Không ghi lại những câu thơ một thời sống kiêu dũng của Phan Duy Nhân trong dòng văn học yêu nước của một thời tuổi trẻ đô thị miền Nam, tôi chỉ muốn chia sẻ chút cảm nghiệm của riêng mình khi đọc những dòng tâm tình trên con đường của chính anh. Đó là cuộc sống mà anh đã dành một nửa cho em một nửa cho đời (Những ao ước và thơ trong hiện thực đời thường). Đó là ước mơ về hạnh phúc, của anh cũng như của mọi người. Bởi, sống là kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thì còn là câu chuyện dài.
Nhiều người đã nói về hạnh phúc. Như L. Aragon: “Hạnh phúc như vàng kia ôi tiếng dị kỳ / Nó lăn trên sàn như con xúc xắc lăn đi”. Ở đây, Phan Duy Nhân có cách nói khác, với những thiên đường anh vẫn đến đêm đêm, nơi có ảnh hình người thương như một thứ ánh sáng xanh dịu ánh ngày thắp sáng đêm đen, để anh có thể… sinh sôi trong triệu triệu lần em… Nhưng cuối cùng, hạnh phúc là sự hòa nhập, là tình yêu được trao gửi về cái đám đông đã chịu quá nhiều đau khổ của chia ly, mất mát: Nắm tay ai cũng bà con nhỉ/ Xin bớt vơi đầy giữa trái tim (Thơ xuân đọc với Nam Hà)
Phan Duy Nhân (người thứ 3) trong cuộc họp mặt Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (1970-1975), tháng 3.2010. |
Chính vì hạnh-phúc-khổ-đau này mà con người đã sống. Sống để vượt qua chính mình, dẫu thâm cảm rằng cuộc sống có ý nghĩa luôn luôn là sự đan xen giữa mơ và tỉnh: Một vầng sáng ảo trong mây khói/ Trừ tịch đêm nào lại có trăng? (Cũng vầng trăng đó, tuổi thơ).
Khi nói về Phan Duy Nhân, một vài người tỏ ra thích thú khi muốn “vẽ” chân dung anh qua câu thơ: Thuở trước thiền sư làm chính ủy/ Câu thơ tới giờ còn mang gươm! (Vĩ thanh mới), mà anh đã viết vào năm 1990. Tôi không tâm đắc gì sự ví von này, vì sự so sánh nào cũng… khiếm khuyết cả. Duy có điều, tôi tin rằng anh đã sống trung thực với chính mình: Làm trai chống kiếm bước chân đi / Ra đi nên thẳng đường đi thẳng (Bài ca trăng thu sông Trà). Cái “sự” ra đi này, thoạt nhìn có vẻ như bất đắc dĩ nhưng nếu ngẫm nghĩ… chầm chậm, thì dường như xuất phát từ lương tâm; dẫu nhiều lúc bị chìm lấp nhưng lương tâm không hề mất đi, khi muốn sống-làm-người, nhất là khi muốn được sống: Thanh thản những tháng ngày treo ngược/ Không chỉ kẻ thù, còn nữa, giữa anh em!/ Sống là yêu, người tồn tại nơi người (Dự báo tình khúc tháng giêng).
Không hề dễ dàng, khi chính những gì đang chuyển động “bên trong” là một bãi chiến trường, nơi ai xé tan anh vụn nỗi niềm, nơi mà: Hồn anh mái xám vòm tu viện/ Lồng lộn đêm đêm trận gió gào (Dạ khúc cuối năm).
Cái bối cảnh của tâm thức ấy lại chính là cái “nền” của thời đại, đặc biệt là trong điều kiện của một dân tộc đang quằn quại giữa nanh vuốt chiến tranh. Chiến tranh là hiện tượng không bình thường nhưng chiến tranh bảo vệ tổ quốc luôn luôn là nghĩa vụ của mọi công dân. Lịch sử tất cả quốc gia đều như thế cả: mọi dân tộc đều chống ngoại xâm. Sau chiến tranh, những Thánh Gióng vô danh bay trở về nơi họ đã ra đi: Nhân Dân. Sau chiến tranh, luôn luôn là những “xé lòng”, đến mức khiến mỗi cá nhân dễ rơi vào khoảng từ trường xa lạ không định hướng: Anh sống như trôi ở giữa hè/ Còn đâu đến nữa, biết đâu về! (Tự tình 4).
Nhưng con người là một sinh vật không ngừng vươn tới. Và những mục tiêu mà con người mơ ước luôn luôn trở thành một thứ lý tưởng, như ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm. Có lẽ đó là ý nghĩ của mỗi công dân và cũng là khát vọng của cả cộng đồng. Với Phan Duy Nhân, thì đó chính là lòng biết ơn cuộc sống: Như kẻ hành hương vừa rũ bụi / Ơn nhau trong sáng trái tim đầy (Thơ xuân đọc với Nam Hà). Lòng biết ơn này không chỉ giới hạn trong phạm trù đạo đức mà là sự không ngừng vươn tới trong hành trình ý thức để thấu triệt cái lẽ Còn-Mất-Được-Không. Bởi vì, chỉ có nhận thức ấy mới có thể mang lại sự bình an cho riêng mỗi người, giữa một thế giới mà “chồn cáo còn có hang, chim trời có tổ, còn con người không có chỗ tựa đầu”. Nhưng bởi vì “cuộc đi” chưa đến điểm cuối, thì vẫn phải bước tới, phải vác thập giá mà đi góc biển chân trời (Người lữ hành trở lại), trong quãng đường còn lại: Vậy phải tự quên anh, đêm tàn tan bóng tối / Như tự đập tan người thành bụi sáng bình minh ! (Trên đồi Golgotha).
May thay, ở khoảng cuối cuộc hành trình, dường như anh đã mơ hồ chạm đến được ý nghĩa chân xác cuối cùng: đời người là cuộc hành hương: Đã cuối đời ư? Lại bắt đầu / Hoa đàm tỏa sáng tới ngàn sau / Thủy triều dâng với trăng viên mãn / Thanh tịnh thời gian lắng bể dâu… (Hành hương).
Nhưng cuộc hành hương ấy không phải là sự lẩn tránh những ma chiết của đời mà vẫn là những bước suy nghiệm giữa cuộc nhân sinh để nhìn thấy cái Đẹp của chốn trần gian. Với nhà thơ, là cách nói… thơ: Tôi cố giam mình trong hữu hạn/ Con tim đường thẳng tới vô cùng/ Đi từ không có từ chưa có/ Em đến cùng tôi nơi tánh không. Nhưng cái gọi là “tánh không” ấy, với một thi sĩ, thì lại là ước mơ… thơ: Viết cho nhau những dòng ánh sáng / Thơ tôi ơi, hãy vượt thời gian! (Bày tỏ với bình minh)…
Những gì mà Phan Duy Nhân đã từng suy ngẫm là con đường mà nhiều người đã đi qua, cần phải đi qua, vừa với tư cách công dân vừa trong ý nghĩa mang tính bi kịch của phận người. Trên con đường ấy, giữa biết bao nhiêu cái chấm người đang âm thầm xô chuyển, có thể nhìn thấy cái bóng nhẫn nại của Phan Duy Nhân.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT