Phạm Phú Thứ nhà trí thức hàng đầu

LÊ THÍ 03/06/2017 09:03

Theo nghĩa thông thường trí thức phải là người hội đủ hai điều kiện: có học vấn (bằng cấp và kiến thức) và dám dấn thân, đấu tranh, hành động cho lẽ phải vì sự tiến bộ của cộng đồng. Hiểu như vậy Phạm Phú Thứ chính là một trong những trí thức hàng đầu không chỉ của đất Quảng mà còn đối với đất nước trong thế kỷ 19.

Ông tự là Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, sinh năm 1821 tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Năm 1842, ông đỗ đầu kỳ thi Hương, năm sau đỗ Hội nguyên; vào thi Đình đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông từng trải qua các chức vụ Tri phủ Lạng Giang, Tư Nghĩa; Án sát Thanh Hóa, Hà Nội; Tham tri Bộ Lại, Bộ Binh; Thượng thư Bộ Hộ; Phó sứ trong sứ bộ sang Pháp để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ; Tổng đốc Hải Yên kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần.

Chân dung Phạm Phú Thứ.
Chân dung Phạm Phú Thứ.

Học rộng, tài cao

Gần 100 năm khoa cử dưới thời nhà Nguyễn (1822-1919), Quảng Nam có 39 đại khoa (15 tiến sĩ, 24 phó bảng), được xếp thứ 6 trong số 23 tỉnh thời bấy giờ. Có thể xem Phạm Phú Thứ là người nổi trội nhất về mặt khoa cử của  “đất học Quảng Nam”. Không đỗ Hoàng giáp như Phạm Như Xương nhưng lại là một trong 2 “song nguyên” (đỗ đầu cả hai khoa thi - người kia là Huỳnh Thúc Kháng) và là tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Quảng Nam, khi mới 23 tuổi (người kế tiếp là Huỳnh Thúc Kháng đỗ năm 28 tuổi).

Phạm Phú Thứ còn là người có kiến thức uyên bác cả về lý thuyết lẫn thực hành. Suốt đời ông đã đem sở học của mình để làm việc với mong muốn đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Ông là vị quan tài năng, mẫn cán, nhà cải cách tiên phong (cùng Nguyễn Lộ Trạch và Nguyễn Trường Tộ); nhà văn hóa lớn, là tác giả, đồng tác giả, dịch giả, nhà xuất bản… của nhiều công trình quan trọng về đủ mọi thể loại từ thơ văn cho đến kỹ thuật, hành chánh, ngoại giao khoa học, quân sự... để phục vụ đời sống và công cuộc canh tân đất nước;  nhà khẩn hoang...

Ông cũng là nhà ngoại giao chiến lược. Năm 1864, ông làm Phó sứ trong sứ bộ sang Pháp để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Ông đã biến cuộc ngoại giao mang tính chiến thuật (chỉ chuộc lại 3 tỉnh), thành cuộc ngoại giao mang tính chiến lược (tìm hiểu về kẻ thù để có kế sách đối phó phù hợp)...

Tài thao lược

Tấc lòng với quê hương
Phạm Phú Thứ luôn nặng lòng với quê hương Quảng Nam.  Khi làm quan ở triều, một lần về thăm quê, Phạm Phú Thứ đã tranh thủ nghiên cứu tình hình. Khi trở lại kinh ông dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, tăng cường xây dựng hệ thống công sự phòng thủ Đà Nẵng. Vua Tự Đức chấp thuận và ra lệnh cho quan sở tại thực hiện. Những công trình này đã góp phần cải thiện đời sống người dân và phát huy tác dụng trong công cuộc phòng thủ Đà Nẵng sau này.
Năm 1858, khi nghe tin liên quân Pháp - Y-pha-nho tấn công vào Đà Nẵng. Ông đã vận động các thân sĩ, quan lại là người Quảng đang làm việc tại Huế thành lập đội Nghĩa dũng rồi dâng sớ xin về quê chống giặc khiến vua Tự Đức rất cảm kích. Năm 1878, khi đang làm Tổng đốc Hải Yên, nghe tin quê nhà Quảng Nam đang bị nạn đói nghiêm trọng, ông đã khuyến khích các thuyền buôn người Hoa chở gạo vào để bán và bản thân ông cũng xuất tiền túi mua một ngàn vuông gạo gửi về Quảng Nam phát chẩn cho dân.

Với chân tài thực học, Phạm Phú Thứ đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng,  tiến cử nhiều kẻ sĩ đủ tài đức gánh vác trọng trách của triều đình. Chuyện kể, khoảng đầu năm 1862, ông đã tiến cử tú tài Lâm Hữu Chánh (người làng Cẩm Toại, huyện Hòa Vang) lên vua Tự Đức với lời lẽ tốt đẹp. Nghe lời ông, nhà vua liền bổ Lâm Hữu Chánh làm Tri huyện Kim Thành (Hải Dương), một huyện “yết hầu” cho thành Hà Nội. Năm 1864, tình hình học tập ở Quốc tử giám có chiều giảm sút. Vua Tự Đức lấy làm lo lắng. Nhân dịp này ông liền tiến cử phó bảng Nguyễn Dục người làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là xã Tam An - Phú Ninh). Vua Tự Đức bổ Nguyễn Dục làm Tế tửu Quốc tử giám kiêm Giáo đạo Dục Đức Đường để dạy các hoàng tử.

Năm 1874, tuy quân Pháp đã rút khỏi đất Bắc, nhưng tình hình vẫn chưa yên do tàn dư của giặc Ngô Côn, Tạ Văn Phụng; sự xung đột lương - giáo ở vùng Bắc Ninh, Quảng Yên; tình hình tranh thương giữa ta với hai thế lực Pháp – Trung. Triều đình bối rối không biết chọn người nào giỏi cả về nội trị lẫn ngoại giao để có thể ra nơi “đầu sóng ngọn gió” này. Suy đi tính lại, vua Tự Đức thấy không ai hơn Phạm Phú Thứ, lúc này đang là Thượng thư Bộ Hộ. Thế là ông ra Bắc lãnh chức Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh Đại thần. Vua Tự Đức giao nhiệm vụ cho ông kèm một bài thơ, trong đó có hai câu vừa thể hiện sự đánh giá tài năng vừa là sự gửi gắm của nhà vua: “Tuyền dũng chiêu thương nhiêu quốc phú/Băng tan quần đạo tĩnh quân nhu” (Tạm dịch: Làm sao cho việc buôn bán dồi dào như nước trong suối chảy ra để nước nhà giàu có/ Làm cho giặc tan như băng để nhà nước đỡ tổn hao binh phí).

Trong bữa tiệc tiễn chân có cả vua Tự Đức dự, ông đã tâu: “Hải An là vùng quan yếu không dành cho những người yếu hèn. Gần đây các tướng ở đất Bắc duy có Tôn Thất Thuyết và Ông Ích Khiêm là tương đối trội hơn… Hiện nay Ông Ích Khiêm đã khỏi bệnh. Xin cho ra Bắc cùng hạ thần…”. Nhà vua chuẩn y ngay và “giao Ông Ích Khiêm để khanh giáo hóa thêm”. Thế là Ông Ích Khiêm cùng Phạm Phú Thứ ra Bắc.

Chính nhờ tài thao lược của Ông Ích Khiêm mà giặc Ngô Côn bị tiêu diệt, dư đảng Tạ Văn Phụng cũng bị đánh tan. Đám thổ phỉ và giặc tàu ô ở vùng biển Quảng Yên cũng không dám quấy phá. Phạm Phú Thứ rảnh tay tập trung vào việc nội chính. Ông mở kho phát chẩn cho dân vùng Văn Giang bị đói do vỡ đê, khai thông sông Bình Giang, mở trường dạy tiếng Pháp ở Ninh Hải, mở Hải học đường để in sách phổ biến kiến thức mới, đẩy mạnh ngoại thương, biến một làng chài thành cảng Hải Phòng sầm uất. Cả một vùng rộng lớn ở đông bắc của Bắc bộ được hai ông quan người Quảng, một văn một võ, biến thành một khu vực ổn định và phát triển. Cảm khái trước việc này tri huyện Cẩm Giàng Nguyễn Tường Tiếp tặng Phạm Phú Thứ câu đối: “Huệ chính kỳ huân, Lục Đầu giang, đông hạ thiên vạn lý/Hùng văn lại bút, Ngũ Hành sơn, nam trung đệ nhất phong” (Tạm dịch: Trị chính tiếng thơm vang phúc một vùng đông sông Lục Đầu/Bút quan hùng tráng miền Nam, chính giữa núi Ngũ Hành, một đỉnh cao).

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Phú Thứ nhà trí thức hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO