Phạm Phú Thứ - di sản văn hoá xứ Quảng

NGUYỄN THỊ THANH THẢO 25/10/2021 15:04

(QNO) - Tại Thư viện Quảng Nam, rất nhiều tư liệu quý về dư địa chí, lịch sử, văn hóa, danh nhân -  đặc biệt là các đầu sách về đất và người xứ Quảng vẫn mỗi ngày âm thầm chờ bạn đọc tri âm. “Cùng đọc sách” tuần này giới thiệu “Phạm Phú Thứ toàn tập”, một tác phẩm đậm tinh thần tài hoa bản địa xứ Quảng.  

Ngay sau khi trở thành vị song nguyên đầu tiên của đất Quảng (thủ khoa kỳ thi Hương năm 1842 và thi Hội năm 1843), danh thần Phạm Phú Thứ cùng dân tộc bước vào thời lao đao binh biến khi Pháp bắt đầu tấn công Đà Nẵng.

Phạm Phú Thứ toàn tập. Ảnh: T.T
Phạm Phú Thứ toàn tập. Ảnh: T.T.

Trong một tính cách “rất Quảng”, thuần phương Đông nhưng nhạy bén với tư duy thương mại, công nghệ khi có cơ hội tận mục sở thị văn minh phương Tây - Phạm Phú Thứ, người con đất Điện Bàn, cùng với ghi chép đời mình đã biên niên sử lại một thời kỳ của dân tộc bằng tâm hồn tài hoa và lãng mạn của một chí sĩ yêu nước. Những năm tháng chốn quan trường nhiều biến cố và cơ hội, thăng trầm sinh tử đã khiến cho tác phẩm của ông đa sắc, đa chiều, lấp lánh hiện thực và đầy những cung bậc cảm xúc.

Phạm Phú Thứ (1820 - 1883) tên thật là Phạm Hào, tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, Trúc Ân. 

 
Chân dung Phạm Phú Thứ. 
Phạm Phú Thứ người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn).

Năm 2014, sau hơn 100 năm ngày mất cụ Trúc Đường tiên sinh, NXB Đà Nẵng giới thiệu trọn vẹn, đầy đủ “Giá Viên toàn tập” của ông. Bộ sách đồ sộ hơn 2.000 trang không chỉ là tâm huyết của các nhà sưu tầm, dịch thuật, hiệu đính mà còn là niềm tri ân của dòng họ gia tộc Phạm Phú, sự tận tâm của các nhà khoa học, sự hỗ trợ từ viện nghiên cứu, thư viện và rất nhiều cộng sự khác để bạn đọc có được một cuốn sách hoàn chỉnh.  

Giá Viên toàn tập” gồm “Giá Viên biệt lục” (Nhật ký đi Tây) vốn khá quen thuộc với bạn đọc và “Giá viên toàn tập” (27 quyển thơ văn) gần như rất mới với độc giả. Tính chất đồ sộ của tác phẩm không nằm ở dung lượng của bản khắc in mà còn là sự đa dạng của thể loại (thơ, chương tấu, phú, biểu, luận, bi minh, hành thuật, ký tự, duyệt, bình, sách vấn, di văn…) khiến người đọc dễ rợn ngợp trước một khối lượng am tường khổng lồ trong ứng dụng thi pháp trung đại của người viết.

Để hấp dẫn người đọc đương đại một toàn tập thơ văn hiếm thấy, còn riêng tôi chưa bao giờ thấy, việc giới thiệu cho một cuốn sách kéo dài hơn một trăm trang của hai tác giả đồng thời là hậu duệ của dòng tộc Phạm Phú: Phạm Phú Viết, Phạm Ngô Minh được chăm chút hơn cả một công trình khoa học.

Hướng dẫn bạn đọc tiếp cận “Giá Viên toàn tập” theo tính chất thứ tự trước sau, sự sắp xếp có chủ đích của các nhà khoa học, hai tác giả đã thể hiện tài hoa biệt đãi của hậu duệ Phạm Phú Thứ. Lời văn tao nhã, tình cảm chân thật mà sang trọng, ý tứ sâu xa khơi dẫn bao nhiêu lớp trầm tích bí ẩn của những thi pháp trung đại vốn thách thức với lối tư duy của bạn đọc hiện đại.  

Phạm Phú Thư khi phê duyệt “Ngự chế thi văn” (bình thơ của vua) đã khó vì “con người có mấy cái đầu, văn Thiên tử mà dám chê sao?”, người đọc đọc bản “phê bình văn học” của cụ Trúc Đường hẳn không tránh khỏi chuẩn bị tâm lý tán tụng miễn cưỡng. Nhưng lớp màn bí mật đó bị kích ứng bởi lời dẫn: “Có trở ngại trong ý tế vi”. Ngại quả thật là một chữ linh động, nó chỉ như một gợi ý để xem lại và chỉnh sửa. Nhưng sự mềm mỏng này bỗng nhiên có một ngoại lệ làm ta phải sững sờ. Để được vua đích thân tin tưởng giao cho việc khen, chê, bình, họa thi phú của mình, đảm bảo độ tinh tế để cho ra mộc bản, độ tài hoa để ra thảo bản; cụ Trúc Đường ắt phải là tâm giao không khác gì bằng hữu của vua Tự Đức.

 

“Phạm Phú Thứ toàn tập” vừa là di sản văn hóa Quảng Nam, vừa là tài sản tinh thần của dân tộc Việt. Trong những bước thăng trầm hoạn lộ, Phạm Phú Thứ tròn vai của một quan phủ đất Thừa Thiên, có nhiều quyết sách tân thời, dám chấp nhận lỗi lầm trong cải cách nhưng không quên sống một cuộc đời nhàn du thơ mộng của một thi nhân.

Trúc Đường tha nhật đông nham bạng/Ức họa Xương Giang dạ phiếm đồ (Ngày ấy Trúc Đường đã đến bờ đá phía đông này/Muốn vẽ một bức tranh chèo thuyền đêm ở trên sông Xương Giang). Làm quan như ông mà ngày hè sống trong nhà nhỏ, đùa với hoa sen, dọn cây đón gió, tát nha đãi nguyệt thời chiêu khách (tan giờ làm ở nha môn, chờ trăng lên thì gọi khách đến) thì nhàn là một chữ ít ai ngờ.

Đọc “Phạm Phú Thứ toàn tập”, tôi tin sáng tác văn chương không phải là sự tìm đến mà ngược lại, văn chương vốn vận vào người ông qua độ choáng ngợp về số lượng và thể loại. Vua Tự Đức tiếc thương một “viên chức văn học, biện luận đứng đầu sĩ phu Quảng Nam” ắt hoàn toàn không chỉ là phun châu nhả ngọc trong đối đãi hiền tài mà tự trong lời ấy, ý ấy người đọc sẽ có một hình dung rất rõ cả nhân cách lẫn văn tài của một người rất Quảng.

--------------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Phú Thứ - di sản văn hoá xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO