Phận cây cỏ

ĐĂNG QUANG 05/03/2018 09:20

Những cây cối đã quá già sẽ bật cười hay bật khóc vì bị bứng bật rễ đi trồng cho quan chức một số nơi “diễn” cảnh “tết trồng cây”? Những cây cổ thụ gắn với tên tuổi của các vị quan chức từng trồng ở các khu lưu niệm, giờ nếu bị bêu danh vì tham nhũng, tiêu cực, thậm chí xộ khám tù, có phải vì xấu hổ mà nhổ cây hay xóa tên? Thực ra, cây đâu thể khóc cười, xấu hổ được mà đó là chuyện của con người. Phận cây cỏ vì con người mà sinh diệt.

Phúc hạnh cho câu chuyện “vì lợi ích mười năm trồng cây” khi con người biết quan tâm đến phận đời cây cỏ. Khi mà nguồn nước mặt ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nếu cỏ cây khô héo, rừng tan hoang, con người sẽ trơ ra như đá cuội. Đó là chuyện lớn mang tầm... “một đời người một rừng cây”.

Trong đời sống thường nhật, cây cỏ cũng góp sinh kế cho con người. Những loài cây nhỏ bé như rau, đậu, dưa, cà... mà thiếu vắng trong bữa cơm chừng ít ngày là bụng người nóng như hơ lửa. Cả những nền văn minh ẩm thực chuộng ăn thịt vẫn cần có thêm sản phẩm từ rau quả bổ túc dinh dưỡng. Không thế thì các nước EU, Úc, Mỹ, Phi... nhập trái cây của Việt Nam làm gì. Năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản chạm mốc kỷ lục với 36 tỷ USD. Qua hai tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 6 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng về sản phẩm từ cây cỏ đem lại, theo Bộ NN&PTNT, ngành hàng rau quả rất ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD năm 2017. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán, nhiều loại trái cây như vú sữa đã vào được thị trường Mỹ, chanh leo xuất sang EU, vải thiều và xoài xuất đi Úc, lá tía tô nhập sang Nhật… Việc hướng tới chiếm lĩnh thị trường, ước vọng đạt cả chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trái cây không phải là không có cơ sở khi dư địa còn rất lớn với giá trị thị trường trái cây thế giới khoảng 240 tỷ USD.  

Cây trái cho sản phẩm xuất khẩu đang đem lại triển vọng làm giàu. Nhưng thực tế tiếng khóc cười với cây cỏ vẫn còn đây đó. Rau quả sụt giảm giá mạnh trong thị trường nội địa vào dịp tết vừa qua vẫn còn gây hoang mang cho nông dân. Tình trạng “được mùa mất giá” tái diễn khiến bao nông dân trên đồng bãi xứ Quảng phải ngậm ngùi. Nhiều nơi, nông dân đang mất phương hướng để định ra kế hoạch trồng cây gì cho hiệu quả. Trong khi đó, nhiều sản phẩm rau củ quả xuất khẩu còn khó khăn mà dưa hấu là ví dụ cho thấy yếu kém trong nắm bắt thông tin thị trường và nhất là phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều.

Nghe xuất khẩu thì mừng, nhưng nhập khẩu thì sao? Hiện nay, Việt Nam cũng nhập về các loại trái cây từ nước ngoài như táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), táo xanh (Pháp, Mỹ), lựu (Hàn Quốc), bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo (Trung Quốc)... Theo các chuyên gia ước tính, năm qua Việt Nam đã chi hơn 1,55 tỷ USD để nhập rau củ quả của nước ngoài về tiêu dùng. Thị trường có xuất có nhập, nhưng nhập khẩu thứ ta không có thì bình thường còn nhưng với thứ ta có mà nhập nhiều thì sẽ dẫn đến tình trạng phải “giải cứu nông sản” trong nước liên miên. Chưa nói, là có những thứ còn nhập nhèm chất lượng, như khoai tây hay các loại rau quả từ Trung Quốc (?).
Không riêng rau quả, có nghịch lý còn xót hơn khi Việt Nam cũng là nước trồng bắp, đậu nành song hằng năm vẫn phải bỏ hàng tỷ USD nhập khẩu những nguyên liệu này để chế biến thức ăn chăn nuôi. Và, sản phẩm từ cây đậu nành đem lại cho Vinasoy giá trị doanh thu hơn 4 ngàn tỷ đồng/năm, vào  tốp 5 nhà máy sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới với gần 4 triệu sản phẩm mỗi ngày, giải quyết việc làm cho gần 2 ngàn công nhân lao động. Vậy nhưng nguyên liệu phần lớn còn phải nhập từ nước ngoài.   

Từ trồng rừng cho đến trồng cây ăn quả, cây thực phẩm, cây công nghiệp,... còn rất nhiều chuyện phải bàn tính lại. Đầu ra của sản phẩm nông lâm thổ sản còn bấp bênh nên phận cây cỏ sẽ như thế nào chủ yếu do con người định đoạt. Trồng thêm hay phá đi, làm giàu hay chịu nghèo đều do tư duy định hướng, quản lý và bàn tay chăm bón.

Đừng mất công “diễn” cảnh trồng cây gây rừng trong khi vẫn để cho phá rừng nhiều nơi!

Đừng trồng rồi chặt bỏ khi được mùa mất giá vì không có quy hoạch cho chiến lược phát triển bền vững lâu dài!

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phận cây cỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO