Những cánh đồng rau quả sạch mơn mởn ở vùng đông huyện Thăng Bình đang đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân.
Được mùa, được giá
Ở xã Bình Sa, người nông dân các thôn Bình Trúc, Tiên Đỏa, Châu Khê đang bắt đầu tất bật thu hoạch rau quả để bán vụ tết này. Ông Phan Công Hoàng ở thôn Châu Khê cho biết, với diện tích gần 15 nghìn mét vuông trồng rau cải bẹ, củ cải, môn, khoai từ, đậu cô ve, xà lách, hành, ngò, dự tính thu được hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Các loại môn, khoai từ rất hiếm nên bán được giá, hơn 20 nghìn đồng/kg. Chỉ riêng 2 loại cây trồng này đem lại cho gia đình ông Hoàng hơn 20 triệu đồng ở vụ tết. Đối với các loại rau xà lách, cải bẹ, hành, ngò, đậu cô ve dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, ông Hoàng đã bố trí nhà giàn, phủ bạt, che mưa nắng... nên thu được sản lượng tốt. “Thị trường ngày càng kén chọn các loại rau, chỉ chuộng rau sạch. Nhờ được chứng nhận VietGAP nên tư thương đã đặt hàng, gia đình thu hoạch và bán từ nay đến tết chứ không lo đầu ra như mọi năm” - ông Hoàng nói.
Ở xã Bình Triều - vựa rau sạch cũng đang được nông dân thu hoạch, nhiều nhất ở thôn Hưng Mỹ. Ông Đặng Tấn Ưu (thôn Hưng Mỹ) cho biết, gia đình ông trồng các loại rau dền, húng, xà lách, cải, khổ qua, bí, bầu, hành, ngò, dưa leo với quy trình sản xuất rau sạch VietGAP, năng suất tăng 30 - 50% so với trước khi áp dụng quy trình này. “Mọi năm canh cánh lo đầu ra cho rau sạch nhưng nhờ khẳng định vị thế, quảng bá sản phẩm và liên kết với các mối bán hàng ở TP.Đà Nẵng, TP.Hội An, TP.Tam Kỳ nên chúng tôi yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, thu nhập cao gấp đôi năm trước, đạt chừng 60 triệu đồng/hơn 1ha diện tích” - ông Ưu nói. Ở xã Bình Giang, Bình Phục, nông dân tất bật thu hoạch khoai môn, khoai từ, hẹ, kiệu để bán cho tư thương. Ông Hoàng Văn Thanh (thôn 3, xã Bình Giang) cho biết, bắt đầu xuống giống trồng kiệu từ đầu tháng 6 âm lịch trên diện tích gần 1ha. Kiệu phát triển tốt nên thu hoạch từ 5 ngày qua. Dự tính, đến giữa tháng Chạp, toàn bộ ruộng kiệu của gia đình sẽ thu hoạch xong. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất kiệu cao, hàng lại khan hiếm nên bán được giá. Tính trung bình, nếu như năm ngoái mỗi sào kiệu bán được 25 triệu đồng thì năm nay lên tới 35 triệu đồng/sào.
Chuyên canh rau quả sạch
Mới đây, Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm (Bộ NN&PTNT) đã kết thúc khóa đào tạo trồng rau quả công nghệ cao với sự tham gia của hơn 50 học viên trồng rau sạch xã Bình Triều sau hơn 1 tháng triển khai. Khóa học tập trung vào các nội dung trồng rau hữu cơ, trồng rau VietGAP, thực hành trồng rau sạch, đi thực tế tham quan, học hỏi trồng rau sạch ở Vinpearl Eco (xã Bình Dương và Bình Minh, Thăng Bình). TS.Đặng Thị Mộng Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm cho biết: “Với khóa học này, hy vọng nông dân vận dụng kỹ thuật tiến bộ vào thực tế sản xuất để tăng sản lượng, năng suất, chất lượng rau sạch. Mong huyện Thăng Bình nhân rộng mô hình này đến toàn huyện cũng như tiếp cận thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích trồng rau sạch của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”.
Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, tổng diện tích trồng rau quả trên địa bàn là hơn 210ha. UBND xã tạo mọi điều kiện giúp nông dân trồng rau quả sạch theo hướng chuyên canh để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất. Thành quả ban đầu là cánh đồng rau quả sạch đã hình thành trên địa bàn thôn Châu Khê với 10ha diện tích sẽ tạo cú hích để nhân rộng ở các thôn khác như Tiên Đỏa, Bình Trúc, Tây Giang, Cổ Linh. Theo đó, địa phương chú trọng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện để chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến giúp người dân yên tâm canh tác rau quả sạch. Về đầu ra sản phẩm, xã tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường rau sạch ra các địa phương trong và ngoài tỉnh. “Tiềm năng trồng rau quả sạch của địa phương rất lớn với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp nên sẽ khai thông đem lại giá trị cao hơn cho nông dân. Chúng tôi phấn đấu phát triển rau quả sạch sẽ là thương hiệu lớn của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - ông Anh nói.
Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, địa phương đã hỗ trợ nông dân đầu tư 15 nhà lưới trồng rau với diện tích 300m2/nhà, hỗ trợ 50 giếng bê tông, 20 bể sơ chế rau tại ruộng, 50 mô tơ bơm nước, 50 hệ thống tưới. Nhà máy sấy rau củ quả của xã được nâng cấp từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 170 triệu đồng. Cơ sở vật chất hiện đại giúp các hộ sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ tại các chợ đầu mối mà cả các siêu thị tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (HTX Mỹ Hưng) dù có thời điểm hoạt động khó khăn nhưng nỗ lực vươn lên với mô hình sản xuất, sơ chế, cung ứng rau sạch ra thị trường. Thời điểm này, với hơn 10ha sản xuất rau VietGAP, hơn 40ha sản xuất rau an toàn, HTX Mỹ Hưng có doanh thu khá cao, đảm bảo thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng/người...