Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, TP.Tam Kỳ đã tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là ở 3 khâu đột phá: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư.
Bứt phá
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX giai đoạn 2011-2013, ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, thành phố cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu. Kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ (TMDV), công nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, giá trị sản xuất TMDV đạt 9.840 tỷ đồng, tăng bình quân 25,08%/năm, vượt 2,08%/năm so với nghị quyết đại hội. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 4.461 tỷ đồng, tăng bình quân 24,81%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 205,5 triệu USD tăng bình quân 26,73%/năm, trong đó hàng may mặc chiếm hơn 80%. Trong 3 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố lên đến 3.563 tỷ đồng.
Hệ thống đường sá nội thị được đầu tư nâng cấp khá nhiều. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Về kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Đinh cho biết, thời gian qua, bộ mặt đô thị Tam Kỳ thay đổi khá rõ rệt, phấn đấu để đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị 3 năm qua đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Một số công trình điểm nhấn phát triển đã khởi công xây dựng như chợ trung tâm Tam Kỳ, cầu Kỳ Phú 1, 2 và đường dẫn, dự án của WB về chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, hoàn thành đầu tư xây dựng nhà Văn hóa thiếu nhi, các công viên ven hồ điều hòa. Hiện tại thành phố đang đẩy nhanh tốc độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công công trình đường Điện Biên Phủ và cảnh quan hai bên đường dự kiến vào đầu năm 2014. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, văn hóa cũng được quan tâm, tạo nên nhiều chuyển biến rõ nét cho bức tranh cơ sở hạ tầng. Thành phố cũng đang tích cực triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị Tam Kỳ giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, TP.Tam Kỳ đạt 2 tiêu chí tổng hợp (trong 6 tiêu chí) của đô thị loại II, đó là tiêu chí chức năng đô thị và chỉ tiêu về kinh tế xã hội.
Cần cơ chế vốn
Thực hiện nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP.Tam Kỳ đã ban hành đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp thành phố có trình độ thạc sĩ chiếm 12,6%; cán bộ, công chức cấp xã, phường đạt 3 chuẩn là 82%. Thành phố cũng đã ban hành đề án về Phát triển giáo dục TP.Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo bước đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. |
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Lúa, nhiệm vụ trong thời gian tới là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, động lực để phát triển thành phố như khu dân cư, tái định cư đô thị Tây Bắc, khu dân cư Nam Tam Thanh, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, nâng cấp đường Trường Xuân - Phú Ninh, Bạch Đằng, N10, Tam Kỳ - Tam Thanh, hạ tầng khu du lịch sinh thái và bãi tắm Hạ Thanh, công viên ven sông Tam Kỳ, Quảng trường 24.3…
“Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá, Tam Kỳ đã tạo ra sự bứt phá trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Về đầu tư kết cấu hạ tầng, dù tạo được nhiều chuyển biến nhưng do nguồn lực có hạn nên việc phát triển hạ tầng đô thị còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhu cầu từ 2011 đến năm 2015 là 8.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ huy động đầu tư được 25% với 2.000 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách hàng năm của thành phố chỉ vỏn vẹn 130 tỷ đồng). Đây được coi là khó khăn lớn nhất để Tam Kỳ xây dựng các điều kiện thiết yếu, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II”. (Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Đinh) |
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Lúa cho rằng cần có một cơ chế về nguồn vốn đủ mạnh mới có thể giúp địa phương tạo đột phá trong đầu tư. Đó là, đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án có nguồn vốn Trung ương, ODA về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng với tỷ lệ tỉnh 80%, thành phố 20%; cho cơ chế ứng vốn, cho vay xây dựng các khu dân cư, tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các dự án trọng điểm, gồm chợ Tam Kỳ, đường N10, Bạch Đằng, hạ tầng khu du lịch bãi tắm Hạ Thanh, khu dân cư Tây An Hà - Quảng Phú, khu dân cư cho người thu nhập thấp Trường Xuân. Thành phố cũng kiến nghị tỉnh để lại nguồn thu từ các cụm công nghiệp, không đưa vào ngân sách hàng năm để đầu tư các công trình mục tiêu. Liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tam Kỳ đề nghị tỉnh có chủ trương cho phép bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ thành phố đến cơ sở (HĐND TP.Tam Kỳ đã có Nghị quyết về Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 nhưng bị vướng về cơ chế, chính sách).
XUÂN PHÚ