Phải làm tốt khâu quy hoạch trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng

VĂN SỰ 29/03/2014 21:14

(QNO) - Hôm nay 29.3, tại TP.Tam Kỳ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở các địa phương thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cùng chủ trì hội nghị.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt trực thuộc Bộ NN&PTNT, năm 2013 các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đã chuyển 12.239ha đất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn. Riêng Quảng Nam, năm qua toàn tỉnh đã đưa 2.326ha đất lúa sang chuyên canh, luân canh đậu phụng, bắp, mè và một số loại rau quả khác. Nhờ sản lượng tăng, giá bán sản phẩm tương đối cao nên năm 2013 bình quân 1ha đất sản xuất theo phương thức này mang lại cho nông dân mức thu nhập 70-150 triệu đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 toàn vùng sẽ tiếp tục chuyển 85.000ha đất lúa sang gieo trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nhìn chung công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc. Nói rõ ra là, tại nhiều nơi việc thực hiện diễn ra rất tự phát, chưa định hình được mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ nên thường xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm. Cạnh đó, khả năng ngân sách của các địa phương còn quá hạn chế nên chưa có chính sách đầu tư khuyến khích người trồng lúa chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản không ổn định khiến nông dân chưa thực sự yên tâm trong quá trình thực hiện khâu này…

Theo nhiều đại biểu, để tạo ra cú hích mạnh cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thì ngay từ bây giờ các địa phương phải nhanh chóng tiến hành quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, cần phải ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời, cần sớm thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm…

VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phải làm tốt khâu quy hoạch trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO