(QNO) - Suốt 17 năm qua, 10 hộ dân Tổ đoàn kết số 12 thuộc thôn Phái Nhơn (Tam Hiệp, Núi Thành) còn "sót lại" của vùng dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải do nằm ngoài phạm vi bị thu hồi đất gặp khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, họ luôn mong mỏi Nhà nước giải tỏa mặt bằng, bố trí chỗ ở mới ổn định.
Năm 2008, người dân đội 10 (nay là tổ đoàn kết số 12) thôn Phái Nhơn (xã Tam Hiệp) đồng thuận cao với chủ trương thực hiện dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải vì tin rằng sẽ được bố trí tái định cư, làm ăn ổn định.
Tuy nhiên, sau nhiều đợt giải tỏa đến nay vẫn còn 10 hộ dân vẫn phải sống lay lắt giữa trăm bề khó. Bà Nguyễn Thị Đa cho biết, dự án đã giải tỏa phần lớn và khu vực này còn lại diện tích khoảng 2,5ha với 45 nhân khẩu còn “sót” lại.
Hằng năm, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ do các dòng nước đều đổ dồn về khu vực trũng này. Nhất là mỗi khi đập Thái Xuân xả tràn, nước ngập đến hơn 1m, gây hư hại mùa màng, tài sản của nhân dân. Vào mùa nắng thì khu vực này ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ các xe chở đất của một số công ty.
“Cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi phải gói ghém tài sản chạy lên nhà người thân hoặc thuê khách sạn, nhà nghỉ để trú ngụ chứ ở lại xóm này không an toàn. Riêng năm ngoái nước dâng lên bất ngờ trong đêm nên gia đình không kịp trở tay. Nước cuốn phăng đi tất cả thực phẩm mà chúng tôi mua về để chuẩn bị cho dịch vụ nấu đám cưới” - bà Đa cho biết.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Đa (thôn Phái Nhơn):
Tương tự, hộ ông Phạm Văn Trường cũng chịu tổn thất về sản xuất mỗi khi nước từ sông Trâu dâng lên gây ngập lụt. Hơn 3 sào đất trồng rau màu và lúa của gia đình ông trong năm 2024 đã mất trắng.
“Cứ đến tháng 10 là có ngập lụt do sông Trâu khá hẹp không thoát nước kịp nên rau màu hư hỏng hết. Khi ngập nặng thì mọi người di dời sơ tán nhưng ngập nhẹ thì đi lại khó khăn lắm và nguy hiểm cho trẻ con” - ông Trường nói.
Theo người dân địa phương, nước sông Trâu ngày càng bị ô nhiễm do các cống xả từ khu công nghiệp, các trại chăn nuôi heo thải nước làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nước giếng của các hộ dân. “Nhân dân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, sản xuất nên kính mong các cấp chính quyền quan tâm, tìm hướng giải tỏa chúng tôi đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống” - bà Đa kiến nghị.
Theo UBND huyện Núi Thành, huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương kiểm tra hiện trạng. Qua xác minh thì toàn bộ diện tích tại khu vực này còn khoảng 3,3ha, có 10 hộ dân với 45 nhân khẩu đang sinh sống.
Khu vực này chưa có hệ thống nước sạch, không kết nối được với hệ thống giao thông công cộng của địa phương khi san lấp, triển khai dự án hạ tầng khu công nghiệp.
Đồng thời, vào mùa mưa bão sẽ gây ngập úng cục bộ nên các hộ dân ảnh hưởng bởi dự án rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 4/5/2023 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của kỳ quy hoạch sử dụng đất huyện Núi Thành thì phạm vi nêu trên thuộc quy hoạch đất ở, đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác. Hiện nay, khu vực trên nằm ngoài phần ranh giới quy hoạch phân khu xây dựng (1/2000) Khu công nghiệp Bắc Chu Lai thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai.
Ngày 24/10/2024, UBND huyện Núi Thành đã ban hành Công văn số 2958 nêu ý kiến góp ý liên quan quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Nội dung công văn cho biết, đây là vấn đề bức xúc lâu nay của nhân dân Tổ đoàn kết số 12, do đó kính đề nghị UBND tỉnh giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc của cử tri lâu nay.