Phạm Ngọc Cảnh Nam: "Nhà văn phải có cảm hứng lịch sử"

MINH ĐIỀN 24/05/2015 09:45

Mấy năm trước tôi tình cờ đọc được cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thế kỷ bị mất”, lần đầu biết tên nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Sau khi đọc xong cuốn sách và biết ông đang sống trong cùng thành phố Đà Nẵng, tôi cứ ấp ủ ý định gặp ông một lần. Định bụng mời ông làm nhân vật cho một phóng sự, hay chỉ đơn giản nói cảm ơn ông vì một quyển sách hay.

Vậy rồi thời gian vùn vụt, mãi đến tuần rồi mới đủ “cơ duyên” ngồi một buổi trong phòng khách nhà ông.
Sơ ngộ

62 tuổi, vóc người tráng kiện, da đồng hun, tóc đinh muối tiêu, lướt Facebook ào ào... Phạm Ngọc Cảnh Nam lại tự nhận mình già. Có lẽ cái câu “mình già rồi” chỉ là trả lời nửa đùa nửa thật khi tôi hỏi về lối sống kín đáo gần như ẩn sĩ của ông. Bởi vì công việc và tính ham vui, tôi thường có mặt tại nhiều sự kiện có dính dáng đến giới sáng tác ở Đà Nẵng, và từng biết hầu hết gương mặt văn nghệ sĩ ở đây. Nhưng tuyệt chưa bao giờ thấy bóng dáng Phạm Ngọc Cảnh Nam ở những chỗ “mặt tiền văn nghệ” đó.

Ấn tượng đầu tiên, Phạm Ngọc Cảnh Nam là một người không dễ gần chút nào. Vẻ lạnh lùng khắt khe dễ làm sờn lòng người sơ ngộ. Ngay đầu câu chuyện, sau khi nghe tôi nói về cảm nhận cuốn tiểu thuyết của ông, nhà văn hỏi tôi, cậu có đọc truyện ngắn của tôi không? Thực ra thì có một vài, nhưng rời rạc cóp nhặt trên các trang web văn chương, chẳng đủ cho tôi có thể nói gì về truyện ngắn của ông. Đành ngượng ngùng lắc đầu. Hừ, đọc rồi mới nói chuyện văn của tôi được chớ!

Nhưng tôi tới chỉ với cảm xúc bồng bột khi đọc cuốn tiểu thuyết của ông. Phải nói là cảm xúc mạnh, dây dưa qua mấy năm trời mà tôi vẫn giữ nguyên sự cảm kích đó. Và có lẽ sự bày tỏ nhiệt tình của tôi khiến nhà văn vui lòng, ông nói chuyện với tôi “dịu dàng” hơn tí chút.

“Thế kỷ bị mất”

Có thể nói trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử tôi từng đọc, “Thế kỷ bị mất” của Phạm Ngọc Cảnh Nam là một cuốn rất hay. “Hay”, đúng là kiểu nói gọn và sáo. Thực thì cuốn sách của ông không chỉ là tiểu thuyết lịch sử. Có thể coi đó là một tiểu thuyết phong tục cũng được, tùy mối quan tâm của người đọc. Bởi câu chuyện dựa trên một thời kỳ với những sự kiện có thật trong lịch sử - thời của phong trào Duy tân đầu thế kỷ 20, mà cao trào là cuộc nổi dậy “xin xâu” của dân Quảng Nam năm 1908. Những nhân vật chủ chốt của phong trào này cùng xuất hiện bên cạnh những nhân vật hư cấu, với cá tính, hành vi sống động. Một phần lý do tôi “có cảm hứng” đi gặp Phạm Ngọc Cảnh Nam, là tôi cũng quan tâm đến đề tài ông viết. Tôi từng đọc nhiều tư liệu lịch sử về phong trào Duy tân và những nhân vật của nó, những Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Cơ, Phan Khôi..., và thường mơ màng hình dung về họ. Tình hình đất nước thời họ sống ra sao? Họ ăn mặc như thế nào, đi lại như thế nào, suy nghĩ và nói năng ra sao? Những công trình doanh thương, trường học họ lập ra hoạt động thế nào?... Và chính “Thế kỷ bị mất” của Phạm Ngọc Cảnh Nam đã vẽ lên mồn một những điều tôi muốn thấy...

Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết cũng vẽ lên một vùng quê Quảng Nam đặc trưng ven sông Thu Bồn, với nghề tằm tơ nổi tiếng, làm sống lại không khí sinh hoạt đầu thế kỷ 20, với những phong tục, lời ăn tiếng nói, những quan hệ gia đình, làng xã phong phú, đậm đà. Người đọc có thể bước hẳn vào không gian của một thời xưa, nghe người ta đi lại nói năng, nhìn những nếp ăn nếp ở, những việc tằm tang, hay cách người xưa yêu đương lo giận thương ghét...

Đọc “Thế kỷ bị mất”, có thể thấy được từng bãi dâu xanh mướt ven sông Thu, những nàng thôn nữ hái dâu, những khung cửi, những quan hệ mua bán, mánh khóe thương trường... của một giai đoạn nông thôn Quảng Nam và cả phố Hội An nữa...

Người khó tính dễ gần

Tôi đã sa đà thuật lại những gì mình đọc được trong cuốn sách quá hay của Phạm Ngọc Cảnh Nam. Xin trở lại câu chuyện với nhà văn.

Phạm Ngọc Cảnh Nam đã ấp ủ và viết cuốn sách trong hơn 5 năm, không kể cái vốn sống ngồn ngộn của ông nơi vùng quê ông lấy làm bối cảnh của câu chuyện. Ông vốn người Mã Châu, làng lụa một thời nức tiếng ở Duy Xuyên, ven sông Thu Bồn. Trải nghiệm tuổi thơ và những câu chuyện của bà, của mẹ ông đã góp phần tạo nên sức sống của vùng quê trong từng trang viết. Vậy mà ngoài những tài liệu lịch sử, những công trình biên khảo liên quan đến bối cảnh lịch sử, ông còn bỏ công đi điền dã từng địa danh mà nhân vật của ông từng đặt chân đến. Hỏi han người già, nhìn ngắm và hình dung từng nơi chốn vào cái thời trăm năm trước.

Nhà văn phải luôn có cảm hứng lịch sử. Phạm Ngọc Cảnh Nam nói gọn. Những gì tài năng, vốn sống, lao động nghệ thuật... hãy nói đến sau. Và ông diễn giải: cảm hứng lịch sử là ý thức được mình đang đứng ở đâu, có vai trò gì trong dòng chảy của cuộc sống. Nói “lịch sử” là nói tới quan điểm và thái độ của nhà văn, tới trách nhiệm đối với xã hội. Và viết, đối với nhà văn trước hết là hoàn thiện bản thân. Tới đây thì cái lý do thực sự của “mình già rồi” mới được nói rõ: “Hầu hết họ nói tôi làm cao. Không phải. Chính là tôi không cảm thấy hứng thú gì khi có mặt ở chỗ này chỗ nọ, những nơi cậu nói...”. Tôi hiểu. Ông thực sự có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh của nhà văn, thật dứt khoát. Vì vậy mặc dù thỉnh thoảng trong câu chuyện, Phạm Ngọc Cảnh Nam nói “tôi không phải là nhà văn”, thực ra ông đã đặt ra yêu cầu rất cao về cái nghề danh giá mà cũng lắm quyến dụ phù hư này. Tôi hình dung ông ngày ngày ngồi trước trang viết, đối diện với những con chữ và đau đáu nhìn vào lòng mình. Sự mâu thuẫn giữa cái danh xưng nhà văn mà ông e ngại mình không xứng đáng, với cái đòi hỏi quyết liệt về tư cách một kẻ sáng tạo, tôi nghĩ, hẳn đã làm khổ ông không ít. Đối với một nhà văn như thế, mỗi chữ viết ra là tinh, là huyết. Văn của ông có thể hay hoặc dở, tùy vào cảm nhận của người đọc, nhưng có thể nói không nghi ngờ: nó chân thật, nó được bảo chứng bằng nhân cách của một người luôn ý thức về giá trị của văn chương.

Cái ấn tượng khó gần của Phạm Ngọc Cảnh Nam đã bay biến, tôi sửa lại chân dung ông trong cảm nhận của mình: ông là người khó tính dễ gần. Khó tính, bởi ông nghiêm khắc với bản thân và cũng rất đòi hỏi ở người đối diện. Và dễ gần, thì đây, tôi đang ngồi thoải mái với ông mà nói đủ thứ chuyện văn chuyện đời, trong khi ông đã phải bỏ dở công việc để tiếp tôi, một đứa lạ huơ nói chuyện ngang phè tự dưng đến gõ cửa.

Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng làm tôi bật cười khi ông thật thà nói, mỗi khi đọc lại tác phẩm của mình, ông lại chìm đắm trong cảm xúc, “sướng lắm, nhiều khi vợ gọi ăn cơm mà cũng bỏ, cứ phải đọc cho hết đã...”. Ô, hẳn là vậy. Khi ông tin rằng mình đã dành đủ sự nghiêm trang cho công việc này, ông có thể thẳng thắn “tự yêu văn mình” như vậy. Bởi nếu không yêu văn mình, làm sao có thể đưa chúng ra cho thiên hạ đọc? Có điều là nghe một nhà văn thú nhận như vậy, cũng bất ngờ vui vui. “Tôi nói thật, danh lợi ai cũng thích. Nhưng nó nên đến sau khi nhà văn đã làm hết những gì anh cần làm, cho nghề nghiệp của anh...”.

Có lẽ vì vậy mà dù có lúc phủ nhận danh xưng nhà văn, Phạm Ngọc Cảnh Nam vẫn ngày ngày gò mình trước máy tính, xung quanh chồng lớp những cuốn sách về lịch sử triết học và sử thi Ấn Độ. “Tôi đang định viết một cái liên quan đến mấy thứ này, nên phải đọc...”.

Chia tay Phạm Ngọc Cảnh Nam, dù không dám chắc là sẽ tìm đọc hết tác phẩm của ông, nhưng tôi vẫn thấy tiêng tiếc. Rằng hình như ông viết ít quá. Lẽ tự nhiên với người viết kỹ như ông, không thể có chuyện xuất bản ào ạt. Tôi thấy tiếc vì muốn có nhiều hơn những gì ông sẽ để lại trong di sản văn chương nói chung. Đó sẽ là một phần lịch sử của thời ông sống. Lịch sử của xã hội, của văn chương và của một con người.

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Ngọc Cảnh Nam: "Nhà văn phải có cảm hứng lịch sử"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO