Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng

HÀN GIANG 04/07/2019 15:00

Tại cuộc họp thông qua nội dung trình kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa IX của UBND tỉnh vào sáng 25.6, ngành chức năng nhận định: Bức tranh kinh tế của Quảng Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn cách xa so với mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp thông qua các nội dung trình kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. Ảnh: NG.ĐOAN
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp thông qua các nội dung trình kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. Ảnh: NG.ĐOAN

Không đồng đều

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh, ông Phạm Tấn Minh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn hơn 33.823 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cùng kỳ năm 2018. So với 14 chỉ tiêu theo Nghị quyết 35/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, qua 6 tháng đầu năm, có 4 chỉ tiêu đã đạt và vượt; 10 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành vào cuối năm theo kế hoạch. Riêng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, để đạt mức tăng 7 - 7,5% theo kế hoạch đề ra, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải phấn đấu đạt từ 7,7% trở lên so cùng kỳ.

Còn theo thông tin từ Sở Tài chính, trong 6 tháng đầu năm ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 12.950 tỷ đồng, đạt 55,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ước thu nội địa 9.850 tỷ đồng, đạt 53,1% dự toán, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Nguyễn - Phó Giám đốc Sở Tài chính nhìn nhận, đa số nguồn thu đều đạt và vượt tiến độ dự toán, tuy nhiên xét về tốc độ thu thì thấp hơn năm trước và còn một số nguồn thu đạt thấp, dự báo nguồn thu chính từ ô tô có xu hướng giảm dần vào các tháng cuối năm. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, địa phương kịp thời giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng trong 5 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn đầu tư còn thấp, chỉ đạt 20% so với kế hoạch vốn đã phân bổ (1.115 tỷ đồng/5.555 tỷ đồng); ước giải ngân 6 tháng đạt 30% so với kế hoạch vốn (1.667 tỷ đồng/5.555 tỷ đồng). “Hầu hết dự án đều giải ngân chậm, nguyên nhân do những tháng đầu năm khối lượng thực hiện dự án còn thấp; nhiều dự án khởi công mới chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định. Trong khi đó, một số dự án có sử dụng đất rừng tự nhiên nên phải chờ xin ý kiến theo quy định” - ông Nguyễn nói.

Thảo luận tại cuộc họp, các ngành chức năng tỉnh có cùng nhận định, trong điều hành ngân sách, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường công tác thu, tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng thất thu, nhất là lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai... Nợ đọng về thuế còn lớn, tính đến ngày 31.3.2019 tổng hợp số nợ gần 1.000 tỷ đồng, tăng 11% so với số nợ đầu năm; trong đó, nợ thuế khó thu là 507 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ thuế. Do đó, tỉnh cần phải có những giải pháp chống thất thu và giải pháp xử lý thu hồi nợ trên lĩnh vực này.

Bổ sung nhiệm vụ, giải pháp

Phân tích về các bất lợi sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam trong 6 tháng cuối năm, ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng, để đạt mức tăng trưởng 7,7% trở lên, toàn tỉnh cần thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư. Đồng thời tập trung giải ngân kế hoạch vốn đã giao, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài. “Một số ngành sản xuất mang tính chủ lực của tỉnh như hàng dệt may, giày da, vận tải, thủy sản, linh kiện điện tử, hàng nông sản... cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm các nguồn thu cho ngân sách” - ông Đạt nói.  

Để giảm bớt khó khăn cho nông dân khi tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc sở NN&PTNT cho rằng, các ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời mạnh dạn tiêu dùng, sử dụng thực phẩm thịt heo sạch trên địa bàn. Bởi lẽ, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; còn 13% tổng đàn heo được chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đang thực hiện rất tốt công tác phòng ngừa và chưa phát hiện trường hợp có heo bị dịch bệnh. Ngoài ra, ông Tấn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cùng phối hợp giải quyết đầu ra cho khoảng 1.000 tấn mực xà của ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) và Núi Thành đang tồn kho. “Chính sách hiện nay của nước bạn là xuất khẩu sản phẩm phải theo con đường chính ngạch nên giữa doanh nghiệp và đầu nậu chưa gặp nhau, dẫn đến khó khăn cho đầu ra của mực xà. Cùng với việc hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm, các ngành liên quan cần phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại để tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này” - ông Tấn kiến nghị.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành bổ sung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra của năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2019; trong đó, hết sức chú ý chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và cơ cấu kinh tế. Tỉnh sẽ chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ cho một số chương trình, dự án lớn, cấp bách của tỉnh. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai thành cảng loại I để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO