(QNO) - Ngày 23.11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội về dự thảo đề án "Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025".
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: L.Q |
Đề án được UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL soạn thảo, lấy ý kiến góp ý từ các ngành để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua vào kỳ họp tới. Hội nghị phản biện có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng như đại diện các địa phương miền núi, các sở ngành liên quan.
Trước thực trạng mai một của nhiều loại hình văn hóa truyền thống ở miền núi cũng như sự tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa miền núi đang đứng trước rất nhiều thách thức. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức cộng đồng và gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, đề án "Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025" được xây dựng với nhiều nội dung.
Hỗ trợ thực hành di sản để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: L.Q |
Theo đó, các nội dung nằm trong mục tiêu hỗ trợ, bảo tồn sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2019 - 2020, giai đoạn 2 từ 2021 - 2025 với việc hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc, hỗ trợ cồng/trống - chiêng, hỗ trợ truyền dạy kỹ năng thực hành các di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ, đội nhóm nghệ thuật truyền thống đến việc đưa di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú của tỉnh và các huyện... Tổng kinh phí dự kiến hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách và chi cân đối từ nguồn ngân sách địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về đối tượng và phạm vi đề án, tên gọi cũng như các giải pháp thực hiện nhằm đưa việc thực hành di sản đến đời sống cộng đồng một cách có ý nghĩa. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp xem xét và chỉnh sửa để hoàn thiện đề án.
XUÂN HIỀN