Dấu xưa đó có thể đã thành thương hiệu, từng một thuở nức tiếng xa gần, như danh trà Mai Hạc, Kim Sơn, cơm gà Bà Luận, Bà Tề. Hay đó có thể là những tên hiệu ven lộ của trục phố chính, như hiệu bánh Phú Nhuận, hiệu bánh Bảo Hương, hiệu thuốc Thống Lợi… Và có thể, chỉ cần gọi lên một cái tên, như Đợi, như Kim, như Quán cà phê, hay Hưng Thịnh, Vĩnh Thành gạch bông, hiệu thuốc tây Ngọc Lan… cũng đủ để gợi xúc cảm cho nhiều người khi nhớ về phố xưa Tam Kỳ.
Chợ Tam Kỳ xưa. (Ảnh tư liệu) |
Không thể thâu tóm hết thảy những tên gọi cùng đi theo hành trình của vùng đất. Những tên gọi mà một phần nào đó, trong đời sống của phố cũ, nó không chỉ là biểu hiện của chuyện bán buôn, thương mãi. Đó là một phần ký ức rất sâu mà những người xa Tam Kỳ luôn nhớ. Và cũng là một phần đời của phố mà những người mới đến ở Tam Kỳ muốn dạm chân tìm hiểu.
Từ những cái tên
Theo dòng hồi ức, ông Lý Hùng Quang, ở hiệu bánh Phú Nhuận (số 560 Phan Châu Trinh) cho biết, hiệu bánh của gia đình do cha mình sáng lập từ năm 1950. Thuở ấy, Tam Kỳ có một tuyến phố chính với 2 dãy nhà nằm bên sông Kỳ Phú (bây giờ là đường Phan Đình Phùng), mọi thức hàng đều tập trung về phố này, từ ăn chơi, hàng buôn, “tả pí lù”. Phố xá Tam Kỳ hình thành từ một con đường bán buôn. Và cũng nhiều người Tam Kỳ cũ bây giờ gọi những con phố ngang dọc từ trục ngã ba Nam Ngãi bây giờ vẫn còn giữ tên, là phố buôn, phố Tàu. Có trường Tàu, phố Tàu hình thành từ lớp người Minh Hương vượt biển tìm đường sống. Và câu chuyện lập làng lập phố của người Minh Hương, người Phúc Kiến với những kiên trì bền bỉ đã có lịch sử kiến giải, và cả minh chứng. Ở góc nhìn từ một phố buôn, người Hoa tại Tam Kỳ đã có những lưu dấu đáng kể trong nghề nghiệp này. Rất nhiều hiệu buôn của người Hoa theo kiểu cha truyền con nối, đã góp vào đời sống của một phố thị nằm trên trung lộ thiên lý Bắc Nam những dấu ấn đáng kể.
Bây giờ, nếu chịu khó di chuyển cả bước chân lẫn tâm tư của mình vào những bảng hiệu kẻ chữ kiểu cũ, bắt đầu khoảng từ “ngã ba Hen” - theo cách gọi cũ của người Tam Kỳ đối với khu vực bây giờ là siêu thị Co.opMart, sẽ tìm thấy không ít những khám phá thú vị về dư âm của một đời sống phố thị cũ, biết đâu, đó cũng là linh hồn của một con phố tuổi đời cả trăm năm? Chắc chắn, một chút dáng dấp của “người Tam Kỳ” cũng sẽ được phác họa ít nhiều. Ngay như cái tên gọi “ngã ba Hen”, chết danh cũng chỉ đơn giản ở khu này trước đây có một người bán thuốc hen, biển hiệu treo ngay ngã ba cũng đơn giản chỉ có một chữ “Hen”.
Có vẻ như nhiều người chưa hài lòng với “di sản phố thị” qua những bảng hiệu của Tam Kỳ, bởi lẽ dẫu đã cố gắng rất nhiều, lớp người nghiên cứu văn hóa Tam Kỳ vẫn chưa thể làm một cuộc “thâu tóm” những dấu vết của đời sống phố thị. Hay ít ra, những câu chuyện của lớp người bình dân, hay cả của lớp người đã một thời “gánh” cái tên Tam Kỳ đi xa khỏi vùng địa lý bằng những sản vật mình làm, vẫn chưa được lưu dấu lại. “Nói nghe, ăn mít hông thì phải về Trường Xuân, chè thì bà Dần, nước dừa bà Thìn còn mỳ phải bà Dậu” - như lời một cậu con trai ngày ấy, bây giờ đã lập gia đình ở phố này, chia sẻ. Hay, như câu chuyện về bánh trái của nhà họ Lý, của hiệu Bảo Hương ngày xưa… Ông Lý Hùng Quang và vợ - là con gái của hiệu bánh Bảo Hương, cứ ngồi xuýt xoa mãi về cái đoạn đầy sống động của phố buôn Tam Kỳ. Hồi ấy, hàng xén, mà người Hoa gọi là hàng “phá quải xí”, ngày mấy bận ghé vào mấy hiệu buôn dọc trục phố, để lấy hàng. “Riêng hiệu bánh Phú Nhuận và Bảo Hương thì có cả đội gánh hàng. Họ theo xe về mọi nơi, xe tới bến thì họ quảy gánh bánh bán cho khắp mọi vùng…” - ông Quang nói. Khởi nghiệp những năm 1950, nhưng thời đoạn thịnh nhất của nghề bánh nhà mình, ông Quang cho biết phải đến những năm 1960 - 1970. Lúc đó, đời sống phố thị Tam Kỳ cũng đã dần thành hình. Người tứ xứ đổ về, bám vào chợ Mai, chợ Chiều để sinh tồn. Người ở Quảng Ngãi đổ ra buôn bán. Ngã ba Nam Ngãi thành hình. Và những hiệu buôn bắt đầu thịnh, mới có cũ có, của người Quảng Tín hay Quảng Ngãi, bên những cửa tiệm đã có từ trước của người Hoa.
Vườn Lài, cà phê và danh trà
Cái tên Vườn Lài cũng như ngã ba Nam Ngãi, vẫn cứ vỗ về ký ức bằng những nỗi nhớ mùi mẫn của người ở lâu nơi này. Cũng không hẳn là cư dân gốc, mới thấy yêu thấy quý vùng đô thị của những giá trị hoài niệm. Bởi có lẽ, bây giờ tìm một hương lài ngan ngát canh khuya, e chừng quá khó, giữa phố xá hiện đại. Những người có tuổi trong câu chuyện ký ức chúng tôi tìm gặp, có người là chủ một thương hiệu cà phê từng rất được ưa chuộng ở vùng thị xã bé nhỏ những năm loạn lạc, cũng có người là thợ chụp ảnh - mà chỉ cần nói ông ở khu nào thì lớp người cũ Tam Kỳ đều biết, và cái hiệu ảnh ấy bây giờ vẫn còn tên bảng trên phố. Họ kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện của trà hương lài, của cà phê Đợi, của Cúc, của Quán, của Tây Nguyên, của cà phê Rạng Đông, của vườn trà Mai Hạc… Đầu tiên, tạm gọi là xưa nhất Tam Kỳ, phải kể đến quán Đợi. Cà phê Đợi bây giờ vẫn còn ở phố, như một cái tên nghiễm nhiên ở lại, sau những thời cuộc đổi dời. Nhưng cái khí chất của quán cũ, có lẽ không như xưa. Những người sành điệu và am hiểu về cà phê của vùng đất “ba sông”, đều ít nhiều đã ngồi ở Đợi, nơi đầu cầu Tam Kỳ. Ở quán Đợi không thể uống một ly cà phê “hỏa tốc”. Như chủ nhân, mọi thứ cứ diễn ra từ tốn. Và cách thức để nhâm nhi một tách cà phê, cũng phải ung dung vừa đủ. Nhưng Đợi không chỉ hút người ta bằng cái tánh kỳ cục của chủ nhân. Cà phê ở đây pha ngon, đúng điệu. “Nghe nhạc ở Đợi thì tuyệt vời” - ông già chụp ảnh nhắc.
Lui thêm một bước vào khoảng những năm 1990, khi Tam Kỳ đã có những bước chuyển từ sau câu chuyện mậu dịch quốc doanh, tem phiếu. Không còn bán vé ở bến xe quốc doanh Tam Kỳ, bà Huỳnh Thị Thanh Xuân về mở một tiệm cà phê đêm, ngay Nam Ngãi. Cũng là quán cà phê hút khách nhất của những ngày Tam Kỳ còn đất đỏ, thời mà giới trẻ khi đến chơi đoạn từ cống Phú Thọ tới Nam Ngãi gọi nhau là “đi chơi quận Nhứt”. Khách của cà phê Xuân là những ông chú xe ôm, xe thồ, là cánh lái xe đường dài, là những ông chồng chở vợ từ trên nguồn xuống mang bao nhiêu sản vật tụ về chợ Tam Kỳ để buôn. Còn có rất nhiều những cô cậu sinh viên đón xe đường dài vào Nam, những người tha phương lập nghiệp chờ đón chuyến đi đêm. Bà Xuân nói, những năm đầu tiên thì bán từ 11 giờ đêm miết đến sáng. Sau này thì bán từ 2 giờ sáng đến trời hửng nắng. Năm 2013 thì nghỉ hẳn, bởi khách không còn uống cà phê đoạn này. Và cũng bởi đường Nguyễn Hoàng mở ra, xe khách không còn chạy ngang qua Nam Ngãi, giới lao động, xe ôm cũng chuyển hướng nhâm nhi cà phê trước ga xép Tam Kỳ.
Và trà, có lẽ nên để sau cùng ở câu chuyện ký ức. Bởi lẽ từ những ngày ông Nguyễn Hải - người làm nên thương hiệu danh trà Mai Hạc bắt đầu trồng lên vườn trà, rồi vườn lài, vườn ngâu, thì cái tên Tam Kỳ mỗi lần được nhắc đến ở đâu đó người ta lại gọi tên trà Mai Hạc. Rồi Kim Sơn, Thanh Hương… bắt đầu khởi lên những hương vị đặc sắc cho một con phố của những hương thơm. Sau này, người đến Tam Kỳ đông lên, những vườn lài cũng bị phá bỏ dần. Và nơi này chỉ còn những cái tên như khu Vườn Lài, chợ Vườn Lài, bưu điện Vườn Lài (thuộc phường An Sơn) để nhắc nhớ chuyện cũ.
Vĩ thanh
Nếu nói dấu xưa Tam Kỳ, có lẽ bây chừ không còn nhiều những vết dấu của một đời sống xã hội cũ. Có lẽ vậy nên những người ở vài năm, hoặc lâu hơn của Tam Kỳ hiện tại, cứ than phiền rằng văn hóa của đất Tam Kỳ thưa thớt quá, chỉ có những con số, những trận đánh, những ngày thành lập của phong trào này hay hội kia. Nhưng đi sâu vào từng ngóc ngách, từng con hẻm, mới thấy phố phường này, dẫu cái mới đã chồng lên những giá trị xưa cũ, vẫn còn đâu đó câu chuyện bên thềm phố trong tâm tưởng những người mà chúng tôi may mắn được gặp. Thương hiệu của trà, của bánh, của guốc gỗ, của thuốc thang, có thể chỉ còn lại những cái tên. Nhưng mãi mãi, là một ký ức được nhắc nhớ qua tầng tầng lớp lớp thời gian. Như những cuộc gặp mà mỗi năm chỉ để dành ôn lại chuyện cũ, của Ban liên lạc Hội cựu lái xe đội 4, đã một thời tung hoành với dòng xe than rờ-non… Như một người con rể ngày ngày vẫn vuông vắn cho những chiếc bánh khô, bánh ướt chỉ để giữ lại tên hiệu do bố vợ dựng nên và mình cũng đã theo suốt thời tuổi trẻ… Người gốc Tam Kỳ sống xa quê, mỗi lần về phố cũ thường tìm lại những tên xưa, tới hiệu bánh Phú Nhuận hay Bảo Hương mua vài gói, lại qua Mai Hạc, Thanh Hương (trà Kim Sơn không còn) mua vài lạng trà… làm quà cố quận.
Phố chỉ thật sự làm người ta nhớ, khi có những ký ức đời thường như thế!
SONG ANH