Giám sát và phản biện xã hội luôn cần thiết trong quá trình xây dựng và phát triển. Vậy báo chí nằm ở đâu trong hoạt động sôi động này? Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Ca - Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Ông Võ Xuân Ca trao đổi cùng cử tri. Ảnh: VINH ANH |
PV:Thưa ông, có sự tương tác nào giữa phản biện xã hội theo chức năng của Mặt trận và phản biện trên báo chí?
Ông Võ Xuân Ca: Tôi lấy cách phản biện của MTTQ tỉnh để tạm gọi là minh họa cho sự tương tác. Đối với Đề án “Chính sách giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020” vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX. Khi nhận được bản dự thảo đề án (do Sở LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo), Mặt trận tỉnh đã đọc kỹ, lên kế hoạch khảo sát điều tra hộ nghèo, ví như bộ tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều chưa sát hợp (nội dung này đã kiến nghị trung ương điều chỉnh), hay cần bố trí nguồn lực để người nghèo thoát nghèo bền vững như thế nào… Các thành viên hội đồng tư vấn của Mặt trận tham gia rất tích cực với chúng tôi. Sau đó, tổng hợp và so chiếu với dự thảo, những điểm nào bất hợp lý thì đề nghị điều chỉnh, đồng thời đưa ra giải pháp đúng thực tế, sát với lợi ích của người dân. Phải công nhận một điều rằng các cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị, đã chỉnh sửa 50-60% nội dung so với ban đầu, họ thay đổi quan điểm, tư duy và cả cách làm. Đấy là sự tương tác tốt nhất. Nghĩa là khi phản biện, phải trên tinh thần khoa học, công tâm, vì lợi ích của dân, phải có nền tảng kiến thức tốt về vấn đề anh muốn phản biện. Và người tiếp nhận phản biện phải cầu thị, lấy lợi ích chung làm đầu. Như vậy sẽ có kết quả tốt nhất.
Khi chúng tôi chọn vấn đề giám sát hay phản biện, đều dựa trên việc tổng hợp nhiều kênh như từ báo chí, cử tri, kênh mặt trận phản ánh và vấn đề đó phải liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Tùy nội dung phản biện mà có cách thức khác nhau. Những nội dung mà chúng tôi phản biện, giám sát đều xuất phát từ tiếng nói từ người dân, không phải từ trên trời rơi xuống nên luôn nhận được phản ứng tích cực từ người dân. Đối với những chính sách tác động lớn đến dân mà cơ quan soạn thảo thiếu thông tin thì chính sách đưa ra chưa toàn diện. Do đó, phía chính quyền cũng luôn cần đóng góp của Mặt trận. Và, chúng tôi cần báo chí đồng hành với mình.
PV:Hiện nay có phong trào phản biện bằng like và share trên mạng xã hội. Vậy ông đánh giá như thế nào đối với nhận định: báo chí chính thống đang bị chậm thông tin hơn so với các mạng xã hội?
Ông Võ Xuân Ca: Mạng xã hội hay báo chí, đương nhiên đều là những kênh tham khảo tốt. Tuy nhiên phải thêm kênh kiểm tra, giám sát của quần chúng nhân dân, cộng với kiểm tra của cả hệ thống chính trị. Vì không phải bao giờ báo chí cũng đúng. Và không phải tất cả phóng viên, biên tập đều có trình độ cao, có hiểu biết tường tận pháp luật. Tôi cũng thừa nhận rằng, kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát của hệ thống MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn là khâu yếu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy, khó tránh khỏi bị động, lúng túng nên có lúc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, muốn nhanh mà đưa thông tin ào ào lên mặt báo, lên mạng xã hội nhưng thiếu tính chính xác thì thông tin đó cũng không tốt. Chậm nhưng chắc vẫn hơn.
PV: Đâu là khâu quyết định chất lượng phản biện, giám sát của Mặt trận, thưa ông?
Ông Võ Xuân Ca: Đối với hệ thống mặt trận, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều từ tư duy, cách làm, cách sử dụng lực lượng không chuyên trách. Tiếng nói của Mặt trận càng ngày càng có giá trị, được Đảng, chính quyền thực sự tôn trọng. Để làm tốt điều này, không còn cách nào khác là tự mình nâng cao trình độ năng lực đáp ứng nhu cầu giám sát, phản biện của xã hội. Ngoài ra, Mặt trận các cấp cần được sự quan tâm đối với công tác cán bộ, cần cử những người có năng lực, có tâm huyết tham gia chứ không phải những người không bố trí vào đâu được thì đưa về Mặt trận. Nếu Mặt trận không làm tốt khâu giám sát phản biện xã hội, tham gia giám sát quyền lực thì Mặt trận mãi mãi chỉ là hình thức mà thôi. Nhà báo cũng vậy. Anh phải nâng cao trình độ để nhìn nhận, đánh giá sự vật hiện tượng đúng bản chất, phải thật sự khoa học thì mới thực thi quyền giám sát, phản biện của mình.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HOÀNG DIỄM (thực hiện)