Giữa thành phố hiện đại này thư viện mọc lên đơn độc như ốc đảo. Thỉnh thoảng mới có vài người ghé qua mượn sách. Vài người ngồi ngủ gục một giấc trưa. Vài người đến ngồi im lặng tựa lòng không gợn một nhịp sóng vui buồn. Suốt mười năm qua Túc chưa đi đâu ra khỏi khuôn viên thư viện thành phố. Nơi này ngoài sách còn có một nhà ăn nhỏ, một khu tập thể, một mảnh vườn phía sau đủ trồng rau nuôi gà. Hàng ngày Túc làm bạn với sách cho đến khi mỏi mắt thì ngả lưng ngủ một giấc dài. Những con người ở đây đủ làm nhau vui dù sự trao đổi qua lại giữa họ ít ỏi đến nghèo nàn. Túc ba mươi tuổi, chưa chồng con và cũng không có nơi để về. Thỉnh thoảng một cơn đau tim ập đến, nó đe dọa có thể sẽ làm Túc biến mất không còn dấu vết gì. Túc đã từng nhiều lần nghĩ về một đời sống khác nhưng loay hoay không hiểu có gì thú vị không. Hay đơn thuần chỉ là ảo tưởng mà chúng ta thì vốn giỏi huyễn hoặc nhau và tự huyễn hoặc mình. Ý nghĩ ấy kìm chân Túc ở nơi này.
Mười năm trước Túc còn bồng bột. Yêu một gã cuồng si. Dâng hiến đến tận cùng vì cứ tưởng đó là tình yêu duy nhất. Gã nhà thơ của Túc lúc bình thường thì hiền như lá nhưng cứ mỗi lần gần gũi xác thịt là gã biến thành một con quỷ dữ. Túc sợ đến mức tìm mọi cách chạy trốn nhưng đi đâu cũng bị gã lôi về. Mười năm qua bao vết thương đã hóa thành ảo ảnh trong tâm trí Túc. Thỉnh thoảng những vết răng sâu hoắm còn bò lổm ngổm trong giấc mơ, mười ngón tay người tình như mười móng vuốt. Túc loay hoay mãi cuối cùng đã chọn thư viện thành phố làm nơi ẩn nấp. Đơn giản bởi không thấy gã nhà thơ ấy đọc sách bao giờ. Thư viện nằm cách nhà gã không xa, cuộc kiếm tìm điên loạn ấy đã chấm dứt sớm hơn Túc tưởng. Mười năm qua gã đã lấy vợ, sinh con nhưng đời Túc thì chưa được giải phóng. Túc ở lại đây vì điều gì? Vì đã trót đem lòng thương Vĩnh? Hay là bởi chỉ có nơi này yên ổn để dung thân? Cũng có thể thế giới của những cuốn sách cứ mê mị cuốn Túc vào. Ở đó mọi giới hạn đều không tồn tại.
Những người đang sống ngoài kia sẽ chẳng thể nào hiểu nổi bọn Túc nghĩ gì. Mọi sinh hoạt ở đây phần lớn đều tự cung tự cấp, hạn chế tới mức tối đa va chạm với cuộc sống bên ngoài. Được xây trên nền đất cao, nếu ngồi trên máy bay nhìn xuống sẽ thấy thư viện nổi lên với những tán cây cổ thụ bao trùm. Vĩnh hay tưởng tượng một ngày nào đó thức dậy sẽ thấy thư viện bị cuốn đi, trôi lênh đênh trên biển. Vĩnh sẽ đọc sách cho cá mập nghe hoặc sẽ đến những nơi người ta thực sự cần đến sách. Một kho sách trôi trên biển dẫu sao cũng đỡ đơn độc hơn nằm giữa lòng thành phố mà chẳng mấy ai thèm đoái hoài. Nhưng không có cơn lũ nào cuốn bọn Túc đi. Thư viện còn và từng ấy con người vẫn phải sống tốt phần đời còn lại của mình. Nhiều người trong số họ không yêu sách nhưng tất cả đều tôn trọng sách. Chị Nhài nhà bếp thích cùng Túc lau chùi sách. Trước khi động đến sách chị thường rửa tay rất sạch bằng xà phòng thơm, lau thật khô không còn mùi xào nấu hay vết dầu mỡ nào. Túc đôi lần hỏi chị có muốn mượn một cuốn về phòng đọc cho đỡ buồn không? Chị ngượng nghịu lắc đầu, những ngón tay vuốt nhẹ lên gáy sách. Thỉnh thoảng sách mới được cấp về, chị thường nâng niu hít hà mùi giấy mới. Sau này Túc mới biết chị mù chữ do nhà nghèo không được học hành. Nên đối với chị cuốn sách nào cũng chứa đựng toàn điều kỳ diệu mà chị không thể nào chạm tới.
Túc nhiều khi phân vân không biết có nên nói với chị sự thật về những cuốn sách nằm yên trong thư viện này mấy chục năm qua. Chúng ngủ quên trong đám bụi cho đến khi bàn tay chị chạm đến. Và cũng không phải cuốn sách nào cũng tuyệt diệu như chị thường vẫn nghĩ. Chúng thậm chí không bao giờ có thể so được với một bữa cơm tử tế chị nấu mỗi ngày cho bọn Túc ăn. Rau thật xanh, thịt thật thơm và bát cơm trắng dẻo vô ngần. Chị khéo léo vun vén đến mức ai cũng sẽ thấy ngon miệng với bữa cơm chung. Dù cả bữa ai cũng cặm cụi ăn, ngon cũng vậy, không ngon cũng vậy, chẳng bao giờ khen chê được một câu. Nhưng chắc hẳn mỗi lần ngồi xuống ăn mọi người đều nghĩ mình đang được ăn cơm từ bàn tay biết nâng niu từng gáy sách.
Khi Túc mới về đây Vĩnh còn làm phó giám đốc thư viện. Giám đốc thư viện khi ấy là ông Tịch, có dáng người gầy gò nhưng đôi mắt sáng luôn toát lên vẻ cương trực. Hôm giao chìa khóa cho Túc, ông bảo: “Từng ấy cuốn sách là từng ấy số phận. Chúng ta có trách nhiệm phải trông nom chúng”. Ông đau đáu với sách bởi ông từng là một người viết. Sách của ông có thể cũng nằm chết lâm sàng trong một thư viện nào đó. Đất nước này có không biết bao nhiêu nấm mồ khổng lồ chôn sống sách trong hình hài của những thư viện lớn. Điều ông đau đáu suốt bao năm là làm sao đưa sách đến được với mọi người, để từng con chữ reo vui trong tim họ. Ông từng đến các trường đại học, từng gặp gỡ các công nhân, trí thức, người lao động khắp nơi để nói say mê về sách. Như người cha tự hào về những đứa con mình. Suốt cuộc đời mình ông từng đi xin sách, mua sách, mang sách đến không biết bao nhiêu nơi trên đất nước còn nghèo nàn văn hóa đọc.
Thậm chí với chức giám đốc của mình ông từng có ý nghĩ điên rồ rằng sẽ xẻ thư viện thành phố này thành cả trăm tủ sách nhỏ như một cuộc đại phẫu thuật để sách có thể hồi sinh. Mỗi lần có quyết định nhận thêm sách mới là trông ông mệt mỏi, nặng nề như sắp ốm. Sau vụ hỏa hoạn cháy mất một phần thư viện thì ông đổ bệnh thật. Bác sĩ không tìm ra bệnh lý của ông, cũng giống như người ta đã xao nhãng đi tìm nguyên nhân vụ cháy. Ông mất khi Túc còn đang gập mình thu dọn đống ngổn ngang. Giá sách gãy rời cháy rụi, vài người xe ôm ngỏ ý xin làm củi đốt cho đỡ lạnh lúc mong ngóng khách. Chị nhà bếp tay run run nhặt những gáy sách cháy nham nhở bỏ vào một hộp các tông chẳng biết để làm gì. Chị nhóm một cái bếp nhỏ, đun ấm nước pha trà từ những thanh gỗ còn lại sau vụ cháy. Bọn Túc ngồi đó nghĩ về cuộc tiễn đưa người giám đốc già. Ông có thể đã được đi ra biển với những cuốn sách của mình như cách mà Vĩnh vẫn ước ao. Mâm cơm giờ thiếu đi một người, chị làm bếp vẫn không quên nhắc nhớ về những người tử tế bằng hương vị của món ăn.
Vĩnh lên giữ chức giám đốc thư viện. Anh nói ngồi vào cái ghế này cũng chẳng khác gì sách được đặt lên giá. Đặt để đó thôi chứ chẳng biết để làm gì. Vĩnh cho khôi phục, xây dựng lại phần thư viện bị cháy. Thỉnh thoảng có người tìm đến hỏi tên một cuốn sách đã thành tro. Người đến muộn hoặc là sách vô duyên. Túc bỗng nhiên nhớ đến ngọn lửa hôm ấy, một ngọn lửa ngôn từ thăng hoa cháy rừng rực sau phần đời bụi bặm, im lìm. Vĩnh nói sức phản kháng của con người chúng ta đôi khi không bằng sách. Cam chịu sự sắp đặt đến chết mà không dám hủy diệt người hoặc hủy diệt mình. Mười năm Túc đến đây chưa bao giờ thấy thư viện thành phố được người ta quan tâm đến thế. Dân kéo đến xúm xít xem đông như ngày xưa đi xem chiếu bóng. Vài người tặc lưỡi xót xa, cũng không rõ là xót xa gì. Vài người nói cái thư viện này nên cháy hết từ lâu, vì để đó cũng chả có ích gì. Giờ mấy ai còn vào thư viện ngồi đọc sách. Sách điện tử đầy, muốn gì tra Google là ra. Sách lậu cũng bán đầy vỉa hè, bỏ vài chục ra mua vừa đọc vừa ru ngủ. Sách cũ, sách quý ư? Thì cũng mấy ai cần. Người ta giờ quen ăn xổi ở thì, ăn sống nuốt tươi, ăn đồ công nghiệp. Quen sống gấp gáp, chớp nhoáng, chụp giật. Thích những thứ hiện đại, tươi mới, sồn sồn chứ đâu còn tha thiết cái quá vãng xa xôi dù nó có bền chặt, có sâu sắc đến mấy. Bỗng nhiên Túc nhìn đám cháy mà hả hê trong bụng. Lửa cháy phừng phừng những mặt người.
Công an có đến ngó qua loa đám cháy, họ không tìm thấy gì ngoài đống tro tàn. Người ta đổ trách nhiệm cho thư viện quản lý không tốt. Nhưng sự ra đi của người giám đốc già kéo theo đám cháy và những phiền lụy đi luôn. Vĩnh nói có thể không cần một mẩu thuốc, một mồi lửa, một lý do chính đáng. Sách cũng như con người đến một hôm nào đó thấy chán ngấy cuộc đời đã tự biến mình thành ngọn lửa. Như một diễn viên sau khi chán ngấy những vai hỉ, nộ, ái, ố nên đã diễn vai thắt cổ cuối cùng. Như một người đã từng yêu đến tận cùng thấy chán ngán cái thực tại nhạt nhẽo, vô vị nên mang tình yêu căng tràn trong quá khứ trầm mình xuống sông. Như một nhà bác học cả đời không tìm ra điều muốn tìm nên đã mang tuyệt vọng đào mồ tự chôn mình. Bỗng nhiên nhìn sách, Túc nghĩ về phần đời của mình, về tình yêu mà cô dành cho Vĩnh.
Túc có nhiều cơ hội để ra đi. Nói đúng hơn nơi đây chưa bao giờ kìm chân Túc. Nhưng Túc đã trót mang lòng thương yêu Vĩnh. Thứ tình yêu như chị nhà bếp yêu những gáy sách. Bởi Túc chưa bao giờ chạm được vào trái tim Vĩnh. Bí ẩn như những trang sách. Kỳ diệu và cũng đầy hỗn tạp như sách. Dẫu lòng Vĩnh có mở toang hoang Túc cũng chỉ là kẻ mù chữ, không hơn. Người hiểu được Vĩnh không ai khác lại chính là chị làm bếp. Họ đến sống chết với nơi này có phải cũng là để yêu nhau? Túc đớn đau nhưng không hờn giận. Bởi Túc yêu những con người sống ở nơi đây. Bi kịch nằm ở chỗ đó. Không thể vùng vẫy, buông thả cảm xúc khiến nhiều lúc Túc thấy mình bị mắc kẹt. Như những cuốn sách nằm kề bên nhau chật ních, thích hay không cũng cứ tựa vào nhau mà tồn tại. Dù Túc thừa nhận mình đã từng ảo tưởng. Rằng một ngày nào đó có thể hiểu được Vĩnh.
Không cần Vĩnh phải yêu Túc. Tình yêu trước tiên phải trọn vẹn ở phía mình. Túc chỉ cần hiểu Vĩnh đến tận cùng thì tình yêu ấy đã là trọn vẹn. Trong mối quan hệ giữa Túc và chị Nhài, nếu có gì đó ngoài sự cảm thông thì có lẽ chỉ là chút ghen tị rất đỗi đàn bà. Cảm giác đó thỉnh thoảng nhen lên trong lòng Túc rồi cũng nhanh tàn nhanh nguội. Không cần đọc trang sách nào trái tim chị cũng đủ sự tử tế để chinh phục Vĩnh. Còn Túc, cô đến đây để chạy trốn tình yêu nhưng cuối cùng lại vì tình yêu mà ở lại. Hoặc là vì những cuốn sách đang mỗi ngày chờ từng ngón tay Túc lướt qua kiểm kê, lau chùi và thủ thỉ với chúng về một ngày lặng lẽ. Túc không muốn cắt nghĩa rõ ràng. Để làm gì? Cũng chẳng để làm gì cả. Cũng chỉ là trôi ra biển cùng nhau như ước ao của Vĩnh.
Một sáng thức dậy, đứng trên tầng cao nhất của thư viện nhìn ngắm thành phố ngược xuôi. Túc nhói lên một cơn đau tim ngọt lịm. Mười năm qua lòng Túc chưa bao giờ thanh thản và cũng chưa bao giờ đớn đau đến thế. Như gió đùa đùa mặt chữ. Như cái miết tay lên gáy sách dịu dàng. Thành phố ồn ào ngoài kia không thể chạm đến đây. Người ta lãng quên nơi này hay nơi này lãng quên mọi xô bồ ngoài kia, tất cả đều không còn quan trọng. Túc chẳng cần đi đâu để tìm một đời sống khác. Bởi Túc tin đây là phần đời tử tế nhất mà cô may mắn được sống trong đời.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG