Họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế cùng các cộng sự của Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam vừa ra mắt công chúng Đà Nẵng triển lãm có tên rất gợi là “Trúc chỉ - Lời của sông - phiên bản 2017” (từ 30.9 đến 14.10 ở Bảo tàng Mỹ thuật). Một lễ khai mạc khá “ngược ngạo”: thay cho nghi lễ cắt băng là hình ảnh một già một trẻ cùng chế tác hai bức tranh Trúc chỉ và trưng bày ngay sau đó cùng những tác phẩm khác.
Họa sĩ Phan Hải Bằng.Ảnh: H.V.M |
Phan Hải Bằng là thế, luôn đầy ý tưởng mới lạ để gây bất ngờ cho người đối diện và công chúng. Vậy nên chẳng lạ khi trong suốt sự nghiệp “vẽ vời” của mình, anh loay hoay hết sơn dầu qua sơn mài, và Trúc chỉ (đã đi qua chặng đường gần 7 năm) có vẻ như vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng của anh. Còn nhớ sau cuộc giao lưu với công chúng trong buổi khai mạc triển lãm nhằm làm rõ hơn về ý niệm, quá trình hình thành Trúc chỉ và Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam; đặc biệt là đóng góp của Trúc chỉ cho khái niệm giấy Việt Nam và nghệ thuật tạo hình/ thị giác, nghệ thuật đồ họa Việt Nam một loại hình mới và thuật ngữ Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy, anh thở phào nhẹ nhõm: “Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nói về những vấn đề lý luận và học thuật liên quan đến Trúc chỉ, vì như thế đã quá đủ. Sau này, tôi sẽ chỉ nói về tính ứng dụng của Trúc chỉ đối với đời sống…”.
Theo tôi biết thì triển lãm lần này là một phiên bản mới của “Trúc chỉ - Lời của sông” năm 2016 diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội). Xin ông cho biết phiên bản 2017 ở Đà Nẵng lần này có gì khác và đặc biệt so với phiên bản 2016? Và vì sao lại là “lời của sông”?
Họa sĩ Phan Hải Bằng sinh năm 1971 tại Quảng Bình. Ông hiện là giảng viên bộ môn Đồ họa của Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Ông là người sáng lập Trúc chỉ và Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. |
Khác biệt đầu tiên là lần này chúng tôi trưng bày tác phẩm hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m. Phiên bản 2016, do không gian ở Viện Goeth Hà Nội quá chật hẹp nên chúng tôi chỉ trưng bày một đoạn ngắn. Đặc biệt lần này có sự thể hiện một phép tiếp biến về văn hóa bản địa với 12 mô hình trụ đứng Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng miền Trung: Linga - Yoni cùng hệ thống hình ảnh gợi nhớ quê hương; những tín hiệu Chăm trong họa tiết ở toàn bộ hệ thống tác phẩm…
“Lời của sông” là chúng tôi lấy cảm hứng từ câu: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” của triết gia Heraclite. Đời sống và sáng tạo vận động không ngừng nghỉ, cả hai đều lần lượt hiện ra với những biểu hiện mới, khác, lạ… như một phép tiếp biến tất yếu. Những giá trị truyền thống xưa cũ là tiền đề cho sự phục sinh mỗi lần mỗi mới, mạnh mẽ hơn. Những dòng sông đã ra đời, đã trôi đi và đã phục sinh, thành những hóa thân khác, tưởng chừng như dưới cùng một hình hài! Và những giá trị văn hóa mới đã được hình thành như thế.
Nhưng công chúng, số đông vẫn chưa hiểu Trúc chỉ nghĩa là gì?
Danh xưng “Trúc chỉ” được nhà văn - dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4.2012, với ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt. Trúc chỉ theo ý đó được hiểu là một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra.
Điều này có thể thấy thông qua tính chất tương đồng ở các nước trong khu vực và châu lục: Hòa chỉ (washi) là danh xưng để chỉ các loại giấy của người Nhật, Hàn chỉ (hanji) - các loại giấy của người Hàn Quốc, Xuyến chỉ - các loại giấy của người Trung Quốc… chứ không nhằm chỉ một loại nguyên liệu cụ thể nào như: Gampi, Kozo, Hemp…
Dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển |
Điều này cũng có nghĩa là Trúc chỉ hoàn toàn không chỉ sử dụng duy nhất nguyên liệu tre như nhiều người vẫn nghĩ lâu nay. Trước đây, trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, nhiều loại nguyên liệu khác nhau đã được sử dụng như: rơm, tre, mía, chuối, dâu, bèo, lá, cỏ, giẻ… Tre là một trong những nguyên liệu được ưu tiên lựa chọn do sự phổ biến và tính biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
New light - New sight - Newlife (ánh sáng mới, góc nhìn mới sẽ cho ra những sức sống mới) là sologan của họa sĩ Phan Hải Bằng từ những ngày đầu khi sáng lập Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam từ cách đây gần chục năm. New light - New sight - Newlife cũng là kim chỉ nam sáng tác của Phan Hải Bằng trước đó với nhiều chất liệu khác nhau.
Nhưng đến khi dự án được triển khai thì đó là một “phép cộng và sự trở về”. Và bây giờ là giai đoạn của sự “tiếp biến văn hóa” khi những giá trị của Trúc chỉ sẽ góp phần cộng thêm cho mỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp, đồ họa... một giá trị mới kiểu trước đây có giấy Dó thì giờ có thêm Trúc chỉ; trước đây có tre và những sản phẩm từ tre thì giờ có thêm Trúc chỉ; ngoài những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống khác thì có thêm Trúc chỉ...
Và sự sáng tạo miệt mài, không ngừng nghỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã được ghi nhận xứng đáng khi thuật ngữ “đồ họa Trúc chỉ” đã được công nhận và sử dụng chính thức.
Vậy “kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ” là gì? Và quy trình để hình thành một tác phẩm đồ họa Trúc chỉ như thế nào, thưa ông?
Có hai quy trình nối tiếp nhau để hình thành một tác phẩm đồ họa Trúc chỉ, quy trình làm giấy và quy trình đồ họa Trúc chỉ.
Về quy trình làm giấy, tiếp nối quy trình truyền thống, thay thế bằng các nguyên liệu, phương pháp khác: ngâm, nấu, rửa, nghiền, thu được bột giấy, seo giấy (vận dụng thêm các phương pháp seo giấy khác truyền thống). Khi tấm giấy hình thành trên khung seo, quy trình làm giấy coi như kết thúc, sau đó chỉ còn làm khô và bóc ra thành giấy thành phẩm.
Về quy trình đồ họa Trúc chỉ, ngay khi quy trình làm giấy hoàn thành, quy trình đồ họa Trúc chỉ bắt đầu. Với tấm giấy còn ướt trên khung, nghệ sĩ sẽ tác động lên bề mặt của nó bằng các phương thức khác nhau, nhằm thay đổi cấu trúc xơ sợi và bề mặt để tạo các hiệu ứng thẩm mỹ, biểu hiện. Một trong những cách đó là sử dụng kỹ thuật tạo áp lực nước (water spray), kết hợp với nguyên lý của chế bản đồ họa, cụ thể là in khắc kim loại (etching) và in xuyên (silk screen) để tạo nên nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác như mong muốn của nghệ sĩ. Mặt khác, nghệ sĩ cũng có thể sử dụng áp lực nước như một “bút vẽ” đặc biệt vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt.
Đây cũng chính điểm khác biệt tạo nên nét đặc trưng và độc đáo mà Trúc chỉ đã tạo dựng được, trên nền tảng tiếp biến, vận dụng các nguyên lý, kỹ thuật đã có theo một phương thức mới một cách khoa học và sáng tạo. Từ đó hình thành nên thuật ngữ Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy, được công nhận và sử dụng bởi các họa sĩ, nhà chuyên môn của Việt Nam cũng như bạn bè các nước khác.
Đồng thời là một trong những yếu tố làm cho Trúc chỉ trở thành một khái niệm để chỉ một loại hình nghệ thuật mới trong nghệ thuật giấy và nghệ thuật đồ họa nói riêng của Việt Nam.
Thưa ông, mặt nào đó, Trúc chỉ là sự giao thoa giữa một tác phẩm nghệ thuật và một sản phẩm/ mặt hàng ứng dụng?
Đúng như vậy, bởi Trúc chỉ hoạt động và phát triển 2 mảng song song: Nghệ thuật tạo hình và thiết kế ứng dụng. Với biên độ ứng dụng rộng khắp, trải dài từ thiết kế phụ kiện cho đến ứng dụng trong nội thất, hiện tại Trúc chỉ đang đẩy mạnh phát triển các hạng mục (item) được yêu chuộng hiện nay, như: Bộ sưu tập dành cho các chị (dù Trúc chỉ, nón Trúc chỉ, quạt Trúc chỉ, xắc tay Trúc chỉ và ví Trúc chỉ). Bộ sưu tập ứng dụng trong nội thất gia đình (phòng thờ tâm linh, phòng thư giãn, phòng thiền, phòng khách và phòng làm việc). Bộ đèn trang trí Trúc chỉ, ứng dụng trong nội thất gia đình, nội thất nghỉ dưỡng... Quà tặng cao cấp trong các sự kiện quan trọng cấp tập đoàn, cấp lãnh đạo (ví dụ quà tặng của tỉnh Thừa Thiên Huế cho Nhật hoàng khi ngài đến Huế tháng 3.2017). Chúng tôi còn được chọn làm quà tặng đối tác 2 năm liền của Viện Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt Viettel đã chọn Trúc chỉ tặng cho khách hàng ở thị trường nước ngoài…
Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh mảng thiết kế Trúc chỉ đi đến kết quả tinh túy nhất và nâng cao tính khả thi ứng dụng. Đào tạo nhân sự, nâng cao tay nghề để góp phần đưa các thiết kế đã định hình đi vào đời sống phổ thông một cách giản dị tự nhiên nhất.
Xin cám ơn ông!
TƯỜNG MINH (thực hiện)