Lúc 10 giờ 10 phút ngày 29.6.2015, trái tim của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ngừng đập trong phòng điều trị của Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Tôi gọi ngay cho các báo để các bạn đồng nghiệp nắm thông tin rồi đợi qua giờ nghỉ trưa mới gọi cho Báo Quảng Nam. Bài viết này như một lời chia sẻ với các bạn đọc quê nhà về một phẩm chất tuyệt vời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – tố chất trong sáng, tươi đẹp và tài hoa của một người Quảng Nam chân chính.
Những năm mới bước chân vào đời ca nhạc, tôi vẫn thường hát bài Có một đàn chim – một sáng tác gần như đầu tay của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Đàn chim tung bay mùa thu cây vàng mờ mờ/ Đàn chim ra đi khi mùa thu sang giăng tơ”. Trong những năm 1940, người nhạc sĩ ấy đã nghĩ đến khát vọng lớn lao của con đường cách mạng mà mình chọn lựa “Hỡi châu Á đang khổ đau ta đứng lên vì người vì hòa bình”. Tôi mong ước sao được gặp người nhạc sĩ tài hoa ấy. Thế nhưng phải đợi đến sau năm 30 tuổi, tôi mới được gặp ông giữa Sài Gòn. Từ đó, chúng tôi rất quý mến nhau, dù ông hơn tôi đến 27 tuổi.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại Hội An (năm 2010). (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Dù làm gì và ở đâu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn thể hiện phẩm chất trực tính của một người Quảng Nam rõ rệt. Điều gì không vừa ý, ông nói ra ngay, và nói với phong thái rất… Quảng Nam, nghĩa là không tránh né, không rào đón. Làm giám khảo cho một cuộc thi ca hát trực tiếp truyền hình, khi thí sinh hát bài Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của tôi, ban nhạc đệm chơi nghe ra hơi… cà giựt, ông đứng dậy, cầm micro khen ngợi giọng hát rồi xoay qua phê bình ban nhạc: “Đây là bài phát triển dân ca Nam bộ lãng mạn và dịu dàng, phong cách của nhạc ballade. Mấy anh lại chơi nhạc cà giựt, cà giựt y như nhạc trẻ. Chơi vậy là làm mất tính dân tộc của ca khúc, nghe sao cho vô lỗ tai?”.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc đương đại với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Trong thời gian này, ông viết một số ca khúc như: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam... Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là ca khúc phổ thơ như: Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Quảng Nam yêu thương... Ông cũng sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác... Theo thông tin từ những người thân của nhạc sĩ thì ông bị sốt xuất huyết nhưng vẫn còn khỏe và tỉnh táo trước khi nhập viện vào sáng 26.6 tại Bệnh viện Thống Nhất. Ngay khi bác sĩ đến nhà khám và thông báo ông bị thiếu máu và yêu cầu nhập viện, gia đình đã đưa vào bệnh viện. Sau hơn 2 ngày nhập viện, sáng 29.6, các bác sĩ thông báo cho gia đình biết ông bị hôn mê sâu và ra đi lúc 10 giờ 10 phút. Linh cữu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh). |
Yêu quê nhà Quảng Nam – Đà Nẵng nên mỗi khi quê nhà có lễ hội văn hóa văn nghệ gì là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẵn sàng về ngay; không phân biệt tỉnh, huyện hay xã mời về. Tôi với ông cùng đi, cùng ăn, cùng ở và cùng tham dự để có cảm hứng viết ca khúc phục vụ cho quê nhà. Tính ông hóm hỉnh, hay trào phúng theo kiểu Quảng Nam làm tôi cười lộn ruột. Một lần lên Mỹ Sơn, em lái xe sợ trễ nên gắn còi hụ xin đường, chạy nhanh. Ông nói: “Sao Biển nề, đây là lần thứ hai tôi vinh dự được ngồi xe có còi hụ và chạy nhanh đến vậy”. Tôi hỏi: “Vậy lần thứ nhất là lần nào?”. Ông cười: “Bữa nớ, mình đi từ quận 10 qua Tân Bình; xe cấp cứu của nhà thương rước!”.
Mùng 9 tết hàng năm, tôi thường về làng cũ – xã Duy Vinh, Duy Xuyên để tham gia tổ chức hội xuân, gây quỹ tương trợ cho bà con nghèo làm nhà. Mùa xuân năm 2010, Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh, ông Nguyễn Văn Năm muốn tôi mời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về giao lưu với bà con. Tôi mời và ông đồng ý đi ngay. Chúng tôi được bố trí ở Hội An để chiều tối qua Duy Xuyên. Tôi nhắc ông: “Anh sẽ lên sân khấu hát với các em văn công nữa đó nghe”. Ông cười: “Mình hát còn tốt lắm, hát lên là bà con chạy liền hè. Chạy là chạy tới coi đó, chớ không phải là bỏ chạy đâu”. Quả nhiên trong đêm diễn mùng 9 tết năm ấy, người nhạc sĩ lão thành 86 tuổi hiên ngang cầm micro, leo 8 bậc cấp lên sân khấu, cùng hát Cuộc đời vẫn đẹp sao của mình với các em ca sĩ của Trung tâm Văn hóa Hội An. Tiết mục của ông được bà con tán thưởng nhiệt liệt.
Phan Huỳnh Điểu sống một cuộc đời trong sáng, ngay ngắn, đúng với phong cách một lão thành cách mạng Quảng Nam về hưu. Trước đây, ông được thành phố cấp cho căn nhà ở khu vực nằm giữa quận 1 và xóm Miếu Nổi (quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh). Thành phố quy hoạch, cải tạo và xây dựng mới chung cư Miếu Nổi; ông được cấp căn nhà khác ở cư xá Bắc Hải (quận 10). Về “nhà mới”, ông không đủ tiền để sửa sang cho tươm tất thêm một chút. Những người quý mến ông, những học trò của ông đã góp tý chút, sửa cho ông được một căn phòng khang trang để ông có chỗ tiếp khách và đọc sách. Ông có vẻ rất vui về căn phòng đó. Tuy nhiên, khi tiếp khách hay trả lời phỏng vấn các đài truyền hình, ông thường thích ngồi trước hiên, nơi có giàn bầu nậm và mấy chậu hoa.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là biểu tượng của sự tài hoa, biểu tượng của lòng thanh cao và tính ngay thẳng. Ông như cây kơnia trong một ca khúc của mình, tỏa bóng dịu mát xuống đời sống âm nhạc hiện đại, nêu tấm gương trong sáng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ hôm nay. Với tôi, ông là một người anh cả quá đỗi thân yêu. Con người ấy không còn sống giữa đời với chúng ta nữa nhưng âm nhạc của ông và sự trong sáng của ông thì còn mãi với thời gian và trong tâm hồn người yêu nhạc.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN