Phan Khôi nào mà ngớ ngẩn tới như thế?

PHAN NAM SINH 28/05/2023 07:35

Lật giở những tư liệu về Phan Khôi trên một số cuốn sách được các tác giả biên soạn sau này, giật mình bởi những chỗ sai sót không đáng có, dễ gây hiểu sai về tiền nhân.

Chân dung Phan Khôi. Ảnh: Tư liệu
Chân dung Phan Khôi. Ảnh: Tư liệu

Phan Khôi quên cả năm mất của cụ thân sinh mình?

Đọc “Phan Khôi - tác phẩm đăng báo 1933 - 1934” do nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, trong bài “Tư thân”, ký tên Thông Reo, đăng Trung lập, Sài Gòn, Tết Quý Dậu, ra ngày 21/1/1933, trong đó tác giả tự xưng là tôi, có kể câu chuyện đại khái như sau:

Tết năm đó, do được chủ thưởng một khoản tiền lớn nên tác giả ôm bạc đi tuốt xuống đường Catinad mua quà về biếu cha mẹ. Lúc về đến nhà, mới nhớ ra là cha mình đã chết trước đó ba năm.

Tới lúc đó lòng tác giả mới ngùi ngùi ngâm hai câu thơ xưa mà tuôn hai hàng lệ: “Muốn đem tấc cỏ lòng con/ Để mà báo đáp cho tròn ba xuân!”.

Sự thực, thân sinh Phan Khôi là cụ Phan Trân mãi đến ngày 12/4 năm Giáp Tuất, tức ngày 24/5/1934 mới qua đời. Tôi không tin, nhất là với Phan Khôi mà lại vô tâm đến thế. Bởi, dù xa nhà cả nghìn cây số, lại thường xuyên bận việc mưu sinh nhưng Tết nào ông cũng thu xếp về thăm gia đình, lẽ nào lại quên tới nỗi không nhớ năm mất của cha mình?

Hơn nữa, khi ông thân sinh mất, Phan Khôi túc trực cả mấy ngày đêm bên linh cữu cha, lại còn làm câu đối phiên âm Hán Việt như sau: “Từ quan vị tứ thập, nghi nhàn cảnh bất nhàn, ưu hoạn tằng niên duyên nữ tử/ Phụ tội ức tam thiên, dục hiếu do vô hiếu, bi toan hà xứ tố cao thiên”.

Dịch nghĩa: “Từ quan tuổi chửa bốn mươi, đáng nhàn mà chẳng đặng nhàn, lo lắng mãi vì con cái cả/ Mang tội nặng quá ba ngàn, muốn hiếu nhưng chưa tròn hiếu, đau thương kêu với đất trời hay”.

Thế thì làm sao Phan Khôi lại có thể quên ngày giỗ của cha mình chứ đừng nói là quên cả năm cha mất? Vì vậy, tôi ngờ rằng bài “Tư thân” nói trên là của Thông Reo - Nguyễn An Ninh chứ không phải là của Thông Reo - Phan Khôi.

Khẳng định được như thế là vì từ đầu năm 1933, những điều nghe thấy đăng ở Trung lập từ Phan Khôi viết đã chuyển qua cho Nguyễn An Ninh viết, nhưng vẫn lấy bút danh là Thông Reo.

Và, thân sinh Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Khương mất năm Tân Mùi, tức là năm 1931. Đem so với năm tác giả đăng bài “Tư thân” trên tờ Trung lập, tức năm 1933 là đúng ba năm, không hơn, theo như cách tính năm mất của ông bà ta xưa!

Có thế chứ! Lẽ nào Phan Khôi mà lại ngớ ngẩn tới mức quên cả năm mất của cha mình?

Phan Khôi sao lại đọc sai thơ của người khác lắm thế?

Đọc “Phan Khôi - tác phẩm đăng báo, in sách 1948 - 1958” do nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2019, trong đó có bài “Văn nghệ sĩ xuất phát đi mặt trận” của Thao Trường, tức nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đăng trên tạp chí Văn nghệ, số 17-18 tháng 11-12 năm 1949 tại Việt Bắc, trong có chi tiết Phan Khôi đọc thơ của một võ tướng người Tàu, thời Nam Tống, tên là Nhạc Phi (岳飞), trước lúc ông và các văn nghệ sĩ lên đường đi chiến dịch, mà đọc như vầy: “Niên lai trần thổ mãn chinh y/ Đắc đắc nhàn ngâm thượng thúy vi/ Hảo cảnh hảo sơn khan bất tuyệt/ Mã đề thôi sấn nguyệt minh quy”.

Hai tác phẩm tập hợp bài viết của Phan Khôi.
Hai tác phẩm tập hợp bài viết của Phan Khôi.

Ai chẳng biết đó là bài “Trì Châu Thúy Vi đình”, phiên âm Hán Việt như sau: “Kinh niên trần thổ mãn chinh y/ Đặc đặc tầm phương thượng thúy vi/ Hảo thủy hảo sơn khan bất túc/ Mã đề thôi sấn nguyệt minh quy”.

Đối chiếu với nguyên văn bài “Trì Châu Thúy Vi đình”, một bài thơ bốn câu của Nhạc Phi mà Phan Khôi đã đọc sai tới năm chỗ: kinh niên (经 年) mà đọc thành niên lai, đặc đặc (特 特) mà đọc thành đắc đắc, tầm phương (寻 芳) mà đọc thành nhàn ngâm, hảo thủy (好 水) mà đọc thành hảo cảnh, bất túc (不 足) mà đọc thành bất tuyệt, làm sai hẳn hoặc chệch cả nghĩa của bài thơ! Vậy mà tuyệt nhiên không thấy bất cứ một cái chú thích nào của tác giả bộ sách cả (!?).

Sẽ có người bảo có khi vì Phan Khôi nhớ sai thơ Nhạc Phi nên Nguyễn Huy Tưởng mới chép sai. Ai tin thì cứ việc tin nhưng tôi thì nhất quyết không tin. Phan Khôi, đỗ tú tài nho học từ năm 1906, lại là người được tiếng là cẩn trọng, tỉ mỉ khi đọc khi viết, lẽ nào lại không thuộc nổi một bài tứ tuyệt của Nhạc Phi? Phan Khôi nào mà lại cẩu thả, tùy tiện với cổ nhân tới mức như thế?

Tiếp theo đó, Nguyễn Huy Tưởng lại còn để cho Phan Khôi ngâm hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán chung thanh nguyệt mãn thuyền”. Ai chẳng biết đấy là hai câu cuối trong bài “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào dịp Tết Nguyên tiêu năm Mậu Tý (1948); phiên âm Hán Việt như sau: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.

Vậy là Phan Khôi đâu chỉ đọc sai thơ của Nhạc Phi, lại còn đọc sai thơ của cả Chủ tịch Hồ Chí Minh nữa. “Quy lai” mà đọc là “chung thanh”, nhầm qua câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” trong bài “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế - một nhà thơ đời Đường, bên Tàu!

Tất nhiên là tôi phản ứng, phản ứng lịch sự, xây dựng! Thế nhưng có người tỏ ý không bằng lòng, lấy cớ và đặt vấn đề rằng: trong điều kiện mạng lưới thông tin chằng chịt, lại vô cùng hiện đại như ngày nay, liệu việc phản ứng như vậy có quá đáng không?

Tôi chẳng thấy có gì là quá đáng cả! Ai thấy sai như tôi cũng có thể và rất nên phản ứng. Con cháu Phan Khôi thấy sai mà bỏ qua, không lên tiếng phản ứng để bảo vệ uy tín của bậc tiền bối, để khi tái bản bộ sách được tốt hơn thì có gì là quá đáng đâu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Khôi nào mà ngớ ngẩn tới như thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO