Phải giữ lời hứa với cử tri

B.T (Tổng hợp từ vov.vn) 26/04/2016 08:36

  • BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27.4.2016) đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó. Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, nguyên tắc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử để trình bày chương trình hành động nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Nhiều ý kiến cho rằng, ứng cử viên ĐBQH phải có chương trình hành động cụ thể, bởi cử tri sẽ quan tâm nhiều tới việc ứng viên làm được những gì nếu trở thành đại biểu và làm gì để thực sự là đại diện tiếng nói của nhân dân. Cử tri không muốn nghe những người ứng cử đưa ra các lời hứa như: nếu trúng cử, tôi sẽ góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; cùng với Quốc hội ban hành các luật, chính sách, bảo đảm dân chủ, nâng cao đời sống cho nhân dân; sẽ chất vấn tới cùng người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành... Đó đúng là chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, nhưng những lời hứa đó chưa thực sự phản ánh hết nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử. Làm sao cho quy trình vận động không hình thức, thực chất; chương trình hành động sâu sắc như lời hứa trước dân khi được tín nhiệm, trao trọng trách.

Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với người lần đầu ứng cử cần có chương trình hành động cụ thể; còn với người từng có kinh nghiệm hoạt động trong một nhiệm kỳ Quốc hội, khi tiếp xúc vận động bầu cử càng không nên chủ quan, thậm chí phải chuẩn bị kỹ càng hơn, phản ánh được nguyện vọng của cử tri, nói được tiếng nói của nhân dân. Chương trình vận động của ứng cử viên phong phú, thiết thực, sâu sắc thì cử tri có thể chất vấn chương trình hành động của người ứng cử. Đồng thời giữa người ứng cử có thể tranh luận về chương trình hành động của mình. Qua tranh luận sẽ làm sáng tỏ hơn, gắn với năng lực, trách nhiệm, thời gian, khả năng của người ứng cử thực hiện chương trình hành động. Khi tiếp xúc cử tri, ngoài việc được chất vấn, cử tri sẽ biết người ứng cử nào có thể đại diện cho mình, tin tưởng vào bước đi của những người trúng cử sẽ thực hiện được ý chí, nguyện vọng, đóng góp thiết thực vào những hoạt động của Quốc hội, HĐND… Đây là điểm làm cho vận động bầu cử trở nên sinh động và thiết thực.

Lời hứa của người ứng cử sẽ là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên khi đã được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình. Nên chăng, cũng cần có một cơ chế miễn nhiệm những ĐBQH, đại biểu HĐND không giữ lời hứa trang trọng của mình trước cử tri, trước nhân dân lúc vận động bầu cử.

B.T (Tổng hợp từ vov.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phải giữ lời hứa với cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO