Phân loại rác tại nguồn ở miền núi cao

HOÀNG YÊN - THIÊN NGA 14/05/2013 08:49

Trạm xử lý rác thải hữu cơ đưa vào sử dụng hơn một năm nay tại thôn Aching (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

ATIÊNG là xã trung tâm của huyện Tây Giang, lượng rác thải mỗi ngày từ 0,5 - 1,0 tấn, hầu hết được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Số tiền ngân sách tiêu tốn hàng năm vào công việc này gần 200 triệu đồng, chưa kể tiền phí thu gom của người dân. Trước đây, việc tiêu hủy rác rất thô sơ, bãi chôn lấp lại không được lót lớp vải địa chất khiến rác thải bị rò rỉ, gây ô nhiễm nguồn nước sông A Vương và môi trường xung quanh. Nhằm giải quyết những tồn tại nêu trên, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng trạm xử lý rác thải.

Trạm xử lý rác hữu cơ. Ảnh: H.YÊN
Trạm xử lý rác hữu cơ. Ảnh: H.YÊN

Ban đầu, công tác vận động nhằm thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của người dân gặp nhiều khó khăn. Bởi thói quen xả rác thải trực tiếp ra môi trường xung quanh đã tồn tại từ rất lâu, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Nhờ sự kiên trì của các cán bộ chuyên trách, người dân nơi đây hiểu được lợi ích từ việc bảo vệ môi trường ngay tại cấp cơ sở. Chị Zơrâm Thị Hoa (xã A Tiêng) nói: “Từ trước đến giờ đâu ai nói với mình ô nhiễm môi trường là gì đâu, nhưng nhờ sự giải thích của cán bộ nên mình hiểu và làm theo. Mỗi tháng phải đóng tiền gom rác nhưng bà con ai nấy cũng vui và ủng hộ vì nhà mình sạch, môi trường xung quanh sạch thấy rất thích”.

Để thực hiện tốt được việc bảo vệ môi trường, huyện đã vận động, hướng dẫn các hộ tại khu dân cư, hộ buôn bán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn phân loại rác tại nguồn. Mỗi hộ được cấp 2 thùng đựng rác loại 20 lít bằng nhựa composite (màu đỏ và màu xanh) để phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ. Mỗi tuần ba lần nhân viên môi trường lại đi thu gom rác tại các nhà dân và đưa về trạm xử lý. Ngoài ra, phân vi sinh sau khi sản xuất được sử dụng làm phân bón cho một số loại cây trồng, giá rẻ hơn rất nhiều so với việc sử dụng phân hóa học (2.000 đồng/kg) và không độc hại. Bình quân rác thải hữu cơ để xử lý khoảng 0,5 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện cho biết: “Phân loại rác tại nguồn đem lại môi trường sạch đẹp trên địa bàn. Mô hình này là giải pháp đúng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của huyện Tây Giang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho mở rộng thêm trạm xử lý rác thải để nhân rộng mô hình hiệu quả này”.

HOÀNG YÊN - THIÊN NGA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phân loại rác tại nguồn ở miền núi cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO