Phận đàn bà và những nỗi buồn đau…

LÂM BÌNH THÁI 28/08/2022 07:43

Phận đàn bà và những nỗi buồn đau trong tập truyện ký “Bản tình ca khúc khuỷu” khiến người đọc không khỏi băn khoăn suy nghĩ về họ…

Bìa tập sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.
Bìa tập sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.

Nguyễn Hồng Lam là nhà báo, nhà văn được bạn đọc quen tên biết tiếng qua các tác phẩm: “Phục thiện”, “Đường đời trong lòng tay”, “Người Sài Gòn đánh Mỹ”, “Vụ án đồi Hoa Mai” và “Người của giang hồ”. Giữa lúc nổi tiếng, bất ngờ anh “lặn” biệt tăm. Muời bảy năm sau, Nguyễn Hồng Lam tái xuất với “Bản tình ca khúc khuỷu” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022.

“Bản tình ca khúc khuỷu” gồm 16 truyện ký viết về những thân phận, những mảnh đời phụ nữ không nổi tiếng, nhưng theo tác giả, “Họ sống như đã sống, sống xứng đáng vì đơn giản, đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ trót đa mang. Thiên chức ấy có tên là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thường thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi”.

Niềm riêng giữ lại

Những thân phận đàn bà trong tập truyện ký tuy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ lại có điểm chung là bất hạnh với nỗi buồn đọng mãi. Truyện ký “Hai bà mẹ xóm Cồn” viết về Võ Thị Gặp và Lữ Thị Toán sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bình Giang, Thăng Bình.

Cả hai lấy chồng, sống với chồng không được bao lâu thì Lữ Miên - chồng cô Gặp và Phan Văn Minh - chồng cô Toán, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường “nam chinh bắc chiến”. Khi đất nước hòa bình thống nhất, hai người chồng trở về thì hai người vợ trẻ măng ngày nào giờ trở thành hai bà già không còn khả năng làm mẹ.

“Những tiếng thở dài của hai người lính già vẫn chung thủy đầu ấp tay gối len lén thả vào khuya khiến hai người đàn bà xóm Cồn đau như thắt. Cuối cùng họ đi đến quyết định kinh khủng nhất trong kiếp đàn bà: Nhường hạnh phúc của mình cho người khác!” (tr.24).

Cưới vợ cho chồng xong, họ ra đi. Bà Gặp lang thang dọc miền Trung, lên tận Tây Nguyên lắt lay kiếm sống. Còn bà Toán về quê che tạm túp lều trong góc vườn của người em ruột để sống qua ngày.

Tác giả Nguyễn Hồng Lam và bìa tập sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.
Tác giả Nguyễn Hồng Lam.

Tôi cay xè khóe mắt khi đọc truyện ký “Vu vơ sợi khói đốt thuyền” viết về hai mẹ con người đàn bà ở Cửa Sót - quê hương tác giả, một làng chài ven biển Thạch Kim, Hà Tĩnh.

O Lê Thị Nhị, con gái bà Chắt Chu, thời chống Mỹ đi thanh niên xung phong, sau ngày hòa bình thống nhất, tuổi xuân trôi qua, o ở vậy “gánh cá, gánh tấp đốt thuyền thuê” để nuôi mẹ già. Bất ngờ báo chí phát hiện ra o chính là nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Và bất ngờ sau đó báo chí phát hiện thêm o Phạm Thị Nhị cũng quê Thạch Kim, cũng đóng quân ở ngã ba Đồng Lộc, cũng từng gặp gỡ trò chuyện với nhà thơ. Hai o Nhị, “hai người đàn bà xứ bể đều lặng lẽ niềm riêng, không hề có ai lên tiếng tranh giành. Có lẽ tại anh lính - nhà thơ quá đa tình” (tr.132).

Chỉ còn lại nước mắt

Truyện ký “Bản tình ca khúc khuỷu” được lấy làm tên sách khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về tình yêu và con người sống ở đời. Châu Phú là chàng trai có dáng vẻ nghệ sĩ, học giỏi hát hay, có ngón “móc classic guitare” điêu luyện, học Cao đẳng Sư phạm Huế.

Năm 1983, trước khi tốt nghiệp ra trường, lớp tổ chức đi Đà Lạt chơi. Trong đêm giao lưu đốt lửa trại, Ngọc Diệp - cô giáo sinh phố núi, đem lòng yêu Châu Phú. Nhưng sau đó gã dính vào vụ án giết người cướp của. Kẻ chủ mưu dựa cột. Còn gã là tòng phạm bị kết án chung thân.

Ngọc Diệp vẫn yêu thương gã, thường xuyên tới Trại giam Z30D thăm nuôi. Nhờ có công cứu tù nhân trong một trận hỏa hoạn, gã được giảm án xuống còn 20 năm. Ngọc Diệp về thăm quê người yêu Hương Vinh - Huế, thấy cha mẹ gã đã già yếu, cô tự nguyện đứng ra làm đám cưới vắng chú rể, tổ chức rước dâu từ Đà Lạt ra chốn cố đô.

“Chú rể Châu Phú vẫn ngồi trong tù, đón tin rước dâu qua điện thoại, hạnh phúc chảy tràn nước mắt đón nhận những lời chúc mừng, những món quà mừng nho nhỏ của Ban Giám thị trại” (tr.75).

Chuyện cứ ngỡ như là cổ tích nhưng rất tiếc lại không có hậu. Gần mãn hạn tù, trong một lần đi lấy củi, gã lại gây ra vụ án khác. Ngày gã ra khỏi Trại giam Z30D, Ngọc Diệp đến chờ từ sớm, mặc áo dài, ôm bó hoa “forget me not” trên tay. Khi gã ra khỏi cổng trại giam, công an chặn lại, đọc quyết định chấp hành vụ án mới với 20 năm tù giam vì tội giết người cướp của.

“Khi cửa xe thùng đóng lại, bánh xe vừa lăn thì cô giáo Ngọc Diệp cũng khuỵu chân. Bó hoa thạch thảo mong manh trên tay rơi xuống đất. Ngày cuối thu xào xạc. Một cơn gió thốc lên rứt những cánh hoa tím li ti bay lả tả về phía cổng nhà tù…” (tr.78).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phận đàn bà và những nỗi buồn đau…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO