.

Vùng biển ngày càng bị “sa mạc hóa” từ khi xuất hiện các khu resort cao cấp.
Vùng biển ngày càng bị “sa mạc hóa” từ khi xuất hiện các khu resort cao cấp.

Thực tiễn đặt ra, không thể không QH vùng sản xuất tạm cho người dân ven biển Thăng Bình, Núi Thành, nhưng ngay cả ngành thủy sản cũng đã nhận ra tính rủi ro của sự chọn lựa tình thế này. Sự thật là liên tiếp các vụ gần đây, người nuôi tôm lót bạt trên cát liên tục bị thất bát do dịch bệnh, giá tôm rớt thê thảm… Sở NN&PTNT thừa nhận, sự chậm trễ trong QH và thiếu đầu tư trong vùng nuôi trồng thủy sản ven biển là một trong những nguyên nhân khiến ngành vẫn loay hoay trong định hướng phát triển, tìm lối ra cho thị trường ổn định. Nghịch lý ở chỗ, Nhà nước đã QH tạm vùng nuôi nhưng “trắng” đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước, nước thải từ nuôi tôm xả trực tiếp ra biển hoặc thấm tại chỗ, dễ gây ô nhiễm môi trường và mặn hóa nước ngọt. Thêm vào đó, tình trạng chặt phá cây phi lao ven biển; chuyển đổi đất vườn, đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản chưa được chính quyền xử lý triệt để. Sở NN&PTNT nhận định, nhu cầu nuôi tôm thẻ chân trắng rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở cung ứng con giống uy tín phục vụ sản xuất cho người nuôi. Việc đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng nuôi trồng thủy sản còn quá thấp so với nhu cầu phát triển nên chưa hình thành được các vùng nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp, đáp ứng cho tiêu chí nuôi bền vững.

Cũng cần nói thêm, suốt thời gian dài, các nhà làm QH hầu như quá ưu ái cho phát triển các dự án du lịch, đô thị, trong khi lại “quên” vùng sản xuất của cư dân ven biển. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – ông Võ Văn Năm đề nghị, quỹ đất ven biển trong tỉnh còn rất lớn, cộng với diện tích đất bỏ hoang từ các dự án “xí phần” nên gấp rút điều chỉnh, bổ sung vào QH vùng sản xuất cho các địa phương.

“Sa mạc hóa” vùng biển

“Quy hoạch vùng ven biển cần phải khảo sát, tìm hiểu kỹ về đời sống của cư dân biển, văn hóa biển, giúp dân an tâm bám biển lâu dài. Chúng ta đã trả giá khi triệt phá rừng phòng hộ ven biển để thu hút đầu tư các tòa nhà cao tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp…; vì vậy, xem đây là bài học kinh nghiệm không để sai lầm tái diễn khi đầu tư ở khu vực phía nam”.
(Bí thư Thành ủy Hội An – Nguyễn Sự)

Những năm gần đây, các địa phương gần như không thể thực thi được các dự án phủ xanh đất trống đồi trọc vùng ven biển do vướng QH. Sở NN&PTNT cho rằng, trước đây, khi QH đất cho Khu kinh tế mở Chu Lai, một số diện tích rừng ven biển như trồng rừng PACSA do Chính phủ Nhật tài trợ đã đưa ra khỏi QH rừng phòng hộ. Sự có mặt của các công trình xây dựng đồng nghĩa với sự biến mất của bao cánh rừng chắn sóng gió. Lãnh đạo UBND huyện Núi Thành cho rằng, ở vùng ven biển, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất vườn cũng chưa được quy định rõ ràng nên địa phương rất lúng túng giải quyết việc vi phạm sử dụng đất. Tổ chức JICA của Nhật Bản từng có thiện chí phủ xanh gần 2.000ha đất cát ven biển, nhưng chính quyền địa phương bất đắc dĩ phải “từ chối” do vướng QH dự án sắp xếp dân cư, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Qua rà soát QH sử dụng đất, nhiều dự án tái định cư, sắp xếp dân cư ven biển đã xây dựng trên đất trồng rừng phòng hộ. Hàng chục héc ta rừng trên đất cát ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cũng đã san bằng để nhường cho QH các khu cải táng mồ mả.

Trong đợt làm việc với các địa phương ven biển vừa qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đánh giá rằng, vùng ven biển ngày càng bị “sa mạc hóa”. Những nỗ lực khôi phục, trồng mới rừng cũng chỉ thực hiện rất nhỏ lẻ, manh mún. Theo thống kê, các dự án trồng rừng trên đất cát ven biển tại các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành đã triển khai như các Chương trình 327, 661, dự án PACSA… với tổng diện tích hơn 2.700ha. Tuy nhiên, theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, lộ trình phủ xanh đất trống đồi trọc ven biển không đạt như mong đợi, nguyên nhân là công tác trồng rừng, xây dựng các đai rừng chưa gắn với QH sử dụng đất trên từng địa bàn. QH rừng phòng hộ chỉ mới chú trọng khâu chắn gió cát, đê điều, chưa chú ý đến các đai rừng phòng hộ cho các công trình, cơ sở sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Vốn trồng rừng ven biển bố trí hằng năm rất thấp, trong khi đó đề cương QH chi tiết vùng trồng rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020 đến nay chưa phê duyệt.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển - Bài cuối: Cái giá của "tự quy hoạch"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO