(VHQN) - Quan sát nền giáo dục Việt Nam vài mươi năm nay, chúng ta thấy tình trạng đáng lo ngại về nhiều mặt, như nạn thành tích giả, CÁCH DẠY rập khuôn máy móc, áp lực vô lý đè nặng lên cả người dạy và người học... Nhưng đó là những “trực quan sinh động” dễ dàng nhìn thấy được, còn sự xuống cấp nghiêm trọng về “dân khí học đường” thì không mấy ai đề cập.
Trăm năm lăng kính còn soi
Tình trạng dân khí này cách đây hơn 100 năm đã được các nhà Duy tân mà đại diện là chí sĩ Phan Châu Trinh chỉ ra và tiến hành một công cuộc xốc vác lớn lao bằng Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm đưa dân tộc ra khỏi cơn mê ngủ triền miên ấy. Con đường và hành động của các vị dù sáng chói, nhưng tiếc thay, trước những biến động lịch sử ghê gớm, đã không thể đi đến cùng.
Ngày nay, nhìn lại tư tưởng Phan Châu Trinh, soi rọi vào thực trạng giáo dục, những ánh sáng ấy một lần nữa lay động, và đòi hỏi được đưa trở lại nhằm góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Cái mà Phan Châu Trinh gọi là “một vật rất quý” là “chi bằng học” chính là liều thuốc công hiệu mà xưa kia ông tha thiết muốn tặng cho đồng bào, nay đã đến lúc chúng ta cần nhận lấy.
Trong “Đạo đức và luân lý Đông - Tây”, Phan Châu Trinh phát biểu một câu lạnh sống lưng: “Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lý thì người mình còn dốt nát hơn nhiều”. Sự quả quyết này không thể không khiến ta giật mình suy ngẫm.
Cụ Phan nói rằng người Việt không biết gì tới xã hội luân lý, tức không biết công đức, không biết giữ lợi chung, không biết cái nghĩa vụ của con người đối với con người; mà chỉ bo bo giữ lợi mình, “phải ai tai nấy, ai chết mặc ai!”, nghĩa là chỉ gói lại trong luân lý gia đình. Cái tính cách này cũng chính là nguyên nhân của tình trạng đổ nát nhiều mặt, do sự ích kỷ, tham lam và tâm lý nô lệ gây ra.
Đó là cái nhìn của 100 năm trước. Nay còn thế không?
Hãy xem nhà cách mạng mô tả tình trạng thuở ấy: Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút rỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được. […]
Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi, dầu có ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cầu được lấy chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một nắm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả.
Đó chỉ là điểm qua vài nét. Phan Châu Trinh nói, sở dĩ có cái thảm trạng này là do “bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân”.
“Bọn học trò”, tức người có học, nay ta gọi là trí thức, người có chữ nghĩa. Vì đâu mà “bọn học trò” lại ra nông nổi ấy? Nguyên nhân có nhiều, nhưng Phan Châu Trinh điểm qua một lý do: Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Như thế, cái gốc sâu xa của các vấn đề xã hội chính là từ trong giáo dục mà ra vậy.
Vực “dân khí”, từ giáo dục
Nay muốn làm cho đạo đức được hồi sinh, dân khí được phấn phát thì cứ lần theo nguyên nhân mà gỡ ra. Vì tình trạng “dốt nát” về luân lý xã hội cộng với nạn chuyên chế từ trong gia đình ra đến xã hội đã khiến con người trở nên ươn hèn.
Chuyên chế là dùng sức mạnh và uy quyền mà ép người khác phải làm theo, chứ không phải xử sự dựa trên nền tảng công lý, công đạo. Chính cái cách đè nén, ép buộc, cưỡng bức này đã dần làm ra tính cách nô lệ ở con người trong một cộng đồng. Bất cứ ở đâu cũng thế, hễ có chuyên chế thì đạo đức bị tiêu mất.
Khi luân lý quốc gia và luân lý xã hội vắng bóng mà chỉ có sự hiện diện của luân lý gia đình thì việc con người bỏ mặc những vấn đề của nhân quần để chỉ lo vun vén cho bản thân và người nhà, bằng mọi giá, sẽ là điều tất yếu.
Từ cái nguyên nhân ấy, dân chủ trong trường học phải là điều đầu tiên được quan tâm và xây dựng, chỉ có thế mới mong vực dậy tinh thần của thế hệ trẻ. Cải cách chương trình và sách giáo khoa mà không cấu trúc lại bộ máy hành chính và phân chia quyền lực một cách tiến bộ thì cái gốc của vấn đề còn đó. “Chế độ tập quyền” ở trường học là một nút thắt nhức nhối cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt.
“Tôn sư” phải được cụ thể hóa và hiện thực hóa bằng cách trao quyền cho giáo viên trong việc chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tự chủ trong phương pháp và độc lập trong đánh giá học sinh. Người thầy phải được tôn trọng bằng vị trí uy nghi trên bục giảng, không được dùng quyền lực hành chính để tước đi sự tự tôn của họ.
“Lấy học sinh làm trung tâm” không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Vai trò chủ thể của người học phải được chương trình hóa; và sự tôn trọng quan điểm, cách nhìn nhận, cảm nhận cũng như sự đa dạng trong tính cách, năng khiếu, thiên hướng của họ phải được thừa nhận như những quyền chính đáng. Việc gò ép, mài nhẵn, đồng phục phải bị thanh lý khỏi nền giáo dục. Quan điểm này phải được thao tác hóa trong đánh giá chất lượng giáo dục, gắn liền với việc cho điểm và xếp loại học sinh, chứ không phải chỉ ở những hô hào nặng tính hình thức.
Bể học là vô tận, nhưng để nhen nhóm và thổi bùng lên khí chất của người học thì việc dạy về dân quyền và nhân quyền phải là ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, giáo dục ta đang đối xử và đòi hỏi đối xử với trẻ em chủ yếu trên tinh thần của lòng tốt, sự thương cảm; tức là như một nghĩa vụ đạo đức mà không mấy ai thật sự có ý thức trong việc đề cao quyền trẻ em.
Nội dung này (Quyền) ở chương trình giáo dục rất mờ nhạt thì đã đành; nhưng đáng nói nhất là gần như không được thực hành một cách tự giác và thực chất trong môi trường học đường. Con người Việt Nam muốn trưởng thành, trước tiên cần xóa bỏ nạn chuyên chế cả trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Nền giáo dục của chúng ta không thể tiếp tục là một thứ khoa cử kéo dài, vì “hồn luân lý đạo đức của người mình đã bị độc khoa cử giết chết, chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ mà thôi. Đạo đức mất trước mất sau thật cũng không phải là lời nói ngoa vậy”.
Nay muốn chấn hưng tinh thần dân tộc, phải bắt đầu từ giáo dục, mà trong giáo dục thì như đã nói, dân chủ hóa trường học và thúc đẩy các nội dung về dân quyền, nhân quyền phải được coi là một sứ mạng trung tâm. Đó chính là nối lại lý tưởng Duy tân còn dang dở của nhà khai sáng Phan Châu Trinh hơn 100 năm trước vậy.