Ở miền Nam trước năm 1975, những ai học đến bậc tú tài đều đã từng đọc, học và nghiền ngẫm Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ – một trong những bộ sách giáo khoa tương đối hoàn chỉnh xuất bản ở các đô thị miền Nam, cho đến nay vẫn còn giá trị học thuật, nhất là trong thời điểm mà ngành giáo dục nước ta đang cố gắng đổi mới, trong đó có việc thay đổi sách giáo khoa.
Nhà văn Phạm Thế Ngũ. |
Phạm Thế Ngũ (1921-2000), người làng Ngọc Chi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ học chữ Hán với cha, năm lên mười, khai sụt bốn tuổi vào học trường Pháp - Việt ở quê, sau đó lên Hà Nội học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Sau khi đỗ tú tài (1944), ông thi đỗ vào Đại học Khoa học, nhưng do chiến tranh, việc học bị gián đoạn. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946, ông cùng gia đình tản cư về quê, làm giáo viên các trường Bắc Sơn (Hải Dương), Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên), rồi trở về Hà Nội học Đại học Văn khoa. Năm 1953, tốt nghiệp cử nhân. Sau 1954, vào Nam sinh sống, dạy học tại các trường trung học Võ Tánh (Nha Trang), Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Pétrus Ký (Sài Gòn) cho đến lúc nghỉ hưu (1983).
Nhiều công trình giá trị
Cuộc đời của Phạm Thế Ngũ như một con lắc chuyển động đều trên hai điểm là dạy học và viết sách, xoay quanh cái trục là tri thức uyên nguyên, mà phần lớn là nhờ vào nỗ lực tự học, về các lĩnh vực văn học, triết học, giáo dục chuyên khoa cho bậc phổ thông. Ông còn thành lập nhà xuất bản Thế Ngũ, xây dựng Quốc học tùng thư để tự xuất bản sách của mình và của những đồng nghiệp, thân hữu. Tác phẩm về văn học của ông không nhiều, nhưng đều là những tác phẩm văn học sử và giảng văn nổi bật như Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, Quốc học tùng thư, 1961-1965), Văn thể lược giảng (Quốc học tùng thư, 1965, bài giảng về tất cả các văn thể trong chương trình trung học và các kỳ thi tú tài), Bình luận văn chương (Quốc học tùng thư, 1970, luận đề khái quát về văn học sử và các tác giả, tác phẩm), Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (Nxb Văn hóa thông tin, 2000). Trong đó, công trình đồ sộ và có giá trị hơn cả là Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, gồm 3 tập, 47 chương, 1.530 trang, đã liên tục được tái bản nhiều lần vào các năm 1968, 1972, 1974 và sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Nhà xuất bản Đồng Tháp tiếp tục tái bản năm 1996.
Khoa học về lịch sử văn học ở nước ta hình thành tương đối chậm. Trong những công trình mở đầu như Nữ lưu văn học sử (Lê Dư, 1928), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm, 1941), Đại Việt văn học lịch sử (Nguyễn Sĩ Đạo, 1941), Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi, 1942), Việt Nam văn học đời Lý và Việt Nam văn học đời Trần (Ngô Tất Tố, 1942)… ta dễ dàng nhận ra tính chất phiến diện của những tác phẩm này là chỉ biên soạn một phần lịch sử văn học, chỉ dừng lại phác thảo chân dung tác giả nữ, hoặc ở các giai đoạn văn học cổ, văn học Lý – Trần, hoặc chỉ khảo sát đến thời kỳ ra đời của văn chương quốc ngữ. Dù vậy, từ đó, cánh buồm đỏ thắm của lịch sử văn học có sức vẫy gọi nhiều nhà nghiên cứu trên cả hai miền Nam Bắc không ngừng tiếp tục khai phá và đã có nhiều thành công đáng kể như Việt Nam văn học sử trích yếu (Nghiêm Toản, 1949), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Nhóm Lê Quý Đôn, 1957), Văn học Việt Nam (Phạm Văn Diêu, 1960), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi, 1961) và đến công trình Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ đã thực hiện trong vòng 5 năm (1961-1965) chỉ mới là công trình thứ 11 về lịch sử văn học ở nước ta. Ngày nay, đã có vài chục công trình nghiên cứu về lịch sử văn học tiếp tục ra đời, với những tên tuổi lừng danh như Thanh Lãng, Trần Đình Hượu, Nguyễn Lộc, Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Bùi Duy Tân, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên… nhưng những gì mà Phạm Thế Ngũ đã làm được trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị học thuật.
Một cái nhìn toàn diện
Một quan niệm nghệ thuật luôn kèm theo một phương pháp nghiên cứu nghệ thuật tương ứng. Phạm Thế Ngũ quan niệm một cách chân thành và khiêm tốn khi giải thích cách làm của mình rằng: “Văn học sử nước nhà, trong mười năm nay, đã được nhiều vị để công biên soạn. Gần đây, có những bộ sách rất có giá trị, như bộ Việt Nam văn học toàn thư của ông Hoàng Trọng Miên, bộ Văn học Việt Nam của ông Phạm Văn Diêu đều là những công trình, tuy chưa hoàn tất song xem ra, chuẩn bị lâu năm, quy mô vĩ đại, tài liệu nhiều, biên chép tinh tế, có thể là sách tham khảo quý giá cho ngay bậc học giả”. Đối với văn học sử, các nhà nghiên cứu trên thế giới thường lấy các khuynh hướng tư tưởng, các sự kiện văn học, các thể loại văn học hoặc các văn tự biểu đạt để làm tiêu chí phân chia. Phạm Thế Ngũ là người kết hợp cả hai yếu tố làm cơ sở cho sự phân kỳ văn học, đó là khuynh hướng tư tưởng và vỏ ngữ âm vật chất của văn tự, tạo một cái nhìn toàn diện, đầy đủ và tương đối có hệ thống, là sự minh định về tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên chia làm ba tập.
Tập 1, Văn học truyền khẩu, văn học lịch triều Hán văn, ông chỉ dành 50 trang cho ba thể loại văn học truyền khẩu chủ yếu là truyện cổ tích, tục ngữ và ca dao và xác định đúng bản chất của văn chương dân gian đó là đặc tính bình dân và phương thức truyền khẩu. Khi phân tích văn học Hán văn, ông đặt trong bối cảnh của nền văn chương cử tử, học để thi và đỗ đạt để ra làm quan với các kẻ sĩ lừng danh như Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Phan Huy Chú… và đã dành đến 200 trang cho gần mười thế kỷ văn chương chữ Hán với các thể văn như thơ, truyện ký, sử ký. Tập 2, Văn học lịch triều Việt văn, ông phân tích quá trình sử dụng chữ Hán để ký âm tiếng Việt và sự hình thành của Việt văn qua các thời từ sơ khởi Trần – Lê, phát triển từ Mạc đến Tây Sơn và hưng thịnh thời Nguyễn, với các tác giả tài danh đã tự họa chân dung mình sừng sững trong lịch sử văn học nước nhà như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Đình Chiểu… Tập 3, Văn học hiện đại (1862-1945), sau khi phân tích mặc dù thơ văn Hán - Nôm của các chí sĩ yêu nước vẫn còn gây sự chú ý của công chúng nhưng nền văn học truyền thống ấy mau chóng suy tàn bởi sự ra đời của chữ Quốc ngữ, kèm với đó là sự ra đời và phát triển của báo chí. những tác giả mở đầu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, đến những ngọn cờ như Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí, Hoàng Ngọc Phách và Tố Tâm, rồi một đội ngũ đông đảo dựng nên văn đoàn Tự Lực và “một cuộc cách mạng” trong thơ được mệnh danh là “phong trào thơ mới”…
Sau hơn nửa thế kỷ, với sự phát triển của tư duy văn học sử và quá trình hội nhập với thế giới, nhìn lại những gì mà Phạm Thế Ngũ đã luận giải trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên không phải là không có những hạn chế (ví như văn học truyền khẩu chỉ có ba thể loại, ví như vai trò của các tiểu thuyết Song Tinh Bất Dạ, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Truyện Thầy Lazaro Phiền, ví như chỉ dừng lại ở thời điểm 1945…), nhưng đó là những hạn chế mang tính lịch sử. Những gì ông làm được là thật sự lớn lao, vượt qua cái nóc của thời đại mình, tạo nên một “tập đại thành” cho tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Tuy ông khiêm tốn nói rằng, chỉ là sự “giản ước” nhưng thật ra rất đầy đủ, chỉ là việc “tân biên” nhưng đã đi theo một lối khác, không hề lặp lại với người đi trước và để lại cơ sở cho người sau kế thừa. Hầu hết những luận cứ, luận điểm ông đề ra và trình bày một cách minh bạch, cho đến nay vẫn còn chuẩn xác. Công trình của ông, vì vậy vẫn còn sức vẫy gọi nhiều thế hệ người đọc, những ai quan tâm đến lịch sử văn học nước nhà. Những gì ông chưa làm được, đang trĩu nặng trên vai những thế hệ sau, cần có nhiều người tiếp tục “tân biên”.
PHẠM PHÚ PHONG