Phạm Văn Hạng: Cái đau làm chín cái vui

SONG ANH 31/05/2015 13:48

Ông cứ chối đây đẩy rằng ông không phải một nghệ sĩ. “Tôi chỉ là kẻ làm thuê. Kẻ làm thuê chân chính, tận lực” - Phạm Văn Hạng nói. Bản ngã nghệ sĩ là thứ ông Hạng coi không dành cho mình. Nghĩ vậy, nên ông cứ như đau riết róng suốt cuộc đời. Cái đau làm chín cái vui.

1. Phạm Văn Hạng rong ruổi mọi miền đất nước. Một lãng nhân không chịu ngồi yên, không chịu được những bó buộc trong nghệ thuật. Sự chật hẹp của những định kiến xã hội, những đơn đặt hàng, khiến cả ông, lẫn tôi, từng nghĩ rằng, trước khi là một nghệ sĩ, anh là kẻ làm thuê cho xã hội. Ông Hạng chua chát nói: “Số phận của những nhà điêu khắc phải sống chung với quyền lực và giàu có. Đây là nỗi đau của tôi, của họ”. Thế nên Phạm Văn Hạng từ chối nỗi đau bằng cách gói mình trong những chiếc áo rộng thùng thình do tự tay ông thiết kế, may mặc. Mặt khác, ông tìm kiếm tự do trong vô thủy vô chung bằng sự thiên di. Với điêu khắc, người ta chuộng cái tư tưởng ông phô diễn trong ấy, là tôn vinh hòa bình, khao khát tự do. Anh chàng điêu khắc trẻ tuổi của xứ Quảng, Nguyễn Văn Huy, nói với tôi rằng, Phạm Văn Hạng nói mãi không hết chuyện. “Nhưng ông Hạng khơi gợi trong hành trình điêu khắc Việt Nam bằng mạch nguồn thiên di trong hòa bình. Đó là điều quý nhất chúng tôi học hỏi ở ông” - Huy nói.
“Có những nghệ sĩ suốt đời chỉ biết khốn khó đói khát, chỉ biết lưu đày không một phút dừng chân, để họ tìm gặp cái cao đẹp cho con đường nghệ thuật đa mang với nguồn cảm hứng dạt dào. Họ đã nhận và hãnh diện trong cái khốn khó đó, để được thông phần với người nghệ sĩ bất tử trước khi vào mộng…” - Phạm Văn Hạng mở đầu câu chuyện về bản ngã nghệ sĩ, ngay khi người ta bàn rất nhiều về tính nghệ thuật trong các tác phẩm điêu khắc dành cho công chúng độ gần đây. Ông nói, nghệ thuật cũng như ngọc vậy, cần phải tinh. “Nó là của trời cho đấy. Trời không cho thì phải chết, có cố mấy cũng không được. Trời cho mới cảm được cái đẹp, diễn được cái đẹp bằng những phương tiện khác nhau, nhưng phải độc đáo. Và nghệ thuật không phải cần thứ gì cũng to lớn. Nó cần tinh tế” -  Phạm Văn Hạng chia sẻ. Ông nói vậy thôi, không diễn giải, không nhận xét về những tác phẩm của đồng nghiệp. Công luận nhiều thập niên đã chứng nhận Phạm Văn Hạng là bậc thầy của điêu khắc. Còn ông thì cứ khiêm tốn cho mình là kẻ làm thuê chân chính, bởi “cái độc sáng không thể dành cho tập thể, không có sáng tạo tập thể. Sáng tạo mà cần phải có hội đồng nghệ thuật thì anh không còn là nghệ sĩ nữa”. Cứ vơ vào mình là kẻ làm thuê, để ông mải miết đi tìm bản ngã nghệ sĩ trong những mảng miếng khác.

Tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê, đặt tại TP. Đà Nẵng.
Tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê, đặt tại TP. Đà Nẵng.

2. Người ta tin và đã ngộ ra ông có đủ bản lĩnh, phong thái của người nghệ sĩ đích danh. Những tác phẩm đặc thù của ông, từ “Suy tưởng” đến “Chạy loạn”, từ “Tình mẹ” đến “Xiềng xích”… tác phẩm nào cũng như đang vươn lên để thách thức với cuộc đời gió bụi, tìm về một hướng giải thoát khác. Khiêm tốn nhưng chất chứa sự kiêu bạch, Phạm Văn Hạng sống và hoạt động nghệ thuật ở các hoàn cảnh trái ngược nhau.  Năm 1970, cái tên Phạm Văn Hạng đã làm chấn động giới mỹ thuật Sài Gòn khi ông ôm một “bức tranh” từ vùng bom đạn Quảng Trị vào tham gia một cuộc triển lãm hội họa. Trong bức tranh S.O.S Việt Nam của ông (sau này Trịnh Công Sơn đổi thành Chứng tích) là một mảnh ván dài trên đó có đính những “hiện vật”: vỏ đạn, mảnh bom, những vòng rào kẽm gai, xương sọ và những đoạn ruột người đầy máu me (đã ngâm phoọc-môn)... Năm 2010, ông tham gia một triển lãm tại Nhà văn hóa Việt ở Đức. Ông mang đến nước bạn hình ảnh một Việt Nam 40 năm sau cuộc chiến và sự rung động của nghệ sĩ Việt qua chân dung các danh nhân thế giới: H. Hesse, F. Nietzsche, A. Einstein… Những cử chỉ chạm vào cái ước mơ hòa bình muôn thuở của nhân loại, được Phạm Văn Hạng bày ra cho bạn bè quốc tế nghe xem. Ở triển lãm này, người ta lại nhắc tới một “chứng tích” của chàng trai 23 tuổi khi ấy. Phạm Văn Hạng nói: “Chứng tích là tiếng kêu bi thiết của tâm thức đã gắn chặt suốt đời tôi. Sau những biến cố và dư luận, tác phẩm cũng được trở về với tác giả nhưng do tình trạng bảo quản khó khăn trước thời gian nghiệt ngã tôi đã tự khâm liệm và chôn cất Chứng tích một cách trang trọng, như đối với một người thân yêu trong gia đình mình”.

Chân dung Phạm Văn Hạng (ảnh nhân vật cung cấp).
Chân dung Phạm Văn Hạng (ảnh nhân vật cung cấp).

Những năm sau ngày giải phóng, Phạm Văn Hạng có hơn 10 năm im ắng cùng những tác phẩm của mình. Để ngày trở về quê hương sau đó, ông làm mọi người kính nể vì bức tượng đài “Mẹ dũng sĩ” đặt tại TP.Đà Nẵng. Cũng từ đó, lối suy nghĩ “chúng ta là những người học trò nhỏ trong lịch sử”, khiến ông lúc nào cũng như đang học hỏi, đang cố gắng. “Cố gắng là một người lao động chân chính, cố gắng là một nghệ sĩ”, ông tỏ bày. Sau này, ngay trong những bức tượng chân dung, với các vườn tượng dựng ở Đà Lạt, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, những dung nhan bạn bè ông ghi chép lại bằng cả tấm lòng, đủ để người xem thu mình ngưỡng vọng. Những sâu lắng của cảm nhận, bản thể, thôi thúc ông làm nên những vườn tượng danh nhân. Là những gương mặt nghệ sĩ Việt Nam mà họ Phạm ngưỡng vọng như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Hoàng Giác… Là những bạn bè làm nên xúc cảm trong mỗi tác phẩm điêu khắc, kể cả thơ, cả họa của Phạm Văn Hạng, như Trịnh Công Sơn, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư… Hay những đau đáu về các nhân vật lịch sử, về vốn văn hóa truyền thống… cũng khiến ông không yên với tuổi già của mình. “Nghệ thuật đến với tôi là một định mệnh. Định mệnh đó đã buộc cả đời phải nghĩ suy trong lao lực. Có khi sắp ngã gục nhưng rồi cố sức vượt qua…”, ông nói. Nên dù có từ khước bao nhiêu danh xưng, bao nhiêu tôn vinh của người đời dành cho “kẻ làm thuê”, thì con người nghệ sĩ của Phạm Văn Hạng vẫn bộc phát ra trong mỗi tác phẩm, mỗi ứng xử của ông.

Nhà danh họa Van Gogh nói: “Hình như tôi mãi mãi là một khách lữ hành đi đó đây tìm về một định hướng”. Chừng như Phạm Văn Hạng đã chọn nguyên vẹn sự trải nghiệm, sáng tạo của mình trên những bước đường phiêu lưu. Dăm bữa, ông ở Đà Lạt. Nhớ quê, ông về Đà Nẵng, khề khà với bằng hữu chung rượu. Nhớ bạn bè văn nghệ, ông ngược vào Sài Gòn. Nhớ đất trời mênh mông, ông lên Tây Bắc… Ông đi đến đâu, người ta đặt ông làm tượng ở đó. Ông làm hết mình, tận tâm, tận lực, với những tác phẩm đạt đến độ chuẩn mực, không lẫn với bất kỳ ai.

3.Nghĩ thì vậy, nhưng Phạm Văn Hạng cứ khẳng định một hai với người viết, “nếu là một nghệ sĩ thực thụ thì tôi chỉ chọn thơ. Thơ không có ràng buộc. Thơ vươn tới cái tự do bất tận của người nghệ sĩ”. Để ý, sẽ thấy ông Hạng đi đâu cũng mang theo một tập vở học sinh, cứ rảnh giờ nào lại hí hoáy ghi. Ông nói, không thể để cảm xúc của mình rơi tuột, nên “tập tễnh” làm thơ. Dù ông “tập tễnh” đã từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Tháng 9.2007, Phạm Văn Hạng cho ra đời một tập thơ bằng đồng nặng đến 220 kg. Tập thơ “Ba mươi năm tập tễnh làm thơ” gồm 29 bài, được gò nổi với 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hoa. Thơ ngắn và đầy hàm ý. Chỉ độc bản. Những câu thơ kiểu như “Những tấm gương/ luôn vỡ/ Sự/phản chiếu/ không/ mòn”, hay như “Những con rối/ được sống/ Nhờ bàn tay/ nghĩ suy/ Những con rối chỉ huy/ Chỉ còn đầy/nước mắt”, là những ẩn tình sâu xa ông muốn gửi vào gió bụi cuộc đời.

Bây giờ, giữa những chiều không gian, thời gian vô thường, Phạm Văn Hạng vẫn thong dong sáng tạo. Những ý tưởng dở dang, những công trình dở dang, không thực hiện được bằng cách này, con người dị thường như ông lại tìm cách khác. Cái gene tài hoa khác người, vận cả vào Phạm Trần Việt Nam, người con trai của ông. Bây giờ, Nam đang ở Mỹ, với một triển lãm khá đình đám cũng đau đáu câu chuyện chiến tranh, hòa bình. Còn Phạm Văn Hạng, cứ như xưa nay, “tưng tửng”… đi cho hết cõi người. Tạc tượng cho muôn vạn mặt người, liệu có ai dành một nụ cười bằng đồng cho Phạm Văn Hạng trong hàng triệu thế nhân?

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phạm Văn Hạng: Cái đau làm chín cái vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO