Một sáng, trong căn gác xinh xắn ở cư xá Bắc Hải, nằm trên đường Thất Sơn (phường 14, quận 10, TP.Hồ Chí Minh), tôi ngồi lặng lẽ nghe tiếng đàn măng-đô-lin vang lên từ đôi tay người nhạc sĩ đã bước qua tuổi “cổ lai hy” nhưng vẫn nhịp nhàng, điêu luyện thả những nốt trầm bổng của “Thư tình cuối mùa thu”.
Ông ngồi đó, bên những giò phong lan còn ướt đẫm sương đêm và thả hồn mình phiêu du cùng âm nhạc. Một phong thái trầm tĩnh, một dáng dấp hiền từ và nét hào hoa đọng lại. Tôi biết, những lúc như thế, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lại trở về với cõi riêng của mình, để được hòa vào những cung bậc tình yêu mà cả đời ông lặng lẽ đi tìm trong thế giới muôn màu của âm nhạc. Cây măng-đô-lin gắn bó với nhạc sĩ hơn nữa thế kỷ, giờ đây vẫn là người bạn chung tình, mỗi sớm mỗi chiều cùng ông hòa điệu yêu thương với cuộc đời. Sự hòa điệu ấy đã cho ra đời hàng trăm bản tình ca kể từ dạo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dấn thân vào con đường âm nhạc...
* *
*
Những khi có cơ hội ngồi “hóng chuyện” cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi đều bắt gặp tâm trạng háo hức của ông khi nói về chuyện sáng tác mà đặc biệt là chuyện đi thực tế. Bởi theo ông, người làm nghệ thuật rất cần cảm xúc và cảm xúc thường được khơi nguồn từ những chuyến đi. Nhạc sĩ lấy một ví dụ của bản thân mình để nói về tầm quan trọng này. Cách đây vài năm, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc do Báo Công an TP.Hồ Chí Minh và Hội Nhạc sĩ thành phố phối hợp tổ chức, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu hồ hởi tham gia. Với ông, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong ở Đồng Lộc năm xưa luôn lung linh như những bông hoa đẹp nhất. Vì thế, nhạc sĩ có ngay bài hát “Tình yêu của mẹ” dựa trên lời thơ của Hồng Ánh và sự liên tưởng về hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong ngày nào để làm bật lên tấm lòng, nỗi thương nhớ của những người mẹ đã vĩnh viễn mất con cũng như sự bất tử của các cô gái trong lòng người đang sống hôm nay. Về giai điệu, ca từ, lúc viết xong, nhạc sĩ đã thấy ổn. Nhưng, khi được mời ra tận ngã ba Đồng Lộc để thăm và thắp hương cho những cô gái thanh niên xung phong cũng như tìm hiểu về gia đình, người thân của họ... nhạc sĩ đã quyết định thay đổi toàn bộ bài hát kể cả giai điệu, ca từ. Ông bảo: “Khi mình đặt chân đến ngã ba Đồng Lộc và ngồi trước mộ các cô gái cũng như chứng kiến những giọt nước mắt của người mẹ khi nhắc nhớ về con mình... cảm xúc đã bật lên thực sự...”. Và, Tình yêu của mẹ vì thế đã đi vào lòng người và đoạt giải nhất cuộc thi.
Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dự lễ khánh thành Bảo tàng tỉnh và xem triển lãm Mỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ 2-2015. Ảnh: TRÍ HIỂN |
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quý trọng từng phút, từng giây trong quỹ thời gian còn lại của đời mình. Vì thế, trong lần về Quảng Nam cách đây chưa lâu, không chịu nghỉ ngơi, ông quyết định đi Nam -Bắc Trà My, một vùng đất mà ông có nhiều kỷ niệm. Chốc chốc ông chỉ tay rồi bảo với người lái xe dừng lại để một mình thẫn thờ trước sông. Ngã ba Nước Vin là chỗ ông dừng lâu nhất. Chỗ ấy, ngày xưa nhà văn Chu Cẩm Phong chia tay với người yêu để đi về đồng bằng rồi hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức với địch. Chỗ ấy, đi ngược lên một chút nữa là trại sản xuất của Ban Tuyên huấn khu V ngày nào. Hình ảnh những chàng trai là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, đạo diễn... từ miền Bắc được tăng cường vào chiến trường khu V, tuổi đời còn khá trẻ, lưng trần hì hục cuốc đất trồng sắn, tỉa lúa... dù trong khó khăn, vẫn lạc quan và sắt son một niềm tin chiến thắng. Ông không thể nhìn một lần mà ghi nhớ hết cảnh cũ, người xưa, nên bao giờ chiếc camera mini cũng đồng hành với ông trong mỗi chuyến đi…
Hơn 70 năm sáng tác, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã công bố hơn 100 ca khúc, phản ánh một sự nghiệp sáng tác khá dày dặn của ông theo chiều dài một giai đoạn lịch sử đất nước. Âm nhạc Phan Huỳnh Điểu có sự nhớ nhung dành cho quê hương, có chất hùng tráng một thời máu lửa bằng giai điệu trữ tình trong các ca khúc như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Quảng Nam yêu thương, Mùa đông binh sĩ... Với những ca khúc viết về đề tài tình yêu đôi lứa, nhạc sĩ luôn lồng vào tình cảm chung của dân tộc và thời cuộc như: Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thuý Bắc), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh)... Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 2 năm 2000 vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. |
Hình như, Phan Huỳnh Điểu rất mê đi về miền núi. Năm ngoái, tuổi ông đã chín mươi, ai cũng ngại cho quyết định lên Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức... Ông cười giòn tan: “Yên tâm đi, mình đi được...”. Chữ “được” ông cố gắng nói gọn và dứt khoát để mọi người khỏi phải e ngại. Quả thật, ông đã đi được và đi rất sung. Mấy ngày cùng Phan Huỳnh Điểu ngược miền tây, nhà văn thế hệ đàn em Nguyễn Bá Thâm, người cũng một thời gắn bó với núi rừng Quảng Nam xem chừng cũng đã “bở hơi tai” mà nhạc sĩ thì vẫn bình chân như vại. Dọc những cung đường đèo dốc, chiếc camera mini gần như luôn ở chế độ “rec”. Tôi hiểu, Phan Huỳnh Điểu muốn tranh thủ từng khoảnh khắc của chuyến trở về. Sau khi ngược đầu nguồn sông Thu Bồn, ông gợi ý cùng tôi thực hiện một ký sự về dòng sông này. Có lẽ, Thu Bồn, Vu Gia hay Trường Giang... với Phan Huỳnh Điều cũng là dòng sông chảy mãi trong tâm thức. Nhưng, với Thu Bồn lại mang một ý nghĩa lớn hơn, thấm đẫm nhân tình hơn. Dòng sông ấy không chỉ là nguồn cảm hứng của thi ca, nhạc, họa... mà còn là nơi máu xương của đồng đội thấm vào lòng đất mẹ, làm nên những mùa màng tươi xanh. Mấy chục năm trôi qua, hình ảnh những Chu Cẩm Phong, Xuân Quý, Văn Cận, Nguyễn Hồng... hình như vẫn lưu luyến, reo ca cùng với dòng Thu Bồn và cứ trở đi, trở lại trong giấc mơ của nhạc sĩ.
Hôm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về Quảng Nam dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương mới đây, tôi hỏi rằng, thường ở tuổi như bác, người ta đã nghỉ ngơi, an dưỡng sau những thăng trầm trong cuộc đời, với ông thì sao? Phan Huỳnh Điểu cười hiền từ bảo rằng: “Không biết tôi năm nay có phải 91 tuổi không mà vẫn thấy còn trẻ trung như hồi đôi mươi đi kháng chiến, vẫn thấy yêu đời, thích đi đây đó và thấy còn sáng tác được…”
Ngoài chín mươi tuổi, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn nụ cười luôn nở trên môi, vẫn yêu đời như thuở hai mươi cầm măng-đô-lin theo những đoàn quân ra trận, vẫn hát cuộc đời vẫn đẹp sao… trong đêm nhạc mà quê nhà Đà Nẵng dành tặng sinh nhật tuổi chín mươi của ông hồi năm ngoái. Bước chân của ông hễ có dịp vẫn cứ sải trên mỗi chặng đường như rượt đuổi thời gian. Đặc biệt là mái tóc, một chiều ông đứng ở cổng trời xứ núi Đông Giang, giữa mây núi bao la, mái tóc màu cước ấy cứ bồng bềnh như trôi cùng mây trắng - một hình ảnh thật đẹp, đẹp như tấm lòng ông mấy chục năm luôn hướng về cố xứ.
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC