"Phác thảo" làng Việt xứ Quảng

SONG ANH 13/12/2014 08:37

Câu chuyện bắt đầu từ những giá trị “nhà quê” – để rồi những phác họa về không gian sinh tồn truyền thống nơi làng Việt xứ Quảng lại làm thao thức những trăn trở về làng quê, về đô thị ngày nay.

Một cuộc hội thảo mang tính chất chuyên đề “Văn hóa làng Việt Quảng Nam: Những giá trị đặc trưng” do Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức ở Quảng Nam giữa tuần này, đã gợi lại bao nhiêu suy ngẫm về hành trình lập đất lập làng, về những vốn văn hóa xưa cũ, mà nếu không để tâm, nó sẽ mất dần và mất hút.  

Sinh ra từ làng

Làng quê. Tươi xanh. Thuần hậu. Không chỉ với riêng dân Quảng, mà với cả đất nước, vốn văn hóa cổ điển, truyền thống, là ở làng, của làng. Làng là cái nôi của âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn học, là “một cốt lõi văn hóa rất sâu, rất bền”. Người ta cho rằng, làng - một không gian được cấu trúc độc đáo, chặt chẽ, giúp người Việt không bị đồng hóa trước những nền văn hóa lớn, bởi chúng ta biết giữ văn hóa làng. Bóc tách vài tầng nấc về nguồn cội văn hóa này, như lời TS. Trần Đình Hằng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về làng Việt xứ Quảng, để cùng nghiên cứu những giá trị đặc trưng của các làng quê Quảng, từ đó phát lộ hướng bảo tồn, phát huy hợp lý. Khi làng quê mọc đầy những nhà mái bằng, những khối bê tông xanh đỏ, khi hàng rào quê với giậu chè tàu bị thay bằng những dây kẽm gai… thì cái tính cách, hồn quê, cấu trúc xóm giềng cũng bị phá vỡ. May mắn thay, trong câu chuyện nhân sinh về những lề lối sinh hoạt truyền thống – thứ góp phần không nhỏ làm nên văn hóa làng, người ở quê vẫn còn xem bản sắc làng mình, với hệ thống dòng tộc, phong tục tập quán là cái cốt cách sống còn của mỗi con người. Ông Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, chia sẻ: “Các tập tục đẹp giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành nên bản sắc văn hóa của một ngôi làng. Ở Quảng Nam, thờ cúng gia tiên là một nét đẹp trong tục lệ dân gian. Tục “chung thờ tiền nhân”, các vị thủy tổ, “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh khai cơ” mà nhiều nơi chung góp cả cộng đồng để thờ, là một ý thức về cội nguồn chung, từ “đất” và “nước” hợp sinh, từ “tiên” và “rồng” tái tạo, đều có nghĩa quy trăm họ vào một cội rễ. Đây là một mỹ tục thể hiện sự vẹn toàn tình nghĩa”.

Làng Lộc Yên (Tiên Cảnh) bền bỉ với thời gian.
Làng Trung Lộc (Nông Sơn) bền bỉ với thời gian.

Nói đến câu chuyện bản sắc của làng, không thể quên ảnh hưởng của quá trình lập đất lập làng. Có lẽ, mọi nguồn cơn văn hóa đều xuất phát từ hành trình này, mang theo, giữ lại vốn dân tộc mình, tiếp thu vốn văn hóa của cư dân bản địa, để làm nên một làng quê xứ Quảng dày dặn trầm tích. Nguồn chính sử cho rằng, sau sự kiện Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành (1306), lãnh thổ Đại Việt có thêm 2 châu Ô, Lý, cho đến khi dinh trấn Thanh Chiêm ra đời (1602), những cuộc di dân ồ ạt từ đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thanh Nghệ, những lưu dân Đại Việt tiếp quản vùng đất đã có sự cộng cư với người dân bản địa. Một nền văn hóa của đồng bằng sông Hồng, với nhiều luân lý của Nho giáo, cộng hưởng với văn minh Champa chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Ấn Độ, cộng thêm nền văn hóa Tây phương qua các cảng thị, vùng đất Quảng Nam giao thoa và định hình nên bản sắc của mình, với sự phong phú, độc đáo riêng có. Chính yếu tố nguồn cội như vậy, cộng thêm địa hình dọc lưu vực sông, nên các biểu hiện văn hóa của người dân xứ Quảng tạo nên hệ giá trị bản sắc ở đủ mọi khía cạnh, từ thể chế văn hóa, đến các di sản văn hóa tiêu biểu, phong tục tập quán… Theo ông Lê Thí, làng Quảng Nam rất chung và rất riêng, mang những đặc điểm của làng quê Việt nhưng lại khác với làng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi tính chất mở của làng quê, gắn với cội rễ là những cuộc di dân lại đậm đặc hơn. “Nghiên cứu làng của Quảng Nam, cần đặt trong mối tương quan với nền văn hóa Chăm, nhưng phải lấy gốc rễ là làng của cư dân Đại Việt. Trong khi đó, di tích còn lại của văn hóa làng Quảng Nam không nhiều, từ những mảnh vỡ để hình dung ra một làng quê Quảng Nam xưa toàn thể đòi hỏi cần kiến thức chuyên sâu” - ông Lê Thí nói.  

Nhà quê nhìn ra phố

Câu chuyện văn hóa làng cùng những minh định về rất nhiều giá trị được xác lập từ làng quê Việt sẽ là một kết thúc đẹp khi lấy đây làm nền tảng để phác thảo nên không gian sống của thời hiện đại. Giá trị nhân văn, cái đẹp đằm sâu của làng quê Việt, những cung cách sống mở ra gần gũi với thiên nhiên, tôn trọng yếu tố gốc của các loại hình văn hóa phi vật thể… là những yếu tố cấu thành nên các dòng chảy văn hóa liền mạch. Đô thị hóa ở Quảng Nam chưa đến mức phải cất lên tiếng kêu về việc đánh mất bản sắc văn hóa cũ, tuy nhiên, cũng đã đến lúc nhìn lại tổng thể quy hoạch các thành phố, thị trấn, thị tứ, khi mà không gian văn hóa làng ngày càng bị thu hẹp.  Ông Phùng Tấn Đông, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa Hội An, đau đáu: “Tác động của đô thị hóa khiến không chỉ Hội An, mà rất nhiều vùng miền khác, đang hình thành nên những vùng lõm văn hóa. Làng xã Hội An đang đứng trước quá trình đô thị hóa hết sức hoang dã, không có một cơ sở quy hoạch cụ thể, thích gì làm nấy, pha tạp đủ thứ loại hình, đánh mất bản sắc làng quê ven sông của mình”. Cũng ưu tư từ Hội An, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Hội An đã từng đi con đường từ làng ra phố, đến phố vẫn giữ những giá trị văn hóa làng, thì việc xây dựng và trở thành một đô thị văn hóa, như điều Hội An đang hướng tới, cần phải có một lối phát triển hợp lý, một “con mắt canh cõi” thận trọng trong quyết sách.

Cũng vậy, sự tiếp biến từ văn hóa làng xưa đến đô thị hôm nay của TP.Tam Kỳ cũng khiến những làng quê ở phía nam đất Quảng mất dần tiếng nói riêng của mình. Một cuộc “đổ bộ” của rất nhiều bản quy hoạch đất đai, bê tông hóa hàng loạt khiến không gian xanh của thành phố phải thu hẹp. Hành trình xây dựng một thành phố mới, với những giá trị mới, vô tình chồng lấn, phủ lấp những giá trị văn hóa cổ xưa. Tình trạng này, nói như ông Nguyễn Hữu Đổng: “Không chỉ riêng Tam Kỳ mà rất nhiều thị trấn, thị tứ của huyện lỵ cũng mắc phải. Nếu không chú ý đúng mức đến việc bảo tồn các giá trị cả vật thể lẫn phi vật thể đã được tạo dựng trên nền tảng tiếp thu những giá trị sinh thái – văn hóa của làng xưa cảnh cũ, thì các đô thị mới cũng chỉ có phần xác mà thôi”.

Chủ trương xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn làm bừng dậy nét tươi sáng của làng quê Việt. Tuy nhiên, nếu không có cái nhìn sáng suốt trong quy hoạch cũng như áp dụng các tiêu chí phù hợp địa phương, lại rất dễ phá vỡ đi chính bản sắc của làng. Trải qua những thương điền tang hải, làng quê Việt xứ Quảng vẫn bền bỉ sức sống, như Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước), Đại Bình (Nông Sơn), Gò Nổi (Điện Bàn)… và rất nhiều làng quê khác, đang thầm lặng giữ gốc rễ làng…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Phác thảo" làng Việt xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO