Phan Khôi qua "Con mắt còn có đuôi"

VŨ PHƯƠNG CHI 17/06/2014 09:37

Phan Khôi là một tên tuổi lớn trên các lĩnh vực báo chí, văn học - nghệ thuật nước ta trong thế kỷ XX, nhưng cuối đời sống trong bi kịch và ra đi trong đơn độc. Trong xu hướng đổi mới, NSƯT Huỳnh Hùng (Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng) thực hiện bộ phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” phản ánh một cách chân thực, dung dị và sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, nhân cách của nhân vật khá nhạy cảm này.

Câu chuyện phim bắt đầu từ cảnh một vùng quê thanh bình ở Quảng Nam. Vào Lễ hội thanh minh, ở xã Điện Quang, Điện Bàn, một phụ nữ đã qua tuổi thất thập đi viếng mộ cha mình - một ngôi mộ cũng giống như nhiều ngôi mộ khác ở Quảng Nam. Nơi đặt bia mộ, bên cạnh tên, bút hiệu, ngày sinh, ngày mất của người đã khuất, ống kính đặc tả bài thơ “Tình già” (Bài thơ mở đầu cho cuộc cách mạng về thi ca Việt Nam với sự ra đời của phong trào Thơ mới). Và, câu chuyện bắt đầu dẫn dắt người xem đến với những chặng đường “bảy nổi ba chìm” của tác giả bài thơ đã đi vào lịch sử nói trên.

Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hùng (bên phải) trao đổi với GS.Đinh Xuân Lâm về học giả Phan Khôi.
Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hùng (bên phải) trao đổi với GS.Đinh Xuân Lâm về học giả Phan Khôi.

Phan Khôi sinh năm Đinh Hợi - 1897, tại Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là con của phó bảng Phan Trân, là cháu ngoại cụ Hoàng Diệu. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhận đóng góp xuất sắc của ông khi khai sinh ra phong trào Thơ mới - 1932. Và có lẽ ông là người tiêu biểu nhất cho tính cách “hay cãi” của người Quảng Nam khi châm ngòi cho các cuộc “bút chiến” vang dội từ Nam ra Bắc với nhiều tên tuổi như Trần Trọng Kim, Hải Triều, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Lê Dư, Huỳnh Thúc Kháng. Có nhà nghiên cứu cho rằng Phan Khôi là học giả phản biện xuất sắc nhất nước ta trong thế kỷ XX.

Với thời lượng 30 phút, nhiều trường đoạn trong phim đã động thấu tâm hồn người xem và có sức ám ảnh lớn. Đó là hình ảnh cánh cổng ngôi biệt thự sang trọng số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sập lại với những âm thanh khô khốc đến ớn lạnh khi ông Phan Khôi buộc phải rời khỏi nơi đây do tham gia “Nhân văn giai phẩm”. Đó là hình ảnh ngọn nến nhỏ nhoi, hiu hắt rồi lịm tắt trong một cái nhà kho tồi tàn tại số 73 phố Thuốc Bắc, nơi gia đình ông dọn đến ở lúc cuối đời. Đó là cảnh vợ chồng người con trai út Phan An Sa vào nghĩa trang Hợp Thiện - Hà Nội bốc một nắm đất tượng trưng đem về Quảng Nam xây cất thành một ngôi mộ để con cháu có nơi đi về hương khói... Và, người xem được dẫn dắt tới một sự thật xót xa: Ngôi mộ ở đầu phim thực ra chỉ là một “ngôi mộ gió”, bởi hài cốt ông đã thất lạc ngay ở Hà Nội trong những năm kháng chiến. Đó là hình ảnh người con gái Phan Thị Miều hiện đang sống ở Đà Nẵng với mái đầu đã bạc phơ vẫn hằng ngày tỉ mẩn lục trong ký ức, ghi chép những tư liệu về người cha yêu dấu của mình…

Có thể thấy, bằng những tư liệu quý hiếm cùng cách kể chuyện dung dị nhưng được triển khai một cách chặt chẽ và cách sử dụng hình ảnh mang ngôn ngữ điện ảnh cao, bộ phim đã phản ánh một cách chân thực, sâu sắc về một con người tiêu biểu cho tính cách “Quảng Nam hay cãi” cùng những đóng góp lớn lao của ông trên các lĩnh vực văn học, báo chí nước nhà trong thế kỷ XX.

Tháng 12-2012, Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng (DRT) hoàn thành bộ phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” về học giả Phan Khôi và được trao tặng Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32. Đầu năm 2013, ông Phan An Sa, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - thông tin, con út của học giả Phan Khôi, gửi thư cho NSƯT Huỳnh Hùng, Giám đốc DRT, (thư do bà Phan Thị Miều cung cấp), có đoạn: “... Ý nghĩa của sự kiện này không chỉ nằm ở chỗ bộ phim được giải, mà còn cao hơn, rằng nó là một thông điệp về quá khứ được chính thức phát đi cho đương đại tại một sự kiện văn hóa tầm quốc gia”.
Tối 9.3.2013, tại TP.Hồ Chí Minh, bộ phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” cũng đã được trao Bằng khen phim tài liệu truyền hình của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng phim tài liệu của Việt Nam lời bình nhiều, hình ảnh thì ít, kiểu sợ người xem không hiểu… làm mất đi tính hấp dẫn đối với người xem. Nhưng, với những gì được thể hiện ở “Con mắt còn có đuôi”, có thể khẳng định rằng: cách làm phim này vẫn có một con đường riêng để đến với khán giả. Vấn đề là tác giả có dám đi sâu, đi sát, đi tới tận cùng các vấn đề hay không mà thôi.

 “Con mắt còn có đuôi” không chỉ là câu chuyện về thân phận con người, không chỉ là nỗi ám ảnh về những con người bé nhỏ trước bão tố theo nhiều chiều liên tưởng của cảm xúc, phim còn mang đến một thông điệp rõ ràng: “Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta có độ lùi thời gian cần thiết để bình tĩnh xem xét lại không ít vấn đề trong quá khứ. Thời gian sẽ xác định cái đúng, cái sai một cách khách quan, công bằng với niềm tin rằng “Cái còn thì vẫn còn nguyên, cái tan thì ngỡ vững bền cũng tan” như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết”.

Cũng trong bộ phim, sự xuất hiện và bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, giáo sư Đinh Xuân Lâm, tiến sĩ Trần Hữu Tá... càng tăng thêm sự cần thiết đến bức xúc trong việc đòi hỏi phải đánh giá lại, trả lại những giá trị đích thực cho Phan Khôi cùng những đồng nghiệp trên chuyến xe bão táp năm nào.

Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì được tin sắp đến tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về nhà văn, nhà báo Phan Khôi. Chắc rằng tác giả bộ phim tài liệu “Con mắt còn có đuôi” sẽ vơi đi phần nào nỗi niềm trăn trở về nhân vật mà ông đặc biệt quan tâm này.

VŨ PHƯƠNG CHI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Khôi qua "Con mắt còn có đuôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO