Với Nguyễn Điện Ngọc, rất khó để cắt nghĩa về một chân dung. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, xem chừng chưa hẳn. Là nhà báo, cũng khó, vì bao năm qua, anh nào có thẻ hoạt động. Nhưng chính vì những “lạ lùng” vậy, hình dung anh, lại tối giản hơn bao giờ hết!
Nguyễn Điện Ngọc. |
Vì với tôi, và cũng với khá nhiều người ở Tam Kỳ, Nguyễn Điện Ngọc đơn thuần là một người yêu phố xá này đến từng ngóc nhỏ… Lành tính. Và nhiệt tình.
1. Chọn một điểm nhìn để Nguyễn Điện Ngọc được nhớ sâu với nhiều người ở nhiều lớp tuổi của Tam Kỳ, hẳn ở cái vóc dáng lúc nào cũng tất bật của anh. Tất bật với máy quay cỡ lớn rồi cỡ nhỏ, rồi bao nhiêu máy ảnh. Sự kiện nào, từ lớn đến nhỏ ở đô thị tỉnh lỵ này, hình như đều có Nguyễn Điện Ngọc. Cái kiểu đi kiểu đứng, đã thấy người này phần nhiều lam lũ. Nếu không phải vất vả áo cơm, thì cũng đau đáu bao chuyện… chưa hẳn của mình. Một buổi nào đấy vô tình vào trang cá nhân Facebook của anh, bất chợt hình ảnh người đàn ông trung niên ôm một chồng ảnh đã đóng khung khổ lớn kiếm chỗ tránh mưa, không dưng nghĩ cũng lạ đời. Lạ, vì nhiều năm ở sân chơi nhiếp ảnh của TP.Tam Kỳ, Nguyễn Điện Ngọc gần như là người chủ công. Kêu gọi anh em nhiếp ảnh, rồi tìm không gian, lên khung sườn hoạt động. Cuộc triển lãm “Mùa hoa sưa” đã bắt đầu có dấu ấn ngay từ mùa thứ 2. Chưa kể những cuộc trưng bày hưởng ứng các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương này, hình như, cũng Nguyễn Điện Ngọc “ôm” vào mình khá nhiều toan lo.
Tháng 8.2016, CLB Nhiếp ảnh Tam Kỳ chính thức ra mắt. Như một chốn tập hợp của khá nhiều những người mê chụp ảnh và Nguyễn Điện Ngọc được chọn để làm người “kết nối”. Một người ưa dịch chuyển, thích những hoạt động xã hội như vậy, thì hẳn không khó để bắt nhịp. Là chuyện chơi, nhưng cũng phải để tâm và dành cho nó khá nhiều công phu kiến tạo. Và với Nguyễn Điện Ngọc, hình như nhiếp ảnh là một thú chơi, một niềm đam mê, một trời nỗ lực. Không chỉ để đeo đuổi như một bộ môn nghệ thuật, say sưa với những khung hình, riêng với Nguyễn Điện Ngọc, còn để giữ lại đó những khoảnh khắc, hiện tồn của một vùng đất. Đặc biệt, là đất mở như Tam Kỳ.
Tên thật của Nguyễn Điện Ngọc là Nguyễn Bộ. Năm 1975, từ vùng cát Điện Ngọc, theo cuộc mưu sinh khăn gói vào miền rừng núi Trà My. Để rồi từ đây, cái tên Nguyễn Điện Ngọc bắt đầu rõ hơn trong tâm trí nhiều người vùng này, qua những bản tin về lâm nghiệp, thủy lợi. Và hình như, chữ nghĩa cũng từ đó bén duyên với anh. Để mãi đến năm 1989, từ Trà My, Nguyễn Điện Ngọc về ở với Tam Kỳ, cùng gia đình, vợ con. Rồi nhiều hơn những bản tin được ký dưới tên Nguyễn Điện Ngọc. Như để xác tín rằng đi đâu thì cái cội nguồn gốc gác vẫn mang theo đó, dù quê kia, không xa xôi cách trở với phố này. Và hình như cũng đâu đó thấp thoáng cái ý niệm giữ cho mình không bị trôi đi, trong mớ xúc cảm và cả hiện thực của một mảnh đất mới. Là mới nhưng thân quen. Tam Kỳ với Nguyễn Điện Ngọc, anh nói, ruột rà như chính cái nơi anh sinh ra vậy. Ở đây, có gia đình, con cái, bạn bè. Ở đây, giữ cả một hành trình đời người của anh.
2. Tách tỉnh. Thời ấy, cán bộ cũ tìm cách rời Tam Kỳ về Đà Nẵng. Cán bộ mới được luân chuyển từ Đà Nẵng vào. Và Nguyễn Điện Ngọc khi ấy, đã chọn sống hẳn ở một ngõ nhỏ của thị xã cũ. Bằng tâm thế của người cũ, quan sát những dịch chuyển của vùng đất từ một sự kiện chính trị lớn, nắm bắt những đổi dời từng ngày, xem chừng Nguyễn Điện Ngọc đang giữ rất nhiều ký ức của phố thị này. “Chính vì vậy mà tôi thích chụp ảnh hơn, vì nó giúp mình đối sánh. Ngày hôm qua, góc đường này đã khác lắm ngày hôm nay” - anh nói. Chính vậy nên người ta lúc nào cũng thấy Nguyễn Điện Ngọc - một lão trung niên tóc bạc rong ruổi mãi từ đường phố, góc làng đến những hội hè. Kho ảnh của anh từ năm 1997 đến giờ về vùng đất Tam Kỳ, đã khá dày dặn.
Hơn 40 tuổi, Nguyễn Điện Ngọc mới bắt đầu làm báo – một cách chuyên nghiệp. “Năm 1998, mình chính thức bước vào Đài Tam Kỳ”, anh kể. Tuổi này, bắt đầu hay xây dựng, không phải dễ. Nhưng may mắn, nền tảng từ những lần cộng tác với các báo Quảng Nam - Đà Nẵng, những lần làm bản tin lâm nghiệp cho cơ quan cũ, đã giúp anh. Ngược một quãng đường hơn 4 năm, khoảng chừng những năm 1994, Nguyễn Điện Ngọc đã là cộng tác viên đắc lực của đài phát thanh thị xã lúc bấy giờ. Nhẩn nha với những câu chuyện của xóm làng, phố xá, chuyên mục “mỗi tuần một chuyện” hay “tuổi trẻ và tương lai”… lời bình phần nhiều từ Nguyễn Điện Ngọc gửi đến. Rồi ngay lúc tất bật cho cuộc sống mới sau tách tỉnh, anh lại mang về cho đài thị xã bấy giờ một giải thưởng về phát thanh trên toàn quốc, cho một đài địa phương cấp cơ sở. Như một động lực khởi đi từ đó, Nguyễn Điện Ngọc miệt mài, tỉ mẩn với những câu chuyện của làng của phố. Cẩn trọng từ bản tin nhỏ nhất cho đến những tác phẩm dài hơi. Tất cả đều xoay quanh không gian của vùng đất ba sông.
Và có những kỷ niệm mà khi nhắc lại, người đàn ông tuổi đã bước qua 60 mắt lại ngận nước. Hơn 20 năm làm báo cơ sở - một nhà báo không thẻ, nhưng không vô danh, có những thứ quà nồng đượm cảm tình từ người dân quê mà Nguyễn Điện Ngọc nói, nó như một “chất kích thích” để chưa bao giờ anh tủi thân khi đã làm nghề này. “Một người cha mất con từ Tam Thăng lỉnh kỉnh mang đến nhà mình một chai dầu phụng và 2 củ sắn để cảm ơn vì đã góp phần minh định cho con họ. Mình không thể nào quên được”- Nguyễn Điện Ngọc thổ lộ. Ngoài công việc của một phóng viên đài địa phương, Nguyễn Điện Ngọc nói, có nhiều đề tài, anh trở đi trở lại, tìm cách để nhân vật trải lòng với mình, chia sẻ với mình như một người xóm giềng, một người thân về câu chuyện của họ. Vậy nên, dù đã về hưu vài năm rồi, nhưng nhiều người từ các vùng ngoại ô Tam Kỳ vẫn thi thoảng tìm đến Nguyễn Điện Ngọc - để kể câu chuyện của mình. Nguyễn Điện Ngọc nói, suốt hơn 20 năm làm nghề của mình, điều may mắn nhất anh có được là đi đâu cũng được người ở đó tin cậy, bởi anh đã đặt ở họ lòng chân thành muốn tìm hiểu cặn kẽ những gì người dân nơi đó đang gặp phải. Với những người làm chính quyền, dù ở cấp nào, vẫn luôn tôn trọng họ như một lãnh đạo của chính cấp đó. “Một anh trưởng thôn, trưởng khối phố… thì vẫn là một lãnh đạo của một nhóm người, một vùng đất. Đừng nghĩ mình ở trên họ để hoạnh họe họ. Tôi đã làm việc với suy nghĩ như vậy trong rất nhiều năm. Và có nguồn tin, duy trì nguồn tin tốt cũng từ ý nghĩ tôn trọng tất cả mọi người mình gặp trong quá trình tác nghiệp” - Nguyễn Điện Ngọc tâm sự.
Không ngại khó, ngại khổ, ngay cả khi đã về hưu. Nguyễn Điện Ngọc bây giờ lại xông pha đi kiếm tìm những “mạnh thường quân”, nhà hảo tâm từ khắp nơi để mang về những phần học bổng cho con em các vùng ven Tam Kỳ. Cũng như chưa bao giờ anh ngại ngần đi đến những vùng đất xa xôi, gian khó, để kiếm tìm đề tài cho nhiếp ảnh. Cứ vậy, mà vác máy ảnh đi suốt những ngày dài…
Một tấm lòng tử tế, thì xứng đáng để được người ta gợi nhắc dù anh là ai, ở đâu, làm gì…
LÊ QUÂN