Huyện Nam Trà My quyết chuyển 19.000ha rừng nguyên sinh có độ cao 1.500 - 2.300m quanh sườn núi Ngọc Linh thuộc các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don và Trà Dơn “thành thủ phủ sâm Việt Nam”. Vấn đề là làm thế nào để biến tham vọng ấy trở thành hiện thực, có sức hấp dẫn các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào trồng sâm là việc cần bàn. Huyện Nam Trà My đã có đề án về hướng phát triển vùng sâm trình lên HĐND tỉnh và UBND tỉnh xem xét.
Trồng sâm dưới tán rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, bảo vệ rừng. |
Theo đó, 19.000ha rừng nguyên sinh trên địa bàn 7 xã quanh sườn núi Ngọc Linh sẽ được định vị, khoanh vùng quy hoạch, phân lô rõ ràng. Khoảng 1.000ha vùng thôn 2, thôn 3 Trà Linh làm khu bảo tồn phát triển nguồn sâm gốc do nhà nước quản lý thực hiện, 18.000ha còn lại để cho cộng đồng dân cư và các nhà doanh nghiệp thuê đất dưới tán rừng trồng sâm. Cộng đồng dân cư của bà con Xê Đăng, Ca Dong được bố trí khoảng 7.000ha ở khu vực riêng. Khu dành cho các doanh nghiệp thuê có diện tích chừng 10.000ha. Các nhà đầu tư hay cộng đồng dân cư muốn có diện tích dưới tán lá rừng để trồng sâm sẽ được Nhà nước phân lô, cấp giấy bìa xanh (thuê đất rừng) theo yêu cầu diện tích mong muốn. Cách làm này sẽ tránh được tranh chấp đất rừng ngay từ đầu và việc bảo vệ sinh thái từng khu rừng sẽ được từng chủ nhân chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt khi đã có bìa xanh, nhà doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư chăm sóc vườn sâm, rừng sâm của mình.
Từ trước tới nay, để bảo vệ rừng trên sườn núi Ngọc Linh, hàng năm Nhà nước phải chi ra hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tấn gạo để bà con các dân tộc thiểu số bảo vệ quản lý rừng. Bây giờ với chính sách mới, khi ai có nhu cầu trồng sâm sẽ được Nhà nước cấp bìa xanh cho thuê dưới tán lá rừng nguyên sinh. Giá cho thuê cũng chỉ 180.000 đồng/ha/năm, bằng chính số tiền mà trước đây Nhà nước cấp cho dân giữ rừng. Với giá trị từ cây sâm Ngọc Linh đem lại 30 - 50 tỷ đồng/ha sau 5 năm trồng và chăm sóc thì giá cho thuê đất dưới tán rừng quá nhẹ nhàng, đủ sức cuốn hút các nhà đầu tư vào trồng sâm.
Theo ý kiến các nhà đầu tư, thời gian thuê đất dưới tán rừng và giá cả thuê là việc họ quan tâm hàng đầu, trên cơ sở đó họ đề ra chiến lược đầu tư trồng sâm lâu dài và có bài bản. Tuy nhiên điều đó còn chờ, khi đề án phát triển cây sâm của huyện Nam Trà My trình HĐND tỉnh được phê duyệt.
LÊ GÂN