Trở về, mà như lần đầu tìm đến. Trở về, để giữ mình tươi mới, dù tuổi đã ngấp nghé để người ta gọi bằng “lão”. Hình như, chưa bao giờ ông lão này thôi mê mải những chuyến đi về Quảng, kể cả những bước chân trong nghệ thuật. Và về Quảng là về ngược trên đường quá khứ…
Phạm Hồng ví những bước đi của mình giống như một cơn gió lành vậy, hiền từ ngay cả trong đời thực lẫn những ý tưởng sáng tạo của điêu khắc. Hiền chứ không nhạt. Cảm hứng xuyên suốt những tác phẩm đã gây nên tiếng vang cho điêu khắc gia Phạm Hồng, là những người mẹ quê chân thành chia sớt ngọt bùi lẫn đắng cay với con trẻ, những điều bình dị trong mọi hoàn cảnh sống, là tiếng nói thơm thảo của quê xứ Quảng Đà. Những hình ảnh dung dị vậy thôi, nhưng lại khiến lòng người rưng rưng xúc động.
Và Phạm Hồng cho người ta thấy từ những tác phẩm của ông, là một năng lực nghệ thuật đủ sức diễn đạt điều bình dị từ cuộc đời bằng lối thể hiện chân thực. Tưởng dễ lại hóa ra vô cùng khó, khi bằng ngôn ngữ điêu khắc, vẫn giữ được tiếng nói của những điều bình dân, của cảm xúc thiệt thà không màu mè hoa mỹ, của những san sẻ một thời người ta gọi hay nhìn nhau không nghi ngại.
1. Kỳ lạ, khi vốn liếng nghệ thuật của người điêu khắc chọn mạch nguồn dân gian làm cảm hứng chủ đạo, phần đông tác phẩm lại là những chỉ dấu văn hóa, lịch sử của Quảng Nam Đà Nẵng, dù Phạm Hồng trưởng thành ở cái nôi của cội nguồn văn hóa dân gian Bắc Bộ. Và sẽ thật lạ lùng hơn, khi trong mọi hoàn cảnh, ông lão nghệ sĩ này vẫn giữ cho mình một mạch nước ngầm đủ sức làm dịu, làm mềm đi những điều tưởng chừng khô rốc, tưởng chừng chỉ có thể diễn đạt nó bằng việc giương súng, vung gươm... Như câu chuyện của chiến tranh. Cả thời tuổi trẻ của đời mình, Phạm Hồng dành hết những bước chân xuân tại khu V - Quảng Đà. Vượt Trường Sơn đi vào xứ Quảng, mỗi người thanh niên như Phạm Hồng thuở ấy trong lòng chỉ rực ngọn lửa khát vọng đấu tranh giành lại hòa bình cho Tổ quốc. Năm ấy, 1967, đến bây giờ, đã ngót nghét tròn 50 năm. Và có lẽ cũng đã trọn chừng ấy năm, mọi nghĩ suy chỉ trải dài ở vạt đất ven sông Thu này. Tôi chợt liên tưởng về Kiên của Bảo Ninh, trong “Nỗi buồn chiến tranh”, khi lão nghệ sĩ Phạm Hồng kể mê mải những kỷ niệm “trên đường quá khứ” của mình. Và lúc ấy mới hiểu sao những thứ mình tưởng chừng kỳ lạ, hóa ra lại rất bình thường, với những người lính từ khu B vào như Phạm Hồng. “Mãi mãi anh bị cuốn hút về những đốm lửa trong không gian trải đến cuối chân trời quá khứ, những đốm lửa chiến tranh đầu tiên trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa sâu thẳm thời thơ ấu…” (Nỗi buồn chiến tranh). Phạm Hồng nói ông cũng vậy, khi đã từng vào sinh ra tử ở đất này, khi đã từng nhìn những đồng đội của mình ngã xuống nơi đây. Tự thân vùng đất khu V này đã “lịm” vào máu thịt mình, hay chính bản thân mình tự khiến mình mắc mứu với vùng đất, Phạm Hồng không trả lời được. Chỉ biết, từ những hào sảng của tuổi trẻ quá khứ, đã giữ hẳn ông lại với quê xứ này.
Nếu nhắc Phạm Hồng câu chuyện trong chiến trận, như nhắc lại những chông gai và hiểm nguy, những vần vũ bão dông mà chưa bao giờ người trong cuộc thôi quyết liệt rằng phải vượt lên nó. Cái ý thức tôi rèn và sáng tạo trong bom đạn, giữa lằn ranh sinh tử, đã miết sâu vào trí óc. Để đến những ngày sau hòa bình, những ngày tuổi đã bắt đầu bóng xế, vẫn cứ luôn đi, luôn nghĩ, luôn làm lụng. Trong lửa đạn khói bom, Phạm Hồng khiến người ta bớt đi phần nào nhọc nhằn, tăm tối, bằng những ký họa màu nước. Những ký họa đến bây giờ nhìn lại vẫn còn rưng rưng. Và ông nói, mình nợ mảnh đất Kỳ Sanh, Tam Phú, mình nợ những con người sẵn lòng mở cửa, sẵn lòng mỉm cười để mình họa chân dung. Tôi vẫn luôn nghĩ, hòa bình hôm nay, không chỉ có vết dấu của những bước chân thần tốc, của súng đạn, của chiến đấu ngoan cường. Còn có cả những câu thơ đầy hào khí, những dòng văn làm dịu tâm hồn, những bài nhạc rưng rưng niềm xúc động. Và những bức tranh ghi nhặt, thâu tóm cuộc sống một thời chiến chinh. Bây giờ, những ký họa màu nước của Phạm Hồng, của Giang Nguyên Thái, Thanh Châu, Quốc Trọng…, vẽ trong thời kỳ các anh hoạt động ở Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn khu V, đủ sức để nhiều thế hệ sau từ đó mà hình dung ra “một thời chiến đấu cha tôi anh hùng…”.
2. Điêu khắc. Như một mệnh nghiệp mà trời ban cho Phạm Hồng. Những ngày sau hòa bình, dù trên thân thể dính hàng chục mảnh bom găm vào, dù mỗi lúc trái gió trở trời là người đau nhức, nhưng thương tổn vẫn không ngăn ông tiếp tục đi trên con đường của hội họa. Phạm Hồng chọn điêu khắc, chọn cách diễn đạt lại những hồi ức bằng sự vô ngôn của đá. Như một miền ký ức mà không thể bằng lời, dẫu nói bằng rất nhiều cuộc đời, có thể dung chứa hết. Mỗi tác phẩm điêu khắc của Phạm Hồng, là một câu chuyện chiến tranh nặng trĩu những nỗi buồn, dẫu đường nét, dẫu ý tưởng đều thanh thoát. Từ “tình đồng đội”, hay “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi dầu diệt Mỹ”, đến những cụm tượng lớn đặt trang trọng ở một số địa phương với ý tưởng là những chiến thắng lớn của quân và dân, vẫn nhìn ra thoảng sau đó là một sự vọng niệm. Như với cụm tượng “Chiến thắng Hà Lam - Chợ Được” mà Phạm Hồng được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước, dù là công trình ca ngợi một trong những cuộc đấu tranh chính trị mở đầu và lớn nhất ở miền Nam sau Hiệp định Genève, thì vẫn thấp thoáng sau đó là những ân tình với nhân dân. Không có hình ảnh chiến sĩ giương súng, vung gươm oai phong lẫm liệt, mà là sự sắp đặt tổng hòa của các bức phù điêu, của một bố cục chặt chẽ cả về khối và hình, là thế đứng tựa lưng chân kiềng vững chãi…
Tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Hồng tại Trại điêu khắc “thành cổ Quảng Trị - hồi sinh và bất tử” vừa tổ chức hồi tháng 7.2016. |
Và không chỉ dừng lại ở sự độc thoại trong điêu khắc, nhất là ở vùng đất mà ông xem như máu thịt mình. Từ những thập niên 80, Phạm Hồng đã kéo về Quảng Nam Đà Nẵng một Trại sáng tác điêu khắc quốc tế đầu tiên ở Non Nước. Sau này, ông còn phối hợp với nhà điêu khắc người NaUy - Oyvin, để thực hiện dự án điêu khắc đá Đà Nẵng, phối hợp với đào tạo thợ điêu khắc. Và thành quả còn đến hôm nay chính là một không gian nghệ thuật điêu khắc từ đá Non Nước nằm bên bờ sông Hàn. Tại Quảng Nam, cùng với Phạm Văn Hạng, Phạm Hồng là người có số tượng và cụm tượng đặt tại vùng đất này khá nhiều. Nếu Phạm Văn Hạng mải mê cùng ý tưởng “thiên di trong hòa bình”, thì Phạm Hồng chắt chiu những kỷ niệm, những giấc mơ của đồng đội, của người dân một thuở bom rơi lửa đạn, rằng “khi đất nước tôi không còn chiến tranh/ mẹ già lên núi tìm xương con mình” (Trịnh Công Sơn). Và chính những “bà mẹ Quảng Nam” với cảm hứng khôn cùng về tình yêu thương, về những khắc khoải và ngậm ngùi “mộ bia đều như nấm”, đã ngót nửa thế kỷ rồi… vẫn chưa thôi nghĩ trong lòng người nghệ sĩ - chiến sĩ, thương binh thuở nào.
Lại nhắc chuyện “nỗi buồn chiến tranh”, để lần nữa thấy rằng, những người như Phạm Hồng, “vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ”. Bởi như vậy là ông chưa bao giờ già cỗi, luôn tràn trề cảm hứng, lý tưởng, niềm lạc quan của thuở đôi mươi - thuở mà người ta chỉ có duy nhất lý tưởng sống là sự cống hiến…
SONG ANH