Tác phẩm, tác giả

Phạm Ngọc Trâm: Nghệ thuật thêu cũng là hành trình sống

TUỆ LAM 29/12/2024 16:35

Hành trình với nghệ thuật thêu cũng là hành trình sống - “người thế nào thì tranh thế đó”. Đó là cách để họa sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm bền bỉ theo đuổi đam mê của mình.

Chân dung Phạm Ngọc Trâm - em dang xin anh hi-res
Họa sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm.

“Có những mùa mưa dài lê thê, đốt nén hương trầm cho ấm xưởng rồi ngồi thêu cả đêm không chán. Mùa Tết cả Hội An ngập trong sắc hoa thắm, lễ hội tưng bừng cờ quạt, tôi cầm cặp bút đi ký họa trong phố được bao nhiêu phác thảo tranh cho sau này…” - Phạm Ngọc Trâm mở đầu câu chuyện.

Phát triển ngành Textile Art

Phạm Ngọc Trâm đến với thêu tay có lẽ từ khi là cô bé 4,5 tuổi, ngồi chăm chú xem bà ngoại và mẹ thêu thùa. Cho đến khi, cô gái Phạm Ngọc Trâm tự mình mày mò lên phố cổ để tìm mua chỉ thêu.

Những chuyến đi điền dã về miền núi, Trâm được tiếp xúc và học hỏi thêm bà con dân tộc về việc thêu thùa và các chất liệu vải. Năng động, trẻ trung, nhiều nhiệt huyết, làm nhiều nghề, nhưng rồi cô bắt đầu theo đuổi thêu thùa như con đường độc lập đầy thú vị và cả thử thách.

Trong nghệ thuật tạo hình, một bộ phim, một bức tranh hay một tấm vải thêu, linh hồn tác phẩm và vẻ đẹp đều có mạch nguồn từ sự sâu sắc của thế giới nội tâm người tạo ra chúng. Đây cũng chính là điều gửi gắm để người xem cảm nhận sự rung động của nghệ sĩ.

Năm 2023, Phạm Ngọc Trâm theo học ở Ecole Lesage Paris. Câu chuyện của thầy François Lesage và huyền thoại về nhà thêu Maison Lesage trong thế giới Haute Couture Paris đã truyền cảm hứng cho cô về giá trị của sáng tạo cá nhân trong nghề thêu.

Chep mau theu co voi chi mau tu nhien tu nhuom
Chép mẫu thêu cổ với chỉ màu tự nhiên Phạm Ngọc Trâm tự nhuộm.

Khác với ở Việt Nam khi đó, thêu là sản phẩm thủ công từ tập thể làng nghề. Cách tổ chức quy trình làm việc, nhà xưởng và lớp học cũng giúp cô nhìn ra những tiểu tiết quan trọng trong việc thực hành nghề thêu chuyên nghiệp.

Trâm vẫn giữ liên lạc với bạn học đến từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi lần đến thăm nhau là được mở rộng tầm mắt và làm đầy thêm “bản đồ thêu thế giới” trong sở học của mình. Việc “đi một ngày đàng” này đã giúp Trâm quyết tâm theo đuổi nghề đến cách làm việc khoa học, mở rộng hiểu biết về nghề thêu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Textile dịch ra tiếng Việt là vải sợi, hiểu nôm na là nghệ thuật tạo hình từ vật liệu mềm, vải sợi và thêu thùa khâu vá. Lịch sử phát triển của nghệ thuật vải sợi gắn với giới nữ bởi những thao tác có tính nội trợ như khâu vá, dệt, nhuộm…

Đồng thời mang đậm tính bản địa bởi từng thành phần vật liệu, cách chế tác hay thẩm mỹ về hình, về màu… đều có tiếng nói riêng của vùng văn hóa nơi sản sinh ra nó. Textile là một mảng nghệ thuật tạo hình đầy tiềm năng để khai phá, mới mẻ và cho phép nhiều hướng tự do thể nghiệm.

Chia sẻ về di sản thêu Việt Nam với các chuyên gia quốc tế
Chia sẻ về di sản thêu Việt Nam với các chuyên gia quốc tế.

Chính vì những đặc tính như vậy, đôi khi Textile Art gặp thử thách để được hiểu đúng từ phía công chúng nghệ thuật. Những năm 2015 - 2016 Phạm Ngọc Trâm đã tổ chức các workshop giới thiệu ý niệm về Textile Art, cách thực hành đa dạng, những cộng đồng và nghệ sĩ độc lập trên thế giới.

Năm 2023, Trâm là giám tuyển tổ chức triển lãm “Màu thêu nét nhuộm” tại Kyara Hội An, tập hợp 7 nghệ sĩ, nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu… trong lĩnh vực Textile Art của 3 miền. Triển lãm đã giới thiệu con đường thực hành đẹp đẽ của mỗi người, tạo điều kiện cho người xem hỏi đáp và thực hành cùng nghệ sĩ nhằm hiểu sâu hơn vẻ đẹp của Textile Art.

Dần dà, Textile Art đã trở nên quen thuộc và được đón nhận nhiều hơn ở Việt Nam. Cô luôn mong sẽ có thể tổ chức triển lãm thường niên cho lĩnh vực này.

Tinh hoa trên những mẫu thêu cổ

Trâm luôn thích nghiên cứu nghệ thuật cổ. Từ những bức tranh thêu đầu tiên, Trâm cũng tự nhiên mà “vay mượn” vốn cổ cho tạo hình trong tranh: đoàn đua thuyền rồng với những anh trai làng vạm vỡ mượn từ mảng chạm khắc đình làng Việt; họa tiết hoa cúc trên bệ đá thời Trần; dáng ngồi gảy đàn tính rất “tình” của một nghệ sĩ nhã nhạc. Cô cũng “vay mượn” tinh thần dân gian hóm hỉnh, bảng màu vui tươi trong những bức tranh thêu phong cách ngây thơ 10 năm trước.

Nhuộm lụa trong vườn Hội An 3
Nhuộm lụa trong vườn Hội An.

Rồi tới khi tham gia triển lãm Biennale Textile Arts quốc tế với vô vàn ngôn ngữ tạo hình, chất cảm, bảng màu hay chất liệu đa dạng, Trâm càng thích thú khi nhận ra nghệ sĩ các nước tiếp nối di sản thêu thùa, may vá. Họ cũng đem những đặc thù văn hóa dân tộc vào nghệ thuật đương đại.

Từ những hình kỷ hà, họa tiết dây hoa lá thường thấy trên búp bê matryoshka xuất hiện trong tranh ghép vải của những nghệ sĩ Nga; đến chất cảm trong suốt của sa, the Hàn với những đường khâu bojagi vuông vức, màu ngũ sắc truyền thống được đem vào tranh đương đại của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Trâm chia sẻ: “Nghệ sĩ Việt Nam may mắn sinh ra với mạch nguồn di sản dân tộc dồi dào, không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình mà cả thơ ca, văn hóa, lịch sử và thiên nhiên giàu có…

Tranh thêu Hội làng 2019
Tranh thêu Hội làng 2019

Trữ lượng di sản của riêng kỹ - nghệ dệt, may, thêu thùa khiến chúng ta có một nền tảng giàu có. Mỗi cá nhân lại có thể thu nạp và tự tạo nên một “kho vốn cổ” bên trong mình mà không sợ cạn kiệt hay trùng lặp với ai. Có thể lắm chứ, vốn cổ quý giá đó sẽ góp phần vào tiếng nói riêng cho Textile Arts Việt Nam trong tương lai!”.

Đối với Trâm, thêu thùa như một sợi chỉ đỏ kết nối những mặt khác nhau của cuộc sống. Đôi khi là những mặt đối lập, đôi khi là sự thiếu kiên nhẫn và thiếu sót.

Hướng tiếp cận của một nghệ sĩ độc lập vừa khác về cách làm lẫn mục đích. Ở giai đoạn này, Trâm vẫn coi mình là một người “học”. Đối với mẫu thêu cổ, cô dành nhiều thời gian khai thác sâu về khía cạnh di sản theo cả hai hướng nghiên cứu và thực hành.

Ở hướng nghiên cứu, cô đối chiếu và tìm tòi mẫu thêu tương tự tại các bức tranh thêu cổ, tìm ra những điểm đặc trưng phản ánh tư duy mỹ thuật của người xưa: cách nhìn cái đẹp chung quanh, cách đưa mẫu lên vải, cách tạo khối nổi hay đi canh chỉ…

Triển lãm Textile Arts - 2023 Hội An - tranh thêu của Trần Đường
Triển lãm Textile Arts - 2023 Hội An - tranh thêu của Trần Đường.

Thậm chí so sánh với cùng bài thêu tương tự ở mẫu thêu cổ của những nước đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm xem điều gì làm nên vẻ đẹp đặc trưng của thêu Việt Nam.

Ở hướng thực hành, cô đi tìm những chất liệu từ Việt Nam, mua sợi tơ tằm về tự nhuộm với các màu tự nhiên (màu cây) giống như các cụ đã làm ngày xưa, tự tay thêu lại theo tỷ lệ 1:1 các tấm thêu cổ với mong muốn học được những kỹ thuật thêu mà ngày nay đã không còn phổ biến ở làng nghề.

Tay nghề của Trâm chưa thể sánh được với các chị thợ thêu “trăm hay không bằng tay quen”, hay các nghệ nhân tài giỏi. Nhưng đích đến của cô là làm dày dặn vốn cổ của mình, biến vốn cổ thành của mình, cao hơn, đạt được sự “tự do tung cánh” cho những giai đoạn sáng tạo sau này.

Vẽ hoa xuân làm mẫu thêu3
Vẽ hoa xuân làm mẫu thêu.

Một người Hà Nội chọn Hội An làm vùng đất phát triển cho mình, Phạm Ngọc Trâm có gia đình nhỏ và xưởng thêu ven sông Thu Bồn.

“Ở Hội An cuộc sống chứa đựng nhiều vẻ đẹp giản dị và nhất khi chúng tôi sống theo mùa, mỗi tiết trong năm lại có những bất ngờ đẹp đẽ. Ngoài những giờ làm việc trong xưởng thêu thì tôi còn nhuộm sợi tơ tằm, nhuộm vải, trồng cây, nấu ăn, chăm sóc gia đình… trong căn nhà vườn ven sông Thu Bồn. Với tôi việc thực hành nghệ thuật đến tự nhiên như cách mình chắt lọc những điều đẹp đẽ trong cuộc sống để chia sẻ bằng ngôn ngữ của thêu, vậy nên sống trong một môi trường dồi dào như Hội An, mình thật hạnh phúc!” - Trâm nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Ngọc Trâm: Nghệ thuật thêu cũng là hành trình sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO